Dự án hơn 10 tỷ vẫn nằm trên…giấy
Dự án tái định cư các hộ dân bị ngập lụt ở xã Quỳnh Thắng do UBND huyện Quỳnh Lưu làm chủ đầu tư. Triển khai từ năm 2010, dự án có diện tích gần 5 ha, chia làm 54 lô đất, mỗi lô 600 m2. Tổng dự án đầu tư hạ tầng với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ bố trí nơi ở mới cho trên 50 hộ dân thuộc các xóm: 4,5,12… của xã Quỳnh Thắng.
Để di dời về nơi ở mới nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí di dời 20 triệu đồng/1 hộ. Các hộ sau khi đến nơi tái định cư sẽ phải trả lại đất nơi ở cũ cho nhà nước. Theo ước tính của người dân tái định cư nếu đến nơi ở mới họ sẽ phải làm nhà và công trình phụ mất ít nhất khoảng 500 triệu. So với thu nhập của người dân ở đây đó là một số tiền rất lớn.
Thế là, gần 8 năm, hiện khu tái định cư này chỉ là một bãi đất hoang để cho trẻ em chăn thả gia súc. Hệ thống đường nội bộ, mương thoát nước cũng không khỏi xuống cấp khi để quá lâu ngày không sử dụng. Trên bãi đất hoang này, những người thực hiện dự án đã cho xây nhà văn hóa có khuôn viên rộng 600 m2. Thế nhưng hiện nhà văn hóa cũng chưa một lần sử dụng cửa đóng theo cài, để hoang, có dấu hiệu xuống cấp.
Dân vẫn đang sống chung với ngập lụt
Xóm 4 của xã Quỳnh Thắng – huyện Quỳnh Lưu là nơi có nhiều hộ dân nhất bị ngập nước vào mùa mưa khi hồ Vực Mấu tích nước. Hiện tại, cuộc sống của người dân ở đây đã quen với cảnh “sống chung với lụt”. Được biết, năm 2013, là năm nước lụt lên đỉnh điểm, ngập bàn ghế, giường tủ, chết hết gia cầm nhưng họ vẫn kiên trì bám trụ.
Khi tiếp xúc với PV, gia đình chị Văn Thị Vân, ở xóm 4 – xã Quỳnh Thắng không tránh khỏi thất vọng khi nhắc đến việc tái định cư về nơi ở mới. Chị Vân cho biết: Gia đình có 6 người gồm hai vợ chồng chị và bốn đứa con, khu vườn rộng trên 2.000 m2, đất màu mỡ chăn nuôi, trồng cây ngắn ngày rất tốt nên cuộc sống ổn định. Nay, nhà nước vận động tái định cư cấp cho lô đất 600 m2 thì không biết sản xuất và sống bằng cái gì?
Suy nghĩ của chị Vân hẳn cũng giống nhiều người dân thuộc diện tái định cư ở vùng đất này. Gia đình anh Trịnh Xuân Giang ở xóm 4 – xã Quỳnh Thắng có vị trí thấp nhất, năm nào cũng bị ngập lụt. Thế nhưng, khi hỏi đến việc chuyển sang nơi ở mới, anh than thở: Diện tích đất của gia đình khoảng 3.000 m2, nhà có 5 khẩu, chỉ cần nuôi gà và đánh cá gia đình cũng đủ trang trải cuộc sống. Nếu lên khu tái định cư, diện tích đất ở đó chỉ đủ làm nhà, xây xong các công trình phụ sẽ hết không biết làm gì mà sống. Chưa nói việc hỗ trợ mỗi gia đình 20 triệu đồng để di dời lên nơi ở mới chắc chắn không đủ để tháo dỡ, vận chuyển, chưa kể khoản tiền làm nhà càng khó mà xoay xở.
Ông Lê Văn Nga - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng – huyện Quỳnh Lưu, thừa nhận: Việc vận động người dân lên nơi ở mới thật sự khó. Mặt khác, xã nghèo nên chính quyền cũng chưa giúp được gì, vì thế người dân chưa thật an cư. Hiện, UBND xã cũng đề xuất với huyện, sau thời gian dài để không diện tích đất ở khu tái định cư rất lãng phí. Hạ tầng ở khu tái định cư đã được đầu tư xây dựng, chính quyền mong muốn huyện cho chủ trương để đấu giá khu đất này tạo nguồn thu từ đất để xây dựng hạ tầng cho xã.
UBND xã đã làm tờ trình để xin huyện cho chủ trương đấu giá đất ở nhưng không được, sau đó xin cho cá nhân đấu thầu sản xuất cũng không được chấp nhận. Với những hộ trước đây viết đơn tình nguyện xin lên nới tái định cư thì giờ đây họ xin rút đơn vì họ sợ không có đất sản xuất, nguồn nước cũng chưa đảm bảo và chi phí di dời và xây dựng quá lớn – ông Lê Văn Nga cho biết thêm.
Dự án tái định cư cho các hộ dân bị ngập lụt khi tích nước hồ Vực Mấu là chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Thế nhưng những bất cập về diện tích, số tiền hỗ trợ di dời…đang khiến cho người dân băn khoăn và không muốn chuyển đi nơi ở mới. Trong khi đó, hạ tầng khu tái định cư được xây dựng đã gần 8 năm nên ngày càng xuống cấp, gần 5ha đất cũng vì thế mà để lãng phí.
Vì thế, người dân cũng như chính quyền xã Quỳnh Thắng đang tha thiết mong muốn UBND huyện Quỳnh Lưu nhanh chóng tìm ra giải pháp tháo gỡ phù hợp nhất cho dự án tái định cư này để người dân sớm ổn định cuộc sống.