Nâng cao năng lực truyền thông về kinh doanh có trách nhiệm
(TN&MT) - Ngày 13/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Hội nghị nhằm cung cấp các thông tin, kiến thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Đây là nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cũng đang triển khai và áp dụng với các doanh nghiệp trong thời gian qua.
Ngày 14/7/2023 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật, từ đó thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027.
Chương trình này đặt ra mục tiêu chiến lược là hoàn thiện chính sách và pháp luật để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm trong giai đoạn 2023 – 2027. Cụ thể, chương trình tập trung vào việc nâng cao nhận thức và năng lực thực thi pháp luật, đồng thời rà soát, cập nhật chính sách nhằm đảm bảo các hoạt động kinh doanh không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường và xã hội.
Để triển khai các nhiệm vụ trong chương trình, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan tổ chức hội nghị này, hướng đến trang bị cho phóng viên và biên tập viên các kỹ năng cần thiết để truyền tải thông tin chính xác, khách quan và đầy đủ về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Tại hội nghị, TS Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), đã phân tích 5 mục tiêu chính của Chương trình hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Theo đó, chương trình đặt ra mục tiêu ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm, đồng thời, đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và khuyến khích họ thực hiện các tiêu chuẩn vượt mức quy định tối thiểu. Cuối cùng, việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện chế tài xử lý vi phạm cũng được nhấn mạnh.
Theo TS Lưu Hương Ly, thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam đang gặp một số thách thức, bao gồm nhận thức còn hạn chế và chi phí phát sinh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, kinh doanh có trách nhiệm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Khung pháp lý hiện tại cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhưng cần được rà soát và hoàn thiện để phù hợp với bối cảnh mới. Việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật cũng là một yếu tố quan trọng.
Chương trình hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm giai đoạn 2023-2027 sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, bảo vệ môi trường, quan hệ lao động, bảo đảm quyền dân sự của nhóm yếu thế và bảo vệ quyền người tiêu dùng.
Không chỉ tập trung vào lý thuyết, hội nghị còn là dịp để các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. TS Nguyễn Quang Hòa từ Học viện Báo chí & Tuyên truyền đã có bài tham luận hữu ích về kỹ năng viết bài thúc đẩy doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Kinh nghiệm này sẽ góp phần nâng cao chất lượng thông tin đến công chúng, từ đó lan tỏa nhận thức về kinh doanh có trách nhiệm trong cộng đồng.