Ngành nông nghiệp xuất khẩu kỷ lục năm 2024:Quả ngọt từ quá trình chuẩn bị lâu dài
(TN&MT) - Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023. Xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 18,6 tỷ USD, tăng tới 53,1%.
Thông tin tại Tòa đàm Tọa đàm “Xuất khẩu nông sản năm 2024 - Kỷ lục mới, vị thế mới” do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Văn phòng Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, đại diện các cơ quan của Bộ NN&PTNT chia sẻ, đây là kết quả của quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuyển đổi xanh. Đây cũng là kết quả của quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản chủ lực, điển hình như sầu riêng, dừa, tổ yến…; và sự định hướng sớm, chỉ đạo các địa phương tập trung chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để ứng phó với các vấn đề thiên tai, dịch bệnh sẽ xảy ra.
Vượt áp lực từ thiên tai
Năm 2024 ngành trồng trọt chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là cơn bão số 3 – YAGI nhưng cũng là năm ngành trồng trọt tiếp tục gặt hái được nhiều thành công với nhiều mặt hàng nổi bật, như trái cây đạt khoảng 7 tỷ USD; gạo, cà phê, hạt điều… tiếp tục lập thành tích mới trong xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), ngay từ những ngày đầu năm 2024, Cục đã định hướng sớm, chỉ đạo các địa phương tập trung chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để ứng phó với các vấn đề thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra. Điển hình ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán xâm nhập mặn xảy ra tương đối căng thẳng nhưng do có sự chuẩn bị tốt và sớm, sản xuất lúa vẫn đạt kế hoạch đề ra khoảng 43 triệu tấn, giúp đảm bảo mục tiêu xuất khẩu.

Đối với Tây Nguyên – khu vực tập trung các loại cây công nghiệp với diện tích lớn, dự báo hạn hán sẽ có tác động mạnh. Nhờ có dự báo sớm và chuẩn bị trước nên thực tế không bị thiệt hại nhiều. Cây cà phê vẫn đạt năng suất trung bình 29 tạ/ha, không thay đổi nhiều so với niên vụ trước nhưng sản lượng tăng lên, giúp xuất khẩu cà phê đạt con số 1,2 triệu tấn.
Riêng với cơn bão Yagi, các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại rất nhiều, với khoảng 284.472ha lúa bị ngập úng; 61.114 ha cây hoa màu bị ngập úng; cây ăn quả có khoảng hơn 39.000ha bị ngập… Ngay lập tức, công tác chỉ đạo khắc phục sản xuất từ Trung ương tới địa phương đã được triển khai rất tốt. Trước mắt là giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Thứ hai, bắt tay ngay vào sản xuất vụ đông nhằm đảm bảo lượng hàng hoá cho cuối năm và Tết Nguyên đán. Rõ ràng thành quả đó không phải là sự ngẫu nhiên mà do chúng ta đã có sự chuẩn bị, chủ động từ đầu năm.
Riêng mặt hàng gạo, khối lượng và giá trị xuất khẩu 11 tháng đã đạt gần 8,5 triệu tấn và 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Thực tế để có được con số này, từ nhiều năm nay, ngành lúa gạo nước ta đã chuyển đổi mạnh mẽ sang sản xuất lúa gạo chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến và đạt được nhiều thành quả, bền bỉ trong thời gian dài. Qua đó cho thấy các định hướng của chúng ta rất đúng đắn, góp phần nâng cao giá trị lúa gạo của Việt Nam.
Do hạn mặn ở ĐBSCL thường xuyên xảy ra nên Cục Trồng trọt đã đẩy sớm vụ đông xuân. Giải pháp này giúp né tránh được hạn và xâm nhập mặn, sản xuất lúa gạo nhờ đó đảm bảo năng suất và sản lượng, đặc biệt chất lượng tăng lên nên thành quả xuất khẩu gạo cũng ngày càng tăng.
Với nhóm cây ăn quả, 10 năm trước, Bộ NNPTNT đã thành lập Ban chỉ đạo rải vụ trái cây. Qua điều chỉnh, ĐBSCL đã có thể thu hoạch trái cây quanh năm, đây là lợi thế mà không phải nước nào cũng có được. Bên cạnh đó còn có chương trình tái canh cà phê. Với những chính sách hỗ trợ nông dân hiệu quả và quyết tâm của các địa phương, diện tích tái canh đã đạt 155.000ha. Đến thời điểm diện tích này cho thu hoạch lại trùng với giai đoạn giá cà phê tăng cao. Nông dân vừa được mùa vừa được giá, đó là nhờ những chủ trương mà chúng ta đã triển khai từ nhiều năm trước.
Sẵn sàng trước các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, môi trường
Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, đối với các doanh nghiệp ngành thủy sản, việc đáp ứng các thay đổi của từng thị trường cũng luôn là vấn đề nóng, được các doanh nghiệp quan tâm, theo dõi chặt chẽ. Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP): Sau 20 năm ngành thuỷ sản hội nhập, sự thay đổi đáng kể nhất là các lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm, sau đó là trách nhiệm với môi trường, xã hội.
Châu Âu, Mỹ, Nhật là nhóm 3 thị trường có doanh số đứng đầu trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Và các thị trường này đều yêu cầu nhà xuất khẩu phải chứng nhận thuỷ sản có nguồn gốc khai thác hợp pháp, quản lý và trách nhiệm. Để xuất khẩu các lô hàng thuỷ sản tới thị trường lớn, ngoài những quy định của thị trường bắt buộc chúng ta phải tuân thủ thì bây giờ cần có thêm các chứng nhận bền vững, xuất phát từ nhu cầu của người mua hàng, giới bán lẻ.

Trong tương lai những ngành kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là gắn với sức khoẻ con người sẽ luôn phải đương đầu với những yêu cầu khắt khe đó. Song nếu có sự chuẩn bị thì tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ đáp ứng tốt.
“Có 2 nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Một là nhóm doanh nghiệp hội nhập sâu, họ đã có sự chuẩn bị, từ hồ sơ lô hàng cho tới việc có ý kiến sớm với cơ quan quản lý về các vấn đề khó khăn vướng mắc. Họ cũng đã tìm hiểu rất kỹ và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu sản xuất xanh hiện nay. Nhóm thứ hai có thể là các đơn vị cung cấp theo chuỗi, không xuất khẩu trực tiếp. Chúng tôi nhận thấy, nhóm này cũng đã có sự chủ động thay đổi thích ứng với yêu cầu của các thị trường. Nhờ đó, Việt Nam vẫn giữ được thị phần và xuất khẩu thuỷ sản đứng thứ 3 thế giới về nguồn cung, thị trường có cả ở 5 châu lục” – ông Nam nhận định. Dự kiến vào ngày 23/12 tới, VASEP sẽ tổ chức lễ tổng kết mốc sự kiện xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), có thể nói, thuận lợi lớn nhất trong đàm phán ký kết nghị định thư để mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu thời gian qua, đó là chúng ta có những sản phẩm tiềm năng, đặc sản thế mạnh để xuất khẩu. Bởi không có sản phẩm tốt thì chúng ta không thể có đàm phán được.

Muốn cạnh tranh trong xuất khẩu chúng ta phải có sản phẩm độc đáo, riêng biệt. Do đó, điều kiện đáp ứng thị trường của ta khác với các sản phẩm của các nước khác, khó có mô hình nào để chúng ta có thể áp dụng mà chúng ta phải tự chủ động để làm, nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Các nước nhập khẩu cũng ngày càng tăng mức độ quản lý, quy định thay đổi liên tục, gây khó khăn trong nắm bắt của người sản xuất, tạo sức ép và nguy cơ không nắm bắt và tuân thủ được các quy định của chúng ta. Mặt khác, sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, chưa có sản phẩm đồng đều, chưa có nguồn hàng lớn.
Dưới góc độ cơ quan đầu mối quốc gia tiếp nhận các thông báo thay đổi các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) của các nước nhập khẩu, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhận định: Nhóm các donh nghiệp nhỏ có nguy cơ cao không đáp ứng kịp với các quy định mới của thị trường xuất khẩu. Trước hết do thông tin chưa thông suốt từ Trung ương, địa phương, đến doanh nghiệp và nông dân. Văn phòng SPS Việt Nam mới chỉ chuyển giao thông tin được đến 63 tỉnh thành, nhưng từ các Sở đến được với các doanh nghiệp cũng là vấn đề. Công tác tuyên truyền, vận động và yêu cầu các trường hợp thay đổi để đáp ứng được các quy định trong sản xuất, xuất khẩu rất quan trọng trong thời gian tới.
Củng cố vị thế sau tăng trưởng "nóng"
Mặc dù đã dành được rất nhiều kết quả quan trọng trong xuất khẩu nông lâm thủy sản, nhưng những thách thức với xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn còn rất nhiều. Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, do sản xuất của Việt Nam còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chuỗi liên kết còn rời rạc nên để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn.
“Thách thức lớn trong giai đoạn tới nằm ở sự tăng trưởng. Sau 3 năm tăng trưởng "nóng", có thể thấy nguy cơ vi phạm quy định đang hiển hiện trước mắt khi mà các doanh nghiệp đua nhau mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng sản lượng xuất khẩu mà lại buông lỏng kiểm soát chất lượng. Trong khi chỉ một vài vi phạm nhỏ có thể ảnh hưởng tới cả lô hàng” – ông Hiếu nhấn mạnh và cho rằng, năm 2025, không nên kì vọng quá vào sự tăng trưởng của ngành trái cây mà nên chú trọng tăng cường sức khoẻ của ngành; tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng. Không nên chủ quan với mức tăng kim ngạch mấy chục phần trăm như những năm vừa qua. Doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường chứng nhận về trách nhiệm xã hội, môi trường…
Về thách thức với lĩnh vực trồng trọt năm 2025, ông Nguyễn Quốc Mạnh cho rằng đó là vấn đề thiên tai, biến đổi khí hậu. Trước mắt, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm nay sẽ nặng nề hơn năm 2024. Hiện Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi các địa phương để cách báo, có biện pháp kịp thời, đặc biệt trong công tác chỉ đạo sản xuất. Ngoài ra, các địa phương ở ĐSBCL sẽ tập trung vào triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Đối với cây trồng khác, cao su và cà phê sẽ thực hiện bằng được việc đáp ứng đầy đủ quy định chống phá rừng (EUDR) của châu Âu, Bộ NNPTNT, Cục Trồng trọt sẽ có hướng dẫn đến các địa phương thời gian sớm nhất.Đối với nhóm cây ăn quả, các tỉnh miền Trung và phía Bắc sẽ tập trung kéo dài thời gian thu hoạch. Ngoài ra, tập trung sản xuất trồng trọt đối với các cây trồng phát thải thấp.