Giám sát chặt chẽ hoạt động khoáng sản
Tháng 7/2022, tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII đã thống nhất ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề nhằm đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác quản lý, khai thác khoáng sản; kiến nghị HĐND tỉnh, chính quyền và các các sở, ngành của Nghệ An tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn.
Theo đó, Đoàn giám sát gồm lãnh đạo Thường trực và một số Ủy viên Thường trực của HĐND tỉnh; đại diện các ban, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh và một số đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An. Phạm vi giám sát là công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn từ năm 2016 đến ngày 31/2/2021. Đối tượng giám sát là UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh.
Đoàn sẽ giám sát đánh giá công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, bao gồm việc ban hành các văn bản quản lý và tuyên truyền phổ biến pháp luật về khoáng sản; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch, cấp phép, khai thác, sử dụng khoáng sản; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về khoáng sản.
Bên cạnh đó, đoàn còn giám sát tình hình hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đối với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của tổ chức, cá nhân với cộng đồng nơi khai thác khoáng sản, báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Trước đây người dân vạn chài thường sống bằng nghề sông nước, nhất là khai thác cát sỏi trái phép, rất khó quản lý. Sau khi dự án được triển khai thực hiện, để cư dân làng chài sớm ổn định cuộc sống, chính quyền đã tuyên truyền, khích lệ, động viên bà con vượt qua khó khăn. Đồng thời, tạo việc làm cho con em các gia đình, hỗ trợ bà con vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Cuộc sống ổn định, người dân không tham gia khai thác cát trái phép, việc quản lý hoạt động khai thác cát trái phép vì thế đã ổn định và dễ dàng hơn nhiều.
Ông Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Đàn
Người dân chuyển nghề, bỏ "khoáng tặc"
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép là vấn đề thiếu việc làm, thiếu kế sinh nhai… dẫn đến người dân "làm liều" hoặc bị các đối tượng đứng đằng sau xúi giục thực hiện các vụ khai thác khoáng sản trái phép.
Có thể kể đến hàng loạt các vụ bắt khai thác khoáng sản trái phép quy mô lớn trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Thanh Chương, Quế Phong hay tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên các dòng sông trên địa bàn thì "lực lượng" tham gia trực tiếp chủ yếu là những người thất nghiệp, có cuộc sống khó khăn. Vô hình trung, người dân trở thành "khoáng tặc".
Xóm Minh Đức, xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương) nằm bên bờ sông Lam. Trước đây bà con sống bằng nghề chài lưới và chủ yếu là… khai thác cát trái phép. Thế nhưng đến nay, khoảng 40 hộ dân với gần 200 nhân khẩu của xóm này đã gần như bỏ nghề "cát tặc". Anh Nguyễn Văn Phùng (trú tại xóm Minh Đức, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương), cho hay: Những năm gần đây, con em trong xóm đều đã "lên bờ", đi tìm công việc làm ăn xa hoặc chuyển sang những nghề khác chứ không còn bám sông nước khai thác cát như trước đây.
Một điểm sáng về công tác tái định cư, tạo cuộc sống ổn định cho người dân là Dự án tái định cư làng chài Tân Lam, xã Thượng Tân Lộc (huyện Nam Đàn) được triển khai từ năm 2007, đến tháng 6/2012, 53 hộ dân đã được nhận đất với diện tích từ 260 - 300m2 cùng 10 triệu đồng hỗ trợ xây nhà.
Từ một khu đất trống, được sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn xã hội hóa, những ngôi nhà mới khang trang đã được bà con xây cất nên. Khu tái định cư dần đổi thay từng ngày. Làng tái định cư trở thành niềm tự hào của người dân làng chài bởi những ngôi nhà và cuộc sống vững bền đã đổi đời cho những người dân vốn trước đây nhiều đời “trôi nổi” trên sông nước với nghề khai thác cát trái phép bấp bênh. Bà con đã và đang dần “an cư” để “lạc nghiệp”.
Trong ngôi nhà của mình, chị Nguyễn Thị Hường (43 tuổi), chia sẻ: “Từ ngày được lên bờ, có đất dựng nhà, không phải sống cảnh lênh đênh trên sông nước nên gia đình tôi đỡ vất vả hơn. Từ đường sá, trường trạm, con cái học hành đều thuận tiện, vợ chồng tôi có 4 con đều đang đi học, đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi, năm nào cũng được nhận giấy khen”.
Cách đó không xa là ngôi nhà khang trang, có vườn rau xanh mơn mởn, ông Nguyễn Văn Thái (57 tuổi), nhớ lại “Suốt một thời gian dài tôi cứ tưởng mình đang mơ, lênh đênh gần trọn đời người trên sông nước không dám nghĩ cuối đời lại có được ngôi nhà khang trang, cuộc sống ổn định như thế này. Giờ đây không phải lo cứ màn đêm buông xuống là đi hút trộm cát dưới sông Lam”.
Cuộc sống mưu sinh vất vả, thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm từ lũ lụt nên từ khi được lên bờ định cư, được cấp vốn làm ăn, người dân làng chài Tân Lam rất trân trọng và sử dụng những đồng tiền đúng mục đích để mang lại hiệu quả kinh tế. Những con người nghị lực và chăm chỉ qua thời gian đã và đang xây dựng nên một “làng chài trên cạn” với sự tươi mới, văn minh và đầy nghĩa tình.
Đến nay, điều đáng mừng nhất là 100% hộ gia đình của làng chài Tân Lam đã thoát nghèo, thu nhập ổn định, có hộ đã vươn lên làm giàu. Đây thực sự là một “kỳ tích”. Đa số người dân vẫn theo nghề sông nước, một số hộ làm nghề khai thác cát sỏi và khá đông con em trong làng đang xuất khẩu lao động, mang về nguồn thu nhập khá lớn cho gia đình.