Doanh nghiệp - doanh nhân

Nên xem xét ưu đãi thuế hoặc giảm lãi suất cho doanh nghiệp xanh

Như Hoa thực hiện 25/06/2024 - 12:41

Liên quan đến các chính sách, qui định và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xanh, Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Erick Contreras - Đồng Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng Xanh EuroCham, Tổng Giám đốc BASF Việt Nam.

erick.jpg
Ông Erick Contreras - Đồng Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng Xanh EuroCham, Tổng Giám đốc BASF Việt Nam

Theo ông, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần có những hành động cụ thể nào để thúc đẩy doanh nghiệp Xanh phát triển và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?

Chúng tôi hoan nghênh cam kết của Chính phủ Việt Nam với Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Chiến lược Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030. Chúng tôi mong rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục gỡ bỏ rào cản đồng thời làm rõ các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư và triển khai dự án năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn. Ví dụ như điện mặt trời áp mái, trang trại gió, quản lý chất thải và cơ sở tái chế nguyên vật liệu, v.v.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục ưu tiên và đẩy mạnh đầu tư vào các hạ tầng công cộng trọng điểm, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng xanh và đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Các hạng mục ưu tiên đầu tư bao gồm: điện lưới và các kết nối hỗ trợ, cơ sở tái chế và xử lý chất thải, mạng lưới giao thông công cộng sử dụng xe điện và xe buýt điện và các hạng mục khác.

Cũng đặc biệt quan trọng, Chính phủ nên cân nhắc việc ưu đãi thuế hoặc giảm lãi suất cho vay đối với các dự án tăng trưởng xanh đang góp phần vào mục tiêu Net Zero của Việt Nam.

Cuối cùng, Chính phủ cũng nên chú trọng nâng cao nhận thức và phát triển năng lực liên quan chủ đề bền vững và ESG đối với cộng đồng tại Việt Nam và có thể tận dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc Eurocham và các hiệp hội doanh nghiệp khác.

Ông có thể cập nhật một số quy định về môi trường và carbon của châu Âu cũng như những thách thức mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt khi xuất khẩu sang châu Âu?

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển đổi từ tháng 10 năm ngoái. Cơ chế này ảnh hưởng đáng kể đến một số ngành công nghiệp then chốt của Việt Nam như thép và nhôm khi xuất khẩu sang EU. Bắt đầu từ năm 2026, các doanh nghiệp trong nhóm ngành này sẽ cần phải mua giấy chứng nhận CBAM. Ngoài ra, phạm vi áp dụng của CBAM cũng sẽ liên quan tới các ngành nghề khác, vô hình trung sẽ tạo ra các rào cản thương mai. Điều cuối cùng, thị trường carbon trong nước dự kiến triển khai trong năm 2028. Vì thế, các công ty xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi xác định số lượng giấy chứng nhận CBAM cần thiết để tuân theo quy định.

Đối với Quy định Ngăn chặn phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR), ngành nông nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng như cà phê, cao su, các sản phẩm làm từ gỗ sang EU cần phải thể hiện xuất xứ, nguồn gốc, trách nhiệm giải trình và có tính bền vững. Mặc dù EUDR có thể đặt ra một vài thách thức lúc đầu cho ngành nông nghiệp nhưng quy định này có thể đem lại lợi ích lâu dài về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, minh bạch chuỗi cung ứng và phát triển bền vững cho người nông dân.

Thỏa thuận Xanh châu Âu sẽ có nhiều quy định mới ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán, Lãnh sự quán các nước EU, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham), đặc biệt là Tiểu ban Tăng trưởng Xanh của EuroCham, chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp tuân thủ các quy định này trong thời gian tới.

Ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình chuyển đổi và phát triển xanh hiện nay?

Theo tôi, các công ty Việt Nam cần tổng hợp, báo cáo và theo dõi lượng phát thải carbon hoặc khí nhà kính cũng như lượng chất thải và tổng tác động môi trường của hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Nguồn dữ liệu trên cần được kiểm tra và đánh giá bởi các tổ chức uy tín như các công ty kiểm toán/tư vấn. Đây sẽ là bước khởi đầu và tạo nguồn cơ sở dữ liệu.

