Cụ thể về xây dựng chủ trương chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế biển, Hội nghị Trung ương 8, Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững.
Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Chính phủ đã kịp thời xây dựng Kế hoạch tổng thể về phát triển bền vững kinh tế biển. Tiếp đó các bộ, ngành cũng bắt tay vào việc xây dựng các đề án, dự án, nhiệm vụ để triển khai Chiến lược trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Đối với các địa phương ven biển đã xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế biển cơ bản có tính thống nhất, đồng bộ và nhất quán, phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn; có sự điều tra, nghiên cứu cơ bản, chi tiết.
Bên cạnh đó, hệ thống luật pháp về kinh tế biển ngày càng được kiện toàn, bao phủ được các lĩnh vực kinh tế biển, như: Luật Đa dạng sinh học; Luật Dầu Khí; Luật Biển Việt Nam; Luật Tài nguyên nước; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Tài nguyên Môi trường biển và Hải đảo; Luật Quy hoạch; Luật Thủy sản; Luật Du lịch,… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của biển và phát triển các ngành kinh tế biển, phục vụ cho vấn đề xóa đói, giảm nghèo cho bà con ngư dân ven biển, cũng như góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại Việt Nam việc phát triển kinh tế biển được chia thành 2 bộ phận, đó là: Cơ quan quản lý khai thác tài nguyên biển theo ngành và cơ quan quản lý tổng hợp về khai thác tài nguyên biển. Hai bộ phận này được tổ chức đồng bộ từ trung ương đến các địa phương có biển; trong đó có sự phân công, phân cấp về vai trò trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan, đơn vị.
Cụ thể hơn ở cấp Trung ương, Chính phủ quản lý nhà nước thống nhất trên các vùng biển Việt Nam. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36/NQ-TW, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 203/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Ở cấp địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển đã thành lập các Ban Chỉ đạo biển, đảo cấp tỉnh. Hiện nay, trong 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, có 14 chi cục và 14 phòng quản lý về biển, đảo. Cơ