Tuyến đường liên huyện từ Lưu Kiện đến Na Ngoi trước đây là đường đất, thế nhưng do nhu cầu đi lại của người dân rất cấp thiết nên đã được đầu tư hoàn thiện, trải nhựa hầu hết chiều dài toàn tuyến. Tuy nhiên, từ những năm trước, do hiện tượng xe chở gỗ quá tải từ bên Lào về cùng với địa hình đồi núi cao cũng như nhiều nơi có hiện tượng nước tự chảy vào mùa mưa nên đường này bị hư hỏng rất nặng.
Xe quá tải tung hoành trên tuyến đường Lưu Kiền – Na Ngoi |
Trước tình trạng hư hỏng gây ảnh hưởng lớn đến việc giao thông đi lại của người dân, ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của hàng ngàn người dân các xã vùng trong, nhất là xã Na Ngoi, Nậm Càn nên huyện Kỳ Sơn đã tiến hành sửa chữa nhiều lần. Trong đó, mới nhất là đợt sửa đoạn dài 8km từ xã Nậm Càn đi Na Ngoi với kinh phí 5 tỷ đồng vào giữa năm 2015. Thế nhưng, việc sửa chữa không được bao lâu thì cung đường lại tiếp tục hư hỏng nghiêm trọng.
“Do xe quá tải chạy nhiều, địa hình phức tạp nên tuyến đường này hư hỏng suốt. Khổ nhất là vào mùa mưa thì cán bộ và giáo viên công tác trong các xã Na Ngoi, Nậm Càn có khi cả tháng trời hay cả năm học mới được về thăm nhà một lần; các xe chở hàng hóa vào cung ứng cho người dân cũng gặp hết sức khó khăn nên giá cả tăng vọt so với miền xuôi rất nhiều” – Anh Tuấn, giáo viên công tác trong xã Na Ngoi cho hay.
Xe quá tải tung hoành trên tuyến đường Lưu Kiền – Na Ngoi |
Do đường hư hỏng nhiều như đã nói ở trên nên đầu năm 2017, UBND huyện Kỳ Sơn lại tiến hành sửa chữa con đường này, đồng thời phối hợp với Thanh tra giao thông (Sở GTVT Nghệ An) để kiểm tra, xử lý các xe chở gỗ, vật liệu xây dựng quá khổ, quá tải. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn thì đến nay tuyến đường nêu trên lại trở nên xuống cấp và ngày càng trầm trọng.
Lưu thông trên tuyến đường trên trong những ngày tháng 6/2017 này, ghi nhận của PV là rất nhiều đoạn đường lớp nhựa đã bị cày nát, bong tróc và lượn sóng hình thành nên những rãnh sâu, “ổ voi”, “ổ trâu” xuất hiện nhan nhản. Những đoạn bị hư hỏng nhiều nhất có thể kể đến như đoạn qua Trạm Y tế xã Nậm Càn; đoạn qua Trường Mầm non Nậm Càn; Trạm Biên phòng Nậm Càn...
Nhiều đoạn đã tuyến đường này xuống cấp trầm trọng |
Ông Phan Viết Lịch – Phó BQL dự án Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi, cho biết: “Ở trong này ngoài xa gia đình, địa hình trắc trở thì cái khó mà người dân cũng như những ai đang công tác trong này là vấn đề đường sá xuống cấp. Con đường nối từ QL7 vào trong này cũng từ 60 đến 70km, dài như thế nhưng nhiều đoạn cứ bị hư hỏng, xuống cấp thường xuyên nên việc lưu thông đi lại hết sức khó khăn, mất quá nhiều thời gian. Tội nhất là học sinh đi học và cán bộ, giáo viên miền xuôi lên công tác; mặt khác giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng trở nên đắt đỏ vì cước phí vận chuyển đội lên nhiều quá...”.
Thầy giáo Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Ngoi 1 - cho biết: “Tôi lên đây công tác đã 30 năm rồi, khiếp nhất là đường sá đi lại xa xôi, lại hay hư hỏng. Nói thật cứ trời mưa thì bùn lầy lội, đi lại vất vả, khổ sở lắm. Mới trận mưa nhỏ là nhiều đoạn bùn đã nhão nhoẹt lút cả bánh xe máy”.
Nhiều đoạn đã tuyến đường này xuống cấp trầm trọng |
Theo phản ánh của người dân địa phương cũng như các cán bộ công tác trong địa bàn này thì nguyên nhân chính dẫn đến việc đường sá cứ sửa nhưng lại nhanh chóng bị hư hỏng là do xe quá tải lưu thông nhiều. Dường như đây là con đường độc đạo nên các xe tải ngày đêm cày phá cung đường, trong khi đó lực lượng chức năng cũng khó mà giám sát chặt chẽ do cung đường quá dài, lại nằm ở vùng sâu, biên giới. Theo ghi nhận của PV, hiện nay có hai đơn vị vận tải chính chở hàng nặng vào cung đường này gồm Công ty Việt Bắc và Công ty Thành Nam, hầu hết các xe tải của hai đơn vị này đều có trọng tải lớn với dàn xe từ 2 đến 3 chân, thậm chí 4 chân đang ngày đêm “cày nát” tuyến đường vào vùng biên giới này.
Được biết, xã Na Ngoi và Nậm Càn, gần như 100% người dân địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, dân tộc Mông chiếm khoảng 99%, còn lại 1% là người Thái và Khơ Mú. Cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn...Nhất là đường đi lại. Mùa nắng thì còn đỡ, cứ trời mưa xuống là cung đường này gần như bị chia cắt.
Việc lưu thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn |
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Phan Sỹ Thắng – Chánh Văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Tuyến đường từ Lưu Kiền vào Na Ngoi năm nào cũng xuống cấp, huyện cũng đã sửa chữa nhiều lần nhưng không xuể”.
Còn ông Nguyễn Sỹ Thắng – Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An, cho biết thêm: “Tuyến đường Lưu Kiền – Na Ngoi giao huyện quản lý. Năm ngoái chúng tôi phối hợp với huyện xử lý mạnh vấn đề xe chở gỗ quá tải. Nếu giờ phát hiện nhiều xe quá tải nữa tôi sẽ cử đoàn cán bộ Thanh tra lên phối hợp với huyện xử lý ngay”.
Phạm Tuân