Thông tư 35/2017 ngày 09/10/2017 của Bộ GTVT quy định các tổ chức, cá nhân không được chiếm dụng gầm cầu làm nơi ở, bãi đậu xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Còn theo chủ trương của Sở GTVT TP.HCM, đến cuối tháng 8/2019, tất cả dạ cầu đã được cấp phép trên địa bàn TP phải ngưng hoạt động khai thác, vậy nhưng tình trạng chiếm dụng gầm cầu để kinh doanh vẫn diễn ra tràn lan. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều tai nạn khi có sự cố giao thông.
Từ cửa ngõ Đông Bắc đi vào TP, ngay chân cầu vượt Thủ Đức (quận Thủ Đức), một số hộ ngang nhiên bày hàng chục bộ ghế, hình thành các quán nước. Gần bên cạnh, cánh xe ôm, hàng rong thì thi nhau lấn đường. Đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng kẹt xe thường xuyên ở khu vực này. Chiều tối, khi các quán nước nghỉ hoạt động, chân cầu trở thành bãi rác với nhiều chai lọ, túi ni lông.
Dưới cầu vượt Ngã tư Ga, cầu vượt Bình Phước (quận 12) cũng không kém phần bát nháo. Đây là nơi hành khách đứng đón xe về các tỉnh miền Trung, miền Bắc và chờ xe buýt. Theo quan sát, tuy đây không phải là trạm dừng nhưng một số xe buýt vẫn vô tư dừng đón trả khách, cộng thêm khách ra vào các hàng quán bán nước nên thường xuyên gây nguy hiểm cho hành khách và những phương tiện tham gia giao thông.
Bà L.T.H., chủ một quán nước dưới gầm cầu vượt Ngã tư Ga cho hay, đây là khu vực đón xe Bắc - Nam nên tôi bán nước khá chạy, thỉnh thoảng cũng có lực lượng chức năng tới dẹp nhưng khi họ đi, tôi lại bày ra bán tiếp. Ai cũng vậy chứ không riêng gì tôi.
Tại cầu Ông Lãnh (phía đường Võ Văn Kiệt, nối quận 1 và quận 4), mặc dù mới đây lực lượng chức năng đã dẹp những bãi giữ xe ngay dưới gầm cầu, nhưng nhiều sạp bán trái cây dã chiến đặt dưới gầm cầu vẫn còn vô tư mua bán, người đi xe máy đậu xe dưới lòng đường mua hàng, khiến giao thông đi lại lộn xộn, nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tình trạng lấn chiếm gầm cầu làm nơi kinh doanh mua bán không những gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Thành, nhà sống gần cầu Nguyễn Tri Phương (quận 8) bức xúc cho biết: Các quán nhậu gần khu vực cầu bán tới gần 1 giờ sáng, rất ồn ào khi đêm xuống, tại đây thỉnh thoảng còn xảy ra tình trạng đánh nhau. Không chỉ vậy, gầm cầu còn là nơi để những người uống bia, rượu ở các quán dùng làm nhà vệ sinh, làm mất đi cảnh quan đô thị của TP.HCM.
Theo quy định tại Điều 52 Luật Giao thông đường bộ, gầm cầu nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Việc chiếm dụng khai thác gầm cầu gây ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông.
Ngoài ra, việc gầm cầu bị chiếm dụng sẽ cản trở phương tiện cứu hộ, cứu nạn, phương tiện chữa cháy khi xảy ra sự cố, hỏa hoạn dưới gầm cầu, và cản trở việc thực hiện bảo trì công trình cầu, gây áp lực cho giao thông trên tuyến đường, đặc biệt là giờ cao điểm.
Về những tồn tại vừa nêu, Trung tâm Quản lý giao thông đường bộ TP.HCM thừa nhận có thực trạng người dân lấn chiếm gầm cầu để buôn bán, phóng uế… gây mất vệ sinh trầm trọng. Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản phối hợp với các địa phương để xử lý tình trạng này.
Để trả lại nguyên vẹn chức năng của các cây cầu, không để diễn ra tình cảnh trên, thiết nghĩ các ngành chức năng có liên quan của TP cần có biện pháp tăng cường kiểm tra, xử phạt thật nghiêm, trả lại bộ mặt mỹ quan đô thị cũng như đảm bảo an ninh trật tự ở khu dân cư.