Nghệ An: Hỗ trợ cây giống, con giống cho gia đình khó khăn
(TN&MT) - Tại Nghệ An, thời gian qua, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ con giống, thức ăn để tạo sinh kế, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập để tiến tới thoát nghèo bền vững.
Từ ngân sách Trung ương giao cho tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023, Nghệ An đã triển khai xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất. Vốn là địa phương có ngành chăn nuôi thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, tỉnh ưu tiên lựa chọn mô hình cung cấp con giống và kỹ thuật nuôi cho người dân.
Tại huyện Quỳ Hợp, dự án hỗ trợ Bê cái lai Sind tại xã Văn Lợi, Hạ Sơn và Yên Hợp được thực hiện từ năm 2023 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2025. Tổng số đã có 165 hộ nghèo và cận nghèo tham gia dự án. Mỗi hộ được cấp 1 con bê cái lai Sind, tất cả đều được tiêm phòng, kiểm dịch, lấy mẫu máu, bấm lỗ tai đầy đủ.
Trước khi nhận bê, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Hợp đã tập huấn cho các hộ dân đầy đủ quy trình kỹ thuật chăn nuôi và chuẩn bị điều kiện về chuồng trại, đất trồng cỏ làm thức ăn. Sau hơn 1 năm nuôi, đến nay, đàn bê sinh tưởng khá tốt, hầu hết bê cái đã mang thai, chờ phối giống. Trong đó, 1 hộ dân chăn nuôi thành công khi bò cái đã cho bê con.
Ông Quang Văn Xuyến, một trong những hộ dân nhận nuôi bê chia sẻ: Hầu như các hộ nghèo như gia đình tôi, trong nhà đều có người sức khoẻ không tốt nên khó làm việc nặng, cũng không có vốn chăn nuôi. Nay được Nhà nước cấp bê giống, gia đình rất quý trọng và sẽ cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng để đàn bê ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tương tự, tại huyện Đô Lương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ 13 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo và 1 hộ mới thoát nghèo 1 con bê cái giống/hộ; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Các hộ nhận hỗ trợ từ năm 2023 và trong đợt đánh giá mới nhất hồi tháng 6, tất cả đều sinh trưởng, phát triển tốt với trọng lượng bình quân đạt 180 - 200 kg/con.
Với dự án chăn nuôi vịt bầu Quỳ tại xã Phú Thành, huyện Yên Thành, 11 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo và 4 hộ mới thoát nghèo đã tự nguyện đối ứng xây dựng chuồng trại, trang thiết bị dụng cụ chăn nuôi vịt. Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi dưỡng chăm sóc và vệ sinh phòng bệnh, cung cấp 170 con giống và một phần thức ăn chăn nuôi cho mỗi hộ.
Sau gần 3 tháng nuôi, đàn vịt sinh trưởng, phát triển tốt, tỉ lệ nuôi sống bình quân hơn 77%, tổng trọng lượng hơi xuất chuồng ước đạt 8,22 tấn/mô hình. So sánh với các hộ nuôi đại trà, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15 - 20%.
Để dự án thành công, ngay từ đầu Trung tâm khuyến nông đã phối hợp với chính quyền địa phương xác định đối tượng, lựa chọn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện tham gia dự án, tổ chức quán triệt mục đích yêu cầu và tập huấn kỹ thuật nuôi bò sinh sản, nuôi vịt bầu Quỳ cho hộ dân. Bên cạnh đó, Trung tâm đã chủ động lựa chọn, thương thảo và ký hợp đồng với các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm, nguồn giống, thức ăn đảm bảo theo đúng tiêu chí đề ra để cung ứng con giống, thức ăn vịt bầu Quỳ, bê cái lai Sind sinh sản cho các hộ tham gia.
Theo ông Phạm Minh Chuân - Chủ tịch UBND xã Phú Thành, cùng với hỗ trợ con giống và thức ăn, quan trọng là người dân đã được tập huấn đầy đủ, biết cách nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng trị bệnh cho vịt nhằm tăng tỷ lệ nuôi sống, tỷ lệ đẻ cao và từ đó, tăng thu nhập kinh tế gia đình và góp phần phát triển thương hiệu vịt của xã Phú Thành.
Thông qua thành công bước đầu của các mô hình có thể thấy, việc trao “cần câu” bằng cách hướng dẫn người dân làm kinh tế đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo động lực cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo quyết tâm nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đây cũng là kinh nghiệm cho tỉnh Nghệ An cũng như các địa phương khác khi triển khai mô hình, dự án giảm nghèo. Trong đó, cần xác định đối tượng chăn nuôi phù hợp với nhu cầu, thời tiết khí hậu, điều kiện kinh tế, khả năng đầu tư, nuôi dưỡng chăm sóc của các hộ dân. Trong suốt quá trình triển khai, đội ngũ cán bộ xã, xóm đã đồng hành rất tích cực, vừa giúp nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, quản lý, chỉ đạo vừa theo dõi giám sát các dự án, từng bước đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại cơ sở.
Trong năm 2024, tỉnh Nghệ An đề ra kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với 7 dự án, bao gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Để thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch, cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, UBND tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” đối với người nghèo; động viên, khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Cùng với đó, đổi mới phương pháp, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền công tác giảm nghèo trong các ngành, các cấp; kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững để nhân rộng.
Bên cạnh việc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững, Nghệ An đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 các huyện miền Tây có 80% số thôn bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%.