Doanh nghiệp - doanh nhân

Ngành Thép Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050

T. Dũng - Phương Hà 15/09/2023 - 13:52

Hiệp hội Thép Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo ngành thép Việt Nam hướng tới Chiến lược tăng trưởng xanh với sự tham dự của Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Hiệp hội thép Đông Nam Á, Tổ chức Tài chính quốc tế IFC cùng hơn 200 doanh nghiệp trong ngành thép và một số chuyên gia độc lập.

974dbbe66802bd5ce413.jpg
Hội thảo ngành thép Việt Nam hướng tới Chiến lược tăng trưởng xanh

Hội thảo ngành thép Việt Nam hướng tới Chiến lược tăng trưởng xanh là diễn đàn cung cấp và trao đổi thông tin đa chiều và mới nhất của các cơ quan Nhà nước, Hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia, các doanh nghiệp thép trong và ngoài nước... về quy định pháp luật, chính sách của Việt Nam, khu vực và quốc tế, dòng chảy thương mại. Từ đó, giúp các doanh nghiệp thép sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước và quốc tế.

Trong thời gian qua, ngành Thép đã từng bước phát triển và có nhiều đóng góp lớn vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, ngành thép Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất thép thô thứ 13 thế giới, đứng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm.

Trong 4 phiên thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào chủ đề: Công nghiệp thép Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon năm 2050; kinh nghiệm, lộ trình trung hòa các-bon của các quốc gia và Khuyến nghị cho Việt Nam; định hướng chuyển đổi công nghệ hướng tới trung hòa các-bon trong sản xuất thép và Cơ chế hợp tác; lộ trình chuyển đổi xanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL): Ngành thép Việt Nam đang từng bước nỗ lực chuyển đổi, tối ưu hóa công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tận dụng nhiệt thừa trong quá trình sản xuất để phát điện... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành thép vẫn là một ngành có phát thải khí nhà kính và tác động tới môi trường. Theo tính toán của chuyên gia, ngành thép chịu trách nhiệm cho 7% tổng lượng phát thải quốc gia và khoảng 46% các quá trình công nghiệp.

article.jpg
Chuyển đổi để tăng trưởng xanh trong ngành công nghiệp sản xuất thép là xu hướng tất yếu

TS. Lương Quang Huy, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ TN&MT) nhận định, các doanh nghiệp ngành thép cần thực hiện nghiêm các nghị định, quyết định... của Chính phủ về giảm pháp thải khí nhà kính, cam kết giảm phát thải ròng về bằng "0" theo quy định. Bên cạnh đó, dự báo thời gian tới, các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng sẽ thực hiện cơ chế carbon xuyên biên giới, các doanh nghiệp ngành thép cần nỗ lực hơn nữa để có thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Ông Nghiêm Xuân Đa khẳng định: Việc chuyển đổi sản xuất thép từ "thép xám" sang "thép xanh" là xu thế không thể dừng lại và không nằm ngoài chủ trương phát triển ngành công nghiệp Việt Nam và hội thảo lần này là cơ hội để các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về xu hướng phát triển xanh của thế giới và trách nhiệm thực hiện sản xuất xanh nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý trong nước và thị trường quốc tế.

Với vị thế là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết, Hòa Phát sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các loại thép công nghệ cao, thép đặc biệt phục vụ ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp ô tô, đóng tàu, thép kết cấu,… Đây cũng là các hướng phát triển sản phẩm của dự án Dung Quất 2 và các dự án sau này. Đồng thời, Hòa Phát luôn quan tâm tối ưu hóa tất cả các khâu sản xuất theo hướng tuần hoàn, khép kín, tiết giảm tiêu hao năng lượng và xây dựng lộ trình phát triển thép xanh, giảm phát thải CO2 theo định hướng chung của Chính phủ, hướng đến mục tiêu trung hòa cac-bon vào năm 2050. Hiện Hòa Phát đã và đang thực hiện 8 hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Cũng tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng Xanh (Bộ Công Thương) đã giới thiệu về Chiến lược tăng trưởng xanh của ngành công thương cũng như các hoạt động đang triển khai trong việc cập nhật, tạo dựng hành lang pháp lý thực hiện tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành. Đồng thời, nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong mọi chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành công thương nhằm đảm bảo sự thích ứng linh hoạt với các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn do biến đổi khí hậu gây ra, đảm bảo cho sự phát triển, tăng trưởng ổn định của ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Thép Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO