Nhằm tập trung xử lý triệt để, dứt điểm các khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu đã đưa vào danh mục trên phạm vi tỉnh Nghệ An; tiếp tục rà soát, bổ sung vào danh mục các khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu cần phải xử lý trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành việc điều tra, xử lý, cải tạo phục hồi môi trường và kiểm soát khu vực bị ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.
Mục tiêu cụ thể được xác định: Giai đoạn 2019 – 2020, tỉnh Nghệ An hoàn thành điều tra đối với các khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực chất tồn lưu trong Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước, hoàn thành điều tra sơ bộ các khu vực ô nhiễm bảo vệ thực vật tồn lưu nằm ngoài Quyết định số 1946/QĐ-TTg hoặc mới phát sinh; tiếp tục quản lý, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đối với các khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.
Giai đoạn 2020 – 2030, hoàn thành điều tra đối với các khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; hoàn thành xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường và kiểm soát khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; quản lý bền vững, kiểm soát và bàn giao các khu vực đã xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường.
UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh triển khai việc lồng ghép quy hoạch sử dụng đất với kế hoạch quản lý và xử lý các khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra chi tiết, đánh giá rủi ro và phân loại đối với các khu vực ô nhiễm thuộc Quyết định số 1946/QĐ-TTg theo các mức độ rủi ro cao, rủi ro trung bình và mức độ rủi ro thấp; đối với khu vực bị ô nhiễm có mức độ rủi ro trung bình và mức độ rủi ro cao, tiến hành lập dự án xử lý ô nhiễm theo phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt để làm cơ sở lập dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường; đối với khu vực bị ô nhiễm có mức độ rủi ro thấp, tiến hành lập dự án cải tạo và phục hồi môi trường theo phương án kiểm soát khu vực bị ô nhiễm trình UBND tỉnh phê duyệt.
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu không thực hiện việc giao đất, sử dụng đất tại những khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu chưa được xử lý vào mục đích đất ở, trồng cây lương thực, chăn nuôi; phối hợp với Sở TN&MT trong việc rà soát danh mục và thực hiện phương án xử lý, kiểm soát các khu vực tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật.
Được biết, Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng các kho thuốc BVTV tồn lưu lớn nhất trên cả nước với 913 điểm từ thời kỳ chiến tranh và thời kỳ bao cấp để lại. Năm 2008, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã tiến hành lấy mẫu phân tích 277/913 điểm kho thuốc tồn lưu, kết quả phân tích đã xác định được 265/277 điểm có dư lượng hóa chất BVTV trong đất lớn hơn quy chuẩn cho phép (chiếm 96%).