Ngoài ra, các công ty Việt Nam cần xây dựng lộ trình phát triển bền vững rõ ràng và mang tính thực tiễn để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Lộ trình này bao gồm nguồn lực về vốn, nhân lực, công nghệ, v.v và có thể được theo dõi và báo cáo lên các cơ quan nhà nước.

Không những thế, các công ty Việt Nam nên áp dụng bài học kinh nghiệm có được và trao đổi thực tiễn với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp và thương mại. Cụ thể là những tổ chức có kinh nghiệm trong lộ trình phát triển bền vững từ nhiều năm trước. Bằng cách này, các công ty Việt Nam có thể tránh được những rủi ro thường gặp và giảm khó khăn.

Với tư cách là Đồng Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng Xanh của EuroCham, ông có thể cho biết Tiểu ban có những hoạt động hiệu quả nào để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Xanh và bền vững tại Việt Nam?

Tiểu ban Tăng trưởng Xanh của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (GGSC) thành lập vào tháng 5 năm 2014. Mục tiêu hoạt động của chúng tôi là hợp tác cùng các bên liên quan để đưa mô hình doanh nghiệp Xanh trở thành xu hướng chủ đạo, đồng thời xóa bỏ rào cản và tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này hoạt động sôi nổi tại Việt Nam.

Để đạt mục tiêu trên, GGSC hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu cũng như các bên liên quan khác. Chúng tôi tích cực biên soạn và trình lên Chính phủ một số kiến nghị nhằm sửa đổi và làm rõ các quy định trong Nghị định thư về Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát năng lượng tái tạo, Nghị định 06 về phát thải nhà kính. Qua đó, chúng tôi muốn góp phần cải thiện và bảo đảm tính minh bạch của các quy định trên.

Trong những năm qua, Tiểu ban Tăng trưởng Xanh nỗ lực tăng cường đối thoại, chia sẻ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn giữa Việt Nam và Châu Âu nhằm gia tăng hiểu biết cũng như thúc đẩy phát triển bền vững. Thông qua các sự kiện như chuỗi hội thảo Green Morning, Green Drinks và các hội thảo trực tiếp hoặc trực tuyến do GGSC đồng tổ chức, chúng tôi tập trung vào chủ đề liên quan Phát triển Bền vững và ESG (môi trường, xã hội và quản trị) tại Việt Nam.

GGSC cũng là tiểu ban tiên phong của Eurocham trong công tác tổ chức Diễn đàn Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) vào tháng 10 sắp tới. Nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau sẽ tham gia sự kiện và thảo luận về các chủ đề nóng như năng lượng tái tạo, tài chính xanh, giảm phát thải carbon, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp bền vững, du lịch sinh thái v.v. GEFE là nơi để cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam tăng cường hợp tác, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và chuyển giao công nghệ.

Không những vậy, GGSC còn tích cực cập nhật tin tức mới nhất, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và những trường hợp điển hình về phát triển bền vững thông qua các kênh truyền thông đa dạng như mạng xã hội (Linkedin, Facebook) và trang web Eurocham giúp ích cho các thành viên cũng như toàn thể cộng đồng Việt Nam.

Đặc biệt, chúng tôi tin rằng để thu hút sự quan tâm, nâng cao hiểu biết, tăng cường đối thoại, trao đổi các vấn đề liên quan lĩnh vực phát triển bền vững một cách hiệu quả không thể thiếu sự hỗ trợ và hợp tác từ các cơ quan báo chí truyền thông. Chúng tôi rất vinh dự được có cơ hội chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thông qua Báo Tài nguyên và Môi trường, tiếng nói của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày hôm nay. Xin cảm ơn Quý báo đã tạo cơ hội để chúng tôi tham gia buổi phỏng vấn này.

Xin cảm ơn Ông !

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên xem xét ưu đãi thuế hoặc giảm lãi suất cho doanh nghiệp xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO