Nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái: Lan tỏa mô hình "doanh nghiệp xanh"
Thời gian qua, để góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể, trong đó, nâng cao chất lượng môi trường sống là một trong những nội dung mà Sở đã và đang tích cực triển khai. Để làm được điều đó, Sở TN&MT tỉnh đã thực hiện mô hình “Doanh nghiệp xanh” và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Mô hình “Doanh nghiệp xanh” được hình thành
Với mục tiêu triển khai thực hiện hiệu quả công tác đạo quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, Sở TN&MT đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp cần triển khai thực hiện nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân Yên Bái về môi trường sống.
Cụ thể, trong năm 2023, 2024, Sở TN&MT đã triển khai xây dựng mô hình “Doanh nghiệp xanh” trên địa bàn toàn tỉnh. Sau 2 năm triển khai, một số đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia và đạt được kết quả tích cực.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, mô hình “Doanh nghiệp xanh” là một trong những hoạt động cụ thể nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân Yên Bái. Theo đó, các tiêu chí để đánh giá mô hình này bao gồm: Hồ sơ pháp lý về môi trường; Có công trình, biện pháp xử lý chất thải phù hợp với tính chất của cơ sở và đảm bảo hiệu quả xử lý; Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Không có phản ánh, kiến nghị của người dân về môi trường; tại cơ sở sản xuất có cây xanh đảm bảo mỹ quan…
Năm 2023, Sở TN&MT đã tiến hành đánh giá và công nhận 6 đơn vị hoàn thành xây dựng mô hình này. Đến năm 2024, tiếp tục có 6 đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục để được công nhận. Bên cạnh đó còn nhiều đơn vị cũng triển khai phong trào một cách tích cực, hướng đến xây dựng các tiêu chí một cách bền vững.
Ông Đinh Văn Tài - Giám đốc sản xuất Nhà máy nghiền bột đá (Công ty liên doanh CanXi Cacbonnat YBB) cho biết: Thời gian qua, Công ty luôn chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Sau khi Sở TN&MT tỉnh Yên Bái có văn bản hướng dẫn xây dựng mô hình “Doanh nghiệp xanh”, đơn vị đã đăng ký và triển khai thực hiện. Đặc biệt, sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, Công ty đã thay đổi và cập nhật để hoạt động đảm bảo đúng quy định.
Để đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường, đơn vị liên tục cải tiến để xử lý ngày càng tốt hơn các vấn đề phát sinh như bụi, tiếng ồn... Với nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong bộ tiêu chí xây dựng mô hình “Doanh nghiệp xanh”, Công ty đã phát động trong toàn đơn vị, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, kiến trúc nhà xưởng nhằm sử dụng tối đa hiệu quả hệ thống chiếu sáng, thông gió, làm mát tự nhiên. Đồng thời, loại bỏ dần phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng. Trong khuôn viên cơ sở sản xuất đều có hệ thống cây xanh: Cây bóng mát, cây ăn quả, thảm cỏ, bồn hoa và cây cảnh đảm bảo mỹ quan.
Giám đốc sản xuất Nhà máy nghiền bột đá cho biết thêm, hằng năm, Công ty tổ chức chương trình “Ngày kết nối”. Trong “Ngày kết nối”, tất cả các thành viên của Công ty sẽ được tham gia trải nghiệm các hoạt động. Trong đó sẽ có nhiều hoạt động lồng ghép nhằm tuyên truyền đến cán bộ, người lao động về bảo vệ môi trường như: Phân loại rác thải tại nguồn, sử dụng tiết kiệm năng lượng… từ đó góp phần cùng đơn vị duy trì và nâng cao các tiêu chí xây dựng mô hình “Doanh nghiệp xanh”.
Mang lại hiệu quả tích cực
Việc phát triển mô hình “Doanh nghiệp xanh” tại Yên Bái không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội. Đặc biệt, mô hình này đã góp phần tạo môi trường làm việc ổn định, bền vững, giúp người lao động thêm gắn bó với công việc.
Ông Hà Văn Thuận - Thủ kho nguyên liệu và thành phẩm thuộc Nhà máy nghiền bột đá (Công ty liên doanh CanXi Cacbonnat YBB) chia sẻ: “Tôi làm việc tại Nhà máy đến nay là năm thứ 25. Trong thời gian làm việc, tôi rất yên tâm bởi môi trường làm việc luôn được lãnh đạo nhà máy quan tâm, đảm bảo an toàn cho người lao động. Đây là nhà máy nghiền bột đá, tuy nhiên, công nghệ máy móc cùng hệ thống xử lý bụi đảm bảo nên việc phát sinh bụi ra môi trường được hạn chế. Đối với công nhân khi làm việc trong nhà máy sẽ được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Cùng với đó, hằng năm, Công ty cho anh em đi khám sức khỏe định kỳ một lần/năm. Với công việc hằng ngày tại kho và mức lương nhận được hàng tháng từ 10 - 12 triệu đồng, bản thân tôi cảm thấy phấn khởi, yên tâm làm việc”.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Ông Hà Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho biết: Đối với những đơn vị, doanh nghiệp đã đạt mô hình “Doanh nghiệp xanh”, để duy trì và nâng cao các tiêu chí này, cần tiếp tục tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm quy trình vận hành máy móc thiết bị của cơ sở trong quá trình hoạt động, đảm bảo an toàn lao động, phòng ngừa sự cố xảy ra, thực hiện đúng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo hồ sơ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thay thế hoặc cải tiến công nghệ cũ, lạc hậu để tăng hiệu suất sản xuất, hiệu suất lao động, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu các tác động tới môi trường. Tích cực tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, với hiệu quả tích cực từ mô hình mang lại, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu đôn đốc hướng dẫn nhân rộng mô hình “Doanh nghiệp xanh” trong các năm tiếp theo. Cùng với đó là coi trọng việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường; Quản lý chặt chẽ tài nguyên hướng tới mục đích sử dụng hợp lý, tiết kiệm; Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên bảo vệ môi trường... nhằm góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân.
Có thể thấy, việc triển khai mô hình “Doanh nghiệp xanh” tại Yên Bái đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp cải thiện đáng kể môi trường sống và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Khi triển khai mô hình này, các đơn vị, doanh nghiệp tập trung giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng năng lượng tái tạo và tối ưu hóa quy trình sản xuất để thân thiện hơn với môi trường. Nhờ đó, chất lượng không khí và môi trường được cải thiện, tạo không gian sống trong lành, nâng cao sự hài lòng và hạnh phúc cho người dân. Đồng thời, mô hình này còn tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.
Tuy nhiên, với số lượng đơn vị đăng ký tham gia mô hình còn thấp, tỷ lệ các đơn vị hoàn thành các tiêu chí để công nhận chưa cao, thời gian tới, rất cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị để mô hình thực sự tạo được sức lan tỏa trong toàn tỉnh, từ đó góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân và hướng tới xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh bền vững theo hướng xanh - hài hòa - bản sắc và hạnh phúc.