Ngày Nước thế giới 22/3/2019 hướng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng nước bằng cách giải quyết những lý do tại sao rất nhiều người bị bỏ lại phía sau.
Cùng với việc tiếp cận về điều kiện vệ sinh, tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng và điều này là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi rất nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn.
Các mục tiêu cụ thể của chủ đề Ngày Nước thế giới 2019: “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, bao gồm: Nước cho phụ nữ; Nước cho nơi làm việc, sản xuất; Nước cho nông thôn; Nước cho người tị nạn; Nước cho các bà mẹ; Nước cho trẻ em; Nước cho học sinh, sinh viên; Nước cho những người bản địa, thiểu số; Nước cho người khuyết tật; Nước cho cộng đồng của những người đồng tính;…
Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững thì mục tiêu số 6 (SDG6) là Nước sạch và vệ sinh rất rõ ràng nhằm cụ thể hóa mục tiêu về nước vào năm 2030. Điều này có nghĩa là không để ai bị "bỏ lại phía sau" trong tiến trình toàn thế giới hướng đến các mục tiêu cụ thể về nước.
Nhưng trên thực tế, hiện nay, vẫn còn hàng tỷ người chưa được tiếp cận với nguồn nước sử dụng an toàn; trong đó có các hộ gia đình, trường học, nơi làm việc, trang trại và nhà máy đang vật lộn để tồn tại và phát triển.
Việc thiếu được tiếp cận với nguồn nước an toàn sẽ có tác động bất lợi đến các nhóm cộng đồng nghèo dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người tị nạn, người bản địa, thiểu số, người khuyết tật và nhiều người khác,… thường bị bỏ qua. Đôi khi họ còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong khi họ cố gắng tiếp cận và quản lý nước an toàn mà họ cần.