Nestlé Việt Nam tiên phong vì tương lai tái sinh

Song Hằng| 04/08/2022 17:25

(TN&MT) - Chỉ tính riêng mô hình kinh tế tuần hoàn “từ hạt cà phê đến viên gạch không nung” đã giúp Nestlé Việt Nam giảm 13 nghìn tấn phát thải carbon mỗi năm.

Hành trình mới cho tương lai tái sinh

Nhận thức tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, từ năm 2020, chiến lược phát triển bền vững của Nestlé được xác định không chỉ dừng lại ở mục tiêu và hành động bền vững mà phải hướng tới cách tiếp cận toàn diện tập trung vào các mục tiêu nhằm “tái tạo” và “tái sinh” cho hệ sinh thái tự nhiên (Regeneration). Theo đó, các cam kết về phát triển bền vững cho các mục tiêu giúp cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn; giúp phát triển các cộng đồng thịnh vượng và vững mạnh; quản lý tài nguyên cho các thế hệ mai sau, sẽ được gắn kết chặt chẽ để cùng hướng tới mục tiêu bảo tồn tài nguyên cho thế hệ tương lai. Tại Việt Nam, Nestlé đi tiên phong xây dựng nông nghiệp tái sinh thông qua dự án Nescafé Plan.

92-1-.jpg

Đem lại thu nhập cho người dân nhưng canh tác cà phê theo tập quán cũ cũng là nguyên nhân cho nhiều hệ lụy về môi trường sống. Đó là sự tiêu tốn nước ngầm để tưới cho cây, sự xói mòn, bạc màu của đất, hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phát sinh ra môi trường. Cũng bởi chính những hiện tượng này, năng suất cây cà phê thường bị giảm dần theo thời gian, đe dọa tới sinh kế và sức khỏe của bà con.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của trước đây. Hiện nay, thông qua dự án Nescafé Plan, nhiều nông hộ tại Tây Nguyên đã biết cách xen canh cây cà phê, biết cách sử dụng chế phẩm sinh học làm từ chính phụ phẩm cà phê để chăm sóc cây, biết cách cân đối lượng nước tưới tiêu thích hợp.

Trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022, ông Khuất Quang Hưng - Giám đốc đối ngoại Nestlé Việt Nam, cho biết, Nescafé Plan đã giúp tái canh 53 nghìn héc ta cây cà phê già cỗi, tương ứng với 53 triệu cây non được Nestlé tài trợ. Việc xen canh cây cà phê, tưới tiêu và bón phân hợp lý giúp vườn cà phê nâng cao năng suất, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Chất lượng hạt cà phê cũng từ đó được nâng cao, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra 25 thị trường lớn trên thế giới, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu…

Hạt cà phê chất lượng cao từ quá trình canh tác bền vững tiếp tục được Nestlé chế biến theo quy trình tuần hoàn tại nhà máy ở Đồng Nai, với tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD. Đây cũng là nhà máy thứ 2 của Nestlé trên thế giới sở hữu công nghệ sản xuất cà phê tách cafein.

Tại nhà máy, những phụ phẩm của cà phê được tận dụng triệt để. Cụ thể, bã cà phê được nén làm viên đốt sinh khối; cát thải dùng làm gạch không nung; bùn thải cà phê được chế biến thành phân vi sinh; nước thải được lọc và tái sử dụng cho lò hơi…

Theo ông Hưng, quy trình kinh tế tuần hoàn cho hạt cà phê của Nestlé giúp công ty cắt giảm 13 nghìn tấn khí thải carbon mỗi năm, đồng thời tiết kiệm 40% nước và 30% năng lượng dùng cho sản xuất. Tính riêng việc sử dụng nhiên liệu sinh khối, công ty tiết kiệm được khoảng 40 - 50 tỷ đồng mỗi năm chi phí năng lượng.

Quan trọng hơn cả là hầu như 100% phụ phẩm cà phê đều được sử dụng để tạo ra giá trị, tránh xả ra môi trường. Tỷ lệ tái sử dụng nước thải cũng được đến 65%, chủ yếu thất thoát do bay hơi. “Đây là những bước đi đầu tiên hướng tới cam kết phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050 của tập đoàn”, ông Khuất Quang Hưng cho biết.

Hợp tác để thành công

Nói về mô hình kinh tế tuần hoàn đối với cà phê của Nestlé, theo ông Hưng, đây là điển hình về sự kết nối, hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và cả người dân.

92-2-.jpg

Hoạt động trồng rừng “Gieo mầm xanh - ươm sự sống” của các Đại sứ Môi trường Nestlé Việt Nam nhân ngày Môi trường thế giới 2022.

Theo đó, trong khâu chế biến cà phê, Nestlé Việt Nam có chuyên môn cao về chế biến thực phẩm và đồ uống, do đó tập trung vào việc làm thế nào sản xuất ra những sản phẩm cà phê chế biến sâu như cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê đóng lon chất lượng tuyệt hảo nhất. Những khâu còn lại trong mô hình tuần hoàn như làm gạch không nung, chế biến chế phẩm sinh học… đều được thực hiện bởi những đối tác là doanh nghiệp có kinh nghiệm và năng lực.

Trong khâu canh tác cà phê bền vững, để có sự chung tay từ phía người nông dân, Nestlé Việt Nam phải tìm kiếm cách tiếp cận sao cho dễ hiểu, dễ áp dụng, đặc biệt khi người nông dân canh tác cà phê thường có độ tuổi trung bình khá cao. Những việc tưởng chừng phức tạp như đo độ ẩm của đất, đo lượng nước mưa để căn chỉnh nước tưới, Nestlé hướng dẫn bà con làm theo cách đơn giản nhất, chỉ với những chai nhựa, vỏ lon sữa đã qua sử dụng. Nestlé Việt Nam còn hỗ trợ cung cấp ứng dụng số hóa để giúp người nông dân có thể theo dõi và quản lý toàn bộ các chỉ số về năng suất và môi trường trong quá trình canh tác một cách hiệu quả nhất.

Thực tế, không chỉ với hạt cà phê, Nestlé còn liên kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho bao bì, đồng thời là thành viên sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).

Với cam kết 100% bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng vào năm 2025, Nestlé Việt Nam tiên phong triển khai một số giải pháp như sử dụng ống hút giấy thay cho ống hút nhựa; loại bỏ màng co nắp chai; thiết kế để nắp chai vẫn dính vào chai sau khi mở…Nestlé Việt Nam là công ty đầu tiên ở Việt Nam chuyển đổi sử dụng 100% ống hút giấy cho các sản phẩm uống liền. Với sự chuyển đổi này, chỉ tính riêng sản phẩm sữa Milo uống liền mỗi năm cắt giảm được 700 tấn rác thải nhựa ra môi trường.

Bên cạnh đó, để giúp người tiêu dùng tiếp cận với mô hình kinh tế tuần hoàn, Nestlé Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục hướng đến thay đổi nhận thức người tiêu dùng, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên là những chủ nhân tương lai của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nestlé Việt Nam tiên phong vì tương lai tái sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO