Doanh nghiệp - doanh nhân

Ngành bao bì và mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa

Trung Dũng 01/08/2024 - 10:49

Ngành bao bì Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng phát triển xanh, sản xuất xanh và bền vững, phù hợp với xu hướng toàn cầu. Sự thay đổi này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn đem lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Tốc độ tăng trưởng cao

Thống kê từ Hiệp hội Bao bì Việt Nam cho thấy, nước ta hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp bao bì. Trong đó, khoảng 4.500 doanh nghiệp bao bì giấy và 9.200 doanh nghiệp bao bì nhựa.

Ngành công nghiệp bao bì hiện nay đang trải qua sự biến đổi đáng kể về cả chất lượng và số lượng. Các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng bao bì đã nhanh chóng thích ứng với xu hướng mới và điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao.

1.jpg
Ngành công nghiệp bao bì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định

Ông Nguyễn Ngọc Sang - Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam cho hay, công nghiệp bao bì Việt Nam nhìn chung có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định. Như trong giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành là 13,4%/năm. Tương lai, công nghiệp bao bì sẽ còn phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, đây cũng là ngành hấp dẫn nguồn vốn đầu tư từ nhiều quốc gia.

Dù vậy, ông Sang nhận định, ngành công nghiệp bao bì nước ta cũng đối đầu nhiều thách thức, cần phải tăng sức cạnh tranh bằng quản lý hiệu quả, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng công nghiệp bao bì theo hướng xanh đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế bền vững.

Giảm thải rác thải nhựa

Theo báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, nhưng chỉ 27% được tái chế và tận dụng bởi các cơ sở và doanh nghiệp. Đáng nói, có khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn trong số đó bị đổ ra biển.

2.jpg
Coca-Cola Việt Nam sử dụng chai làm từ 100% nhựa tái chế

Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam cũng khẳng định: Phần lớn bao bì nhựa bị thải ra môi trường, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nhựa – vấn đề môi trường nghiêm trọng thứ hai trên thế giới, chỉ sau biến đổi khí hậu.

Để giảm thiểu lượng rác thải nhựa, nhiều doanh nghiệp đã chủ động sử dụng bao bì tái chế. Chẳng hạn, vào tháng 9/2022, Coca-Cola Việt Nam đã tiên phong sử dụng chai làm từ 100% nhựa tái chế, giúp giảm hơn 2.000 tấn nhựa mới mỗi năm. Nhờ hợp tác với các nhà tái chế nhựa trong nước, năm 2023, Coca-Cola Việt Nam đã thu gom và tái chế hơn 40% bao bì nhựa PET.

Tương tự, Unilever Việt Nam cũng đạt được 63% bao bì có khả năng tái chế hoặc dễ dàng phân hủy. Đồng thời, doanh nghiệp này còn giảm 52% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì thông qua việc cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế.

Sản phẩm hộp sữa NAN của Nestlé Việt Nam hiện có muỗng và nắp được sản xuất từ 66% nguyên liệu có nguồn gốc thực vật, góp phần giảm thiểu sử dụng nhựa truyền thống và bảo vệ môi trường. Viên nén cà phê của Nestlé đã giảm bớt trọng lượng màng bọc, giúp giảm lượng chất thải nhựa.

Đồng thời, cà phê hòa tan của hãng đang chuyển sang sử dụng bao bì đơn lớp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình tái chế sau khi sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động tiêu cực lên hệ sinh thái.

Ông Nguyễn Lê Thăng Long - Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường cho biết, hiện nay thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều loại túi phân hủy sinh học thân thiện với môi trường. Thực tế, nhiều siêu thị có bán các sản phẩm sử dụng một lần như bát, đĩa, khay, cốc được làm từ xơ tre, bột sắn, bã mía… Hay ống hút nhựa được thay bằng ống hút làm từ nguyên liệu tự nhiên như giấy, gạo và tre. Những sản phẩm thân thiện môi trường này đang dần thay thế đồ nhựa, chiếm lĩnh thị trường.

Ông Long nhận định, Việt Nam có nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào. Cùng với đó các chính sách, định hướng phát triển quốc gia bền vững được được xây dựng và thực hiện bài bản, rõ rệt. Điều này tạo ra thị trường năng động, nhiều tiềm năng để phát triển, chuyển đổi sang sản phẩm bao bì thân thiện môi trường.

Trong khi đó nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp bao bì có thể nâng cao tính bền vững môi trường bằng cách tăng cường sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo, giảm thiểu lượng chất thải, hạn chế phát thải khí nhà kính, và sản xuất các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc tái chế. Những biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Nước ta hiện nay cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh, bền vững khi đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên. Như với ngành bao bì thuộc công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP có nội dung phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hay trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, dự án liên quan đến các sản phẩm bảo vệ môi trường cũng sẽ được ưu tiên vay vốn.

Hy vọng với hiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự chung tay của của các doanh nghiệp sẽ góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường; đồng thời biến rác thải nhựa thành những nguồn tài nguyên quý giá quay trở lại phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành bao bì và mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO