(TN&MT) - Ngày 20/4, Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Vùng và Đô Thị (CRUS) tổ chức Toạ đàm “Năng lượng thông minh: Hướng đi nào cho TP. HCM?” Tọa đàm nằm trong khuôn khổ chiến lược dài hạn của CHANGE hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại TP. HCM và các đô thị lớn của Việt Nam.
Tọa đàm có sự tham gia của 6 vị diễn giả: GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Giám đốc Công ty tư vấn Công trình xanh GreenViet, Bà Nguyễn Thùy Ngân - Giám đốc thương hiệu Solar BK, Ông Phạm Trần Hải - đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Tp. HCM, Ông Nguyễn Phương Duy - đại diện Sở Công Thương TP. HCM và bà Hoàng Thị Minh Hồng - Giám đốc CHANGE.
Sự kiện có sự hiện diện của hơn 100 vị khách mời đến từ các cơ quan ban ngành của TP. HCM như UBND thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Sở Công thương, Sở Tài nguyên Môi trường, Viện Quy hoạch, và một số cơ quan chính phủ khác, cùng đông đảo đại diện một số lãnh sự quán, các cơ quan truyền thông, các tổ chức đối tác, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cùng các chuyên gia nghiên cứu về năng lượng và quy hoạch và các nhà hoạt động môi trường.
Mục đích của buổi tọa đàm là mang đến các tham luận phân tích về các mô hình xây dựng thành phố thông minh phù hợp nhất với tình hình phát triển của TP. HCM, từ khía cạnh phát triển năng lượng. Bên cạnh đó, tọa đàm cũng mong muốn mở ra cuộc thảo luận giữa các chuyên gia về năng lượng, doanh nghiệp và người dân thành phố trong việc xây dựng một cộng đồng sử dụng năng lượng hiệu quả, góp phần vào chiến lược phát triển thành phố thông minh.
Năm 2018, TP.HCM triển khai các hạng mục quan trọng trong Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành Thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Đây là một đề án được triển khai trong xu hướng phát triển đô thị thông minh đang tăng tốc rất nhanh bởi những tác động từ sự bùng nổ mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới.
Sử dụng năng lượng thông minh (Smart Energy) cũng là một trong các trụ cột hướng tới đô thị thông minh, bao gồm các yếu tố: sử dụng năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả… Hơn thế nữa, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng đối với một thành phố có địa hình thấp như TP. HCM, thì định hướng phát triển thành phố thông minh cần phải bao gồm khả năng giải quyết các thách thức về môi trường, trong đó giải pháp công nghệ về năng lượng sạch đóng vai trò quan trọng.
"Theo quan điểm của chúng tôi, để đạt được các mục tiêu trong sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo, vấn đề này cần được lồng ghép một cách phù hợp vào các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch khác nhau của Thành phố Hồ Chí Minh để huy động được sự tham gia đóng góp của các ngành - lĩnh vực, các thành phần xã hội", ông Phạm Trần Hải, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM phát biểu.
TP. HCM cùng khu vực đồng bằng Sông Cửu Long là vùng có tiềm năng lớn nhất cả nước cho các dự án về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và sinh khối với số giờ nắng cao, mùa nắng kéo dài, và nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào như rơm rạ, cám, trấu, bã mía, phân gia súc… Quy hoạch điện 7 điều chỉnh do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 3/2016 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam, với tỷ trọng 10% trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Minh Hồng - Giám đốc CHANGE, “Năm 2016 tại COP22, Việt Nam cùng 47 quốc gia khác của Diễn đàn các Quốc gia dễ bị tổn thương bởi BĐKH đã ký vào cam kết hướng tới mục tiêu 100% năng lượng tái tạo tới năm 2050. Tôi rất mong Chính phủ xem xét tăng thêm tỷ trọng năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh để Việt Nam có thể đạt được cam kết này. Và tôi kỳ vọng TP. HCM, với các lợi thế về địa lý, khí hậu, cùng với các tiềm năng về kinh tế, công nghệ, con người, cũng như tư duy mở của cả chính quyền và người dân, sẽ đi tiên phong trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo của đất nước. Tôi rất hy vọng một ngày nào đó, UBND TP.HCM sẽ lắp các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của Uỷ ban”.
Tại buổi toạ đàm, CHANGE chia sẻ kế hoạch và đề xuất các đại biểu tham dự thảo luận và đóng góp ý kiến cho dự án sắp tới của trung tâm “Put Solar On It” (tạm dịch Nóc nhà Mặt Trời), với mục tiêu khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp pin năng lượng mặt trời trên nóc nhà. Dự án sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề với các chuyên gia, các hoạt động dành cho cộng đồng tại các khu đô thị trong địa bàn TP. HCM, vận động các công ty năng lượng tái tạo cũng như các ngân hàng hỗ trợ về giá đầu tư và các gói vay ưu đãi, cũng như vận động EVN và các cơ quan ban ngành hỗ trợ về chính sách cho các gia đình lắp đặt điện mặt trời nối lưới v.v.
Cùng chia sẻ về các hoạt động đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy NLTT tại TP.HCM, bà Nguyễn Thùy Ngân, giám đốc thương hiệu của SolarBK chia sẻ: “Một trong những yếu tố then chốt để TPHCM phát triển năng lượng thông minh, chính là nguồn lực con người. Là doanh nghiệp nghiên cứu & hoạt động trong lĩnh này hơn 10 năm, bên cạnh phát triển kinh doanh trong nước & quốc tế, SolarBK nhận thấy cần chia sẻ sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình đến với cộng đồng. Để hiện thực lý tưởng đó, trong năm 2017, chúng tôi rất tự hào khi đưa vào vận hành Không gian trải nghiệm năng lượng sạch, vận hành 100% từ năng lượng mặt trời. Đây cũng là mô hình đầu tiên của Việt Nam được xây dựng tại trường ĐH Bách Khoa Tp.HCM, giúp các trẻ yêu thích năng lượng sạch có thể đến nghiên cứu & học tập”.
Được biết, trong thời gian tới, CHANGE sẽ tiếp tục thực hiện hàng loạt các hoạt động truyền thông sáng tạo nhằm đẩy mạnh phong trào sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất phim tài liệu và ấn phẩm truyền thông, tổ chức tập huấn cho nhà báo, và các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho giới trẻ và các nhóm cộng đồng trẻ tại các địa phương.