Tồn tại nhiều bất cập
Theo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về khoáng sản đã được UBND tỉnh Nghệ An kịp thời cụ thể hóa bằng các văn bản thuộc thẩm quyền; đồng thời chủ động, tích cực chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh này.
Được biết, hoạt động khoáng sản được quản lý và thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt với tổng 610 điểm mỏ và 273 giấy phép được cấp hiện đang còn hiệu lực.
Bên cạnh quy hoạch, cấp phép, UBND tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và từ năm 2016 đến nay đã thu hồi 14 giấy phép khai thác khoáng sản do không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về khoáng sản.
UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành quyết định phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và phương án bảo vệ đối với khoáng sản chưa khai thác theo đúng quy định; thực hiện việc rà soát, kiểm tra phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo đề án đóng cửa mỏ được duyệt.
Hoạt động khai thác khoáng sản góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách hàng năm cho địa phương. Trong vòng 5 năm (2016 – 2021), thu từ các loại thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 4.581 tỷ đồng và thuế xuất khẩu khoáng sản hơn 378 tỷ đồng.
Bên cạnh mặt tích cực, báo cáo cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý là công tác quy hoạch khoáng sản nói chung, quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra khá phức tạp tại một số địa phương. Hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng, xuống cấp hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, an ninh trật tự...
Vẫn còn tình trạng thất thu thuế trong hoạt động khoáng sản. Một số doanh nghiệp kê khai sai, thiếu sản lượng khai thác thực tế, sai hệ số quy đổi. Một số đơn vị kê khai nộp thuế tài nguyên nhưng không có giấy phép khai thác; việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ của khoáng sản chưa được thực hiện chặt chẽ.
Một số doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, chế độ chính sách; chưa đầu tư, cải thiện điều kiện việc làm, người lao động vẫn phải làm việc trong điều kiện có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại; một số mỏ khai thác sai thiết kế dẫn đến mất an toàn lao động; tình trạng nợ đọng, cố tình trốn đóng, chậm nộp các loại bảo hiểm còn diễn ra ở một số đơn vị.
Công tác phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong việc theo dõi, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ nên vẫn còn nhiều doanh nghiệp vi phạm, tái phạm các hành vi đã bị xử lý.
Phải khai thác tài nguyên có hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường
Trước những bất cập còn tồn tại như trên, đoàn giám sát HĐND tỉnh Nghệ An đã kiến nghị UBND tỉnh này tập trung chỉ đạo thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đầu tiên là cần chỉ đạo rà soát, bổ sung và thực hiện có hiệu quả quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên trong hoạt động khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài, nhất là nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường; hạn chế tối đa việc cấp phép thăm dò, khai thác các loại tài nguyên không tái tạo; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
HĐND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu UBND tỉnh cần nghiên cứu chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để khai thác có hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường.
Yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản, nhất là việc lập sổ sách, hóa đơn chứng từ; thực hiện nghiêm túc việc lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu giữ thông tin, số liệu liên quan theo đúng quy định.
Cần ban hành quy định và giao cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý việc thực hiện lắp đặt camera, trạm cân của các doanh nghiệp; quy định việc kết nối dữ liệu camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu của các đơn vị khai thác với cơ quan Thuế, cơ quan quản lý Tài nguyên khoáng sản để giám sát sản lượng khai thác tại mỏ; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, ngăn chặn tình trạng hợp thức hóa khoáng sản trái phép, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản chưa được cấp phép.
Tăng cường chỉ đạo thực hiện và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản; theo dõi, rà soát việc khắc phục và chấp hành quy định pháp luật sau thanh tra, kiểm tra.
Chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí sử dụng nguồn phí bảo vệ môi trường thu được cho công tác bảo vệ môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Một báo cáo kết quả giám sát khác của HĐND tỉnh Nghệ An là về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, số công trình, dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa thực hiện, không có khả năng thực hiện bị hủy bỏ hoặc quá thời hạn phải trình chuyển tiếp còn nhiều.
Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2021, HĐND tỉnh Nghệ An ban hành 15 nghị quyết về thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai. Qua giám sát cho thấy, kết quả mới thực hiện thu hồi đất của 2.446/5.789 công trình, dự án (đạt 42,25%) với tổng diện tích 4.802,4/15.491,34 ha (đạt 31%).
Cũng trong giai đoạn này, HĐND tỉnh ban hành 16 nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai để thực hiện công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, kết quả đã thực hiện chỉ là 1.298/3.389 công trình, dự án (đạt 38,3%); chuyển mục đích sử dụng 1.404,54/3.862,55 ha đất trồng lúa (đạt 36,36%); 190,71/343,56 ha đất rừng phòng hộ (đạt 55,5%) và 4,47/5,57 ha đất rừng đặc dụng (đạt 80,25%).