Theo thói quen từ xa xưa của người Việt quan niệm ngâm rượu động vật, bộ phận cơ thể động vật hoặc các sản phẩm được chế biến từ động vật; nhất là động vật hoang dã giúp bồi bổ sức khỏe, cải thiện khả năng sinh lý của con người (?!). Thời gian gần đây, thói quen xấu này còn được một số người phô trương, ngâm rượu từ động vật quý hiếm để bầy biện trong nhà nhằm thể hiện "đẳng cấp" của gia chủ...
Tuy nhiên, mới đây Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao đã có Nghị quyết hướng dẫn thi hành 2 điều luật trong Bộ luật Hình sự (BLHS), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-12-2018; theo đó, mức phạt tù có thể lên đến 15 năm.
Bà Kha Thị Hoa, trú tại xã Lang Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An sử dụng trang Facebook cá nhân rao bán động vật và thịt động vật hoang dã như lợn, chồn, sơn dương, tắc kè. Bà Hoa còn đưa cả số điện thoại cá nhân của mình lên Facebook để người mua tiện liên lạc.
Chiều 15-11-2018, bà Hoa bị bắt quả tang khi đang vận chuyển 1 con gà rừng, 2 cầy vòi hương có trọng lượng 4,3kg và 1,9kg thịt lợn rừng tới xã Chi Khê để giao cho khách hàng. Hành vi của bà Kha Thị Hoa đã bị cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xử phạt hành chính 6 triệu đồng.
Ngày 5-11-2018 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234 và 244 BLHS; nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1-12-2018.
Trước đó, với quan điểm xử lý nghiêm khắc các hành vi liên quan đến động vật hoang dã, BLHS 2015 (sửa đổi 2017) qui định mức xử phạt lên đến 15 năm tù; phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng đối với cá nhân và 15 tỷ đồng đối với tập thể; đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.
Như vậy, đối với hành vi của bà Hoa nêu trên, nếu trong trường hợp bà này còn tái phạm, thì tùy mức độ vi phạm, cơ quan chức năng có thể áp dụng khoản c Điều 234, hoặc khoản đ Điều 244 BLHS để xử lý.
Hiện nay, với nguy cơ tiệt chủng của nhiều loại động vật hoang dã, Việt Nam đã tham gia vào các công ước quốc tế bảo vệ động vật. Tuy nhiên, với lợi nhuận được đánh giá ngang bằng với buôn lậu vũ khí, buôn bán ma túy và buôn bán người, vấn nạn buôn bán động vật hoang dã đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Theo cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của Trung tâm giáo dục thiên nhiên, giai đoạn 2014 - 2016, có khoảng 17,9% trên tổng số 156 vụ vi phạm về động vật hoang dã mà Trung tâm này cập nhật được kết quả xử lý có áp dụng mức phạt tù giam với các đối tượng phạm tội. Các vụ việc còn lại chỉ bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc cho hưởng án treo.
Như vậy, mức hình phạt chưa tương xứng, chưa đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa. Việc xây dựng BLHS 2015 (sửa đổi 2017) theo hướng tăng nặng các tội liên quan đến động vật hoang dã, xếp ngang mức độ nguy hiểm của tội này với tội phạm ma túy như hiện nay, nếu được thực thi tốt sẽ có tác dụng giáo dục và phòng ngừa cao.
Trên thực tế, có khá nhiều người xem nhẹ mức độ hành vi mà mình đang gây ra. Họ cho rằng, bản thân họ không phải là người săn bắt, giết hại, nuôi nhốt động vật hoang dã, chỉ sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã thì "vô can".
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP nêu trên, thì nếu tàng trữ, sử dụng đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan... là những bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật hoang dã hoặc các sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm như phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng... cũng được coi là vi phạm pháp luật. Theo đó, có khá nhiều người đang tàng trữ, sử dụng cao nấu từ xương động vật hoang dã; túi xách, ví, dây lưng làm từ động vật hoang dã cũng là hành vi vi phạm.
Chúng tôi được biết, có nhiều người truyền tai nhau các bài thuốc ngâm từ động vật, khi uống đã bị ngộ độc phải đi bệnh viện cấp cứu. Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy từ bỏ thói quen ngâm rượu bằng động vật hoang dã quý hiếm hoặc sử dụng bất cứ các sản phẩm nào có nguồn gốc từ động vật hoang dã để bài trí trong gia đình hoặc làm trang sức cho bản thân mình.