Nghệ An: Dân khốn khổ vì tuyến đường liên xã dang dở

14/08/2018 10:07

(TN&MT) - Dù được khởi công đầu tư nâng cấp từ 3 năm trước, thế nhưng đến nay tuyến đường huyết mạch liên xã Nghĩa Phúc - Giai Xuân (huyện Tân Kỳ) vẫn đang còn ngổn ngang, lầy lội khiến giao thông đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa bão.

Đường liên xã từ Nghĩa Phúc đi Giai Xuân, huyện Tân Kỳ là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, kết nối vùng miền, giao thương phát triển kinh tế. Tuyến đường được khởi công để nâng cấp từ năm 2015, tuy nhiên, đến nay đang phải dừng lại vì thiếu vốn, khiến việc đi lại của người dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.

Tuyến đường Nghĩa Phúc – Giai Xuân xuống cấp trầm trọng
Tuyến đường Nghĩa Phúc - Giai Xuân xuống cấp trầm trọng

Theo thông tin phản ánh của người dân xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, mấy năm gần đây, việc đi lại của người dân qua tuyến đường Nghĩa Phúc - Giai Xuân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi mùa mưa đến. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nhưng mặt đường lúc mưa xuống là lầy lội, xe cộ đi lại bị trơn trượt, học sinh đến trường hết sức khổ sở…
 

Anh Trần Băn Ban, lưu thông qua tuyến đường này cho biết: “Đường xấu và xuống cấp lắm, không chỉ riêng đoạn qua xóm Trung Tâm, xã Nghĩa Phúc mà trên toàn tuyến từ Nghĩa Phúc đi Giai Xuân đều chịu chung số phận tương tự, mùa nắng thì bụi bặm, mưa thì nhão nhoét, lầy lội. Dân ở đây và người đi đường cũng khổ nhưng không biết phải làm thế nào”.

Các phương tiện giao thông đi lại hết sức khó khăn
Các phương tiện giao thông đi lại hết sức khó khăn
 

Ông Đặng Xuân Nam - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc, cho biết: Thời gian qua, trong rất nhiều cuộc họp và tiếp xúc cử tri, người dân liên tục phản ánh về tình trạng hư hỏng tuyến đường từ Nghĩa Phúc đi Giai Xuân. Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề đạt ý kiến, nguyện vọng của người dân lên huyện, xem xét bố trí nguồn vốn để hoàn thành dự án nhưng vẫn chưa được. Theo ông Nam, tuyến đường này đã hư hỏng từ lâu, thêm vào đó là do hoạt động của xe tải chở nguyên liệu (keo, mía) khiến đường ngày hư hỏng nhiều hơn.

Được biết, Dự án nâng cấp đường Nghĩa Phúc đi Giai Xuân có chiều dài khoảng 7,5 km (đoạn qua xã Nghĩa Phúc 4,5 km, đoạn còn lại qua xã Giai Xuân), với tổng mức đầu tư hơn 22 tỉ đồng. Dự án do UBND huyện Tân Kỳ làm chủ đầu tư, Công ty xây dựng T.A. là đơn vị trúng thầu thi công.

Ông Nguyễn Việt Đức, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Tân Kỳ cho biết, dự án chậm tiến độ là do nguồn vốn hiện không có nên chủ đầu tư không thể ép nhà thầu tiếp tục thi công vì vi phạm Luật Đầu tư công. Đến nay, sau 3 năm khởi công, dự án mới giải ngân được khoảng hơn 4 tỉ đồng, nhà thầu đã triển khai xây dựng các cống ngang trên tuyến, san lấp mặt bằng một số điểm và làm mương đoạn qua xóm Trung tâm, xã Nghĩa Phúc.

Chỉ có những xe tải, xe gầm cao mới có thể lưu thông
Chỉ có những xe tải, xe gầm cao mới có thể lưu thông
Cũng theo ông Đức, UBND huyện Tân Kỳ đã nhiều lần đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An bố trí nguồn vốn để thực hiện tiếp dự án nhưng hiện vẫn chưa được, do ngân sách tỉnh cũng đang khó khăn.
 

Về phía nhà thầu thi công, đại diện Công ty T.A. cho biết, do không có nguồn vốn để thi công nên dự án phải dừng lại. Mấy năm vừa rồi, khi mùa mưa đến, công ty phải tự bỏ tiền để chính quyền địa phương khắc phục tạm thời để người dân đi lại đỡ vất vả. Cũng theo đại diện Công ty T.A, sắp tới, đề nghị UBND huyện Tân Kỳ đưa dự án này vào danh mục sử dụng vốn trung hạn, may ra mới có nguồn vốn bố trí để hoàn thiện dự án, tránh lãng phí công trình.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại tuyến đường người dân xã Nghĩa Phúc phản ánh, nhiều đoạn bị hư hỏng nghiêm trọng, mặt đường xuất hiện nhiều “ổ voi”, “ổ gà”, đặc biệt có đoạn bị phình lên do bánh xe tải đi qua nhiều lần. Xe ôtô con không thể đi được vì cạt gầm, xe gắn máy và xe đạp phải đi sát vào lề đường, chỉ có xe ôtô tải, xe bán tải may ra có thể qua được. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, giao thương của người dân trên địa bàn và địa phương lân cận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Dân khốn khổ vì tuyến đường liên xã dang dở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO