Nâng cao năng lực dự báo, lực lượng tại chỗ để chủ động phòng ngừa thiên tai

Tuyết Chinh| 13/07/2020 12:01

(TN&MT) - Sáng 13/7, tại TP Lào Cai, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020.

Hội nghị với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo TW về PCTT. Đồng chủ trì Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh -Trưởng BCH PCTT&TKCN tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong.

Tiếp tục xuất hiện thời tiết cực đoan

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phóng chống thiên tai cho biết, những tháng đầu năm 2020, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn (nhiều hơn tổng số trận của cả năm 2019); trong đó 8 đợt trên diện gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở với khoảng 54.000 nhà sập, hư hại, tốc mái, 2 trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất, trong đó trận động đất ngày 16/6/2020 tại Mường Tè, tỉnh Lai Châu có độ lớn 4,9; rủi ro thiên tai cấp độ 4. Tính đến ngày 30/6/2020, thiệt hại ước tính khoảng 610 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu khai mạc Hội nghị

Diễn biến thiên tai trên thế giới và trong khu vực cũng đang hết sức phức tạp. Đặc biệt là khu vực phía Nam Trung Quốc đã xảy ra mưa lớn kéo dài từ đầu tháng 6 đến nay, gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, làm 130 người chết và mất tích, đe dọa an toàn của đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử - đây là đập thủy điện lớn nhất thế giới, nếu bị sự cố sẽ gây thảm họa đối với khu vực hạ du.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, ngày 15/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đến cấp huyện để tổng kết công tác PCTT năm 2019 và đề ra giải pháp cho thời gian tới với những chỉ đạo hết sức cụ thể. Trước đó, ngày 24/3/2020, Ban bí thư đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW quán triệt đến các cấp ủy đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng, chống thiên tai.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia về tình hình thời tiết, thiên tai trong khu vực những tháng cuối năm 2020, mưa, lũ sẽ tập trung vào tháng 8 đến giữa tháng 10; lượng mưa tháng 7 ở mức thấp khoảng từ 10-25%, tháng 9 cao hơn từ 15-30% so với trung bình nhiều năm (TBNN); các tháng 8, tháng 10, tháng 11 ở mức tương đương.

Đỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối từ tháng 7-10 phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, các sông suối nhỏ từ BĐ2-BĐ3 cao hơn năm 2019. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc.

Với nhiều đặc điểm tương đồng với khu vực phía Nam Trung quốc, nhất là trong điều kiện vừa trải qua thời kỳ nắng hạn kéo dài, nguy cơ về xuất hiện mưa, lũ lớn tại khu vực miền núi phía Bắc tương tự như đang xảy ra tại Trung Quốc là rất lớn và cần được quan tâm đặc biệt.

Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo khu vực miền núi phía Bắc có thể còn tiếp tục xuất hiện các hình thái thời tiết nguy hiểm đã xảy ra gây thiệt hại lớn từ đầu năm 2020 như dông lốc, sét, mưa đá khi có biến động về thời tiết.

Chủ động ứng phó với kịch bản thiên tai bất lợi nhất

Thời gian qua, với sự nỗ lực tập trung trong chỉ đạo điều hành, tăng cường khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng và triển khai tương đối đồng bộ các giải pháp ở các lĩnh vực, trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp, dân số, các hoạt động kinh tế - xã hội gia tăng nhưng đã dần giảm thiểu thiệt hại.

Mặc dù vậy, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng BCĐ TƯ về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cho rằng, mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc, sét, mưa đá vẫn đang gia tăng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản đặt ra những thách thức cho giai đoạn tới.

Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài báo cáo công tác phòng chống thiên tai

Theo ông Hoài, tại khu vực miền núi phía Bắc, dân số gia tăng, thiếu nơi ở, nơi sản xuất an toàn; tiếp nhận thông tin không được thường xuyên; hiểu biết, kỹ năng PCTT của cộng đồng còn hạn chế. Công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai còn bất cập, nhất là dự báo trong phạm vi hẹp; chưa xây dựng được các công trình cảnh báo sớm, cảnh báo tự động, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, công trình ngăn lũ bùn đá; thông tin mưa, lũ từ thượng nguồn phía Trung Quốc...

Trong khi đó, kinh tế- xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực còn hạn chế, nhiều công trình xuống cấp, thiếu gắn kết với công tác PCTT, chịu tác động rất lớn của mưa lũ, sạt lở, nhất là các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi, các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã, hệ thống lưới điện và thông tin liên lạc.

Công tác quản lý, vận hành hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ còn nhiều bất cập, nguy cơ làm gia tăng rủi ro khi có mưa lũ lớn. Thiếu các thiết bị chuyên dùng để nắm bắt tình hình, tiếp cận nhanh chóng địa điểm xảy ra thiên tai và phát hiện, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người bị ảnh hưởng.

“Còn nhiều tình huống chưa phát hiện kịp thời các khu dân cư, công trình có nguy cơ sạt lở, các ao hồ không an toàn, các khe suối đang tắc nghẽn, tích tụ nước nguy cơ gây lũ ống, lũ quét hoặc ứng phó kịp thời khi chưa có lực lượng chi viện của cấp trên đang phổ biến ở nhiều địa phương”, ông Hoài nói.

Tăng cường năng lực dự báo

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, với diễn biến của thiên tai trong khu vực thời gian qua, cùng với dự báo cho mùa thiên tai trọng điểm từ nay đến cuối năm, các địa phương cần chủ động ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra. Trong đó tập trung đảm bảo an toàn trước nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo; vận hành an toàn hồ chứa, đặc biệt là các hồ xung yếu.

Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn khu dân cư ven sông, suối; thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn; khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất; các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản trong mùa mưa lũ.

Toàn cảnh hội nghị

Kiên quyết xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tránh để xảy ra sạt lở, sập hầm cũng như việc người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ dẫn đến các sự cố đáng tiếc như đã xảy ra trong một số năm vừa qua.

Phê duyệt kịch bản, sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị; đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, nhất là lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi rộng, gây chia cắt; không để bị động bất ngờ, ngay cả khi xảy ra tình huống mưa lũ đặc biệt lớn như hiện nay tại một số các quốc gia trong khu vực.

Chỉ đạo triển khai ngay lực lượng xung kích cấp xã trong việc kiểm tra các công trình công cộng, nơi ở, các ao hồ, đập không an toàn; các khe suối bị tắc nghẽn; có giải pháp sơ tán dân, cắm biển cảnh báo, tuần tra canh gác, tháo dỡ vật cản trên các dòng chảy, tránh tình trạng tích thủy tạo lũ ống, lũ quét; bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động này.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Bài học từ các địa phương cho thấy, chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, tuyên truyền, nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ trong phòng chống, ứng phó thiên tai thì hậu quả do thiên tai gây ra sẽ bớt nặng nề”.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đặc biệt lưu ý về hình thái thiên tai động đất, bởi theo nhận định của Viện Vật lý địa cầu, thời gian tới động đất có thể tiếp tục xảy ra, cường độ lớn nhất tại các tỉnh Đông Bắc có thể đến cấp 7; Tây Bắc cấp 8, thậm chí cấp 9 (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La,….). Đây là tình huống hết sức nguy hiểm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực dự báo, lực lượng tại chỗ để chủ động phòng ngừa thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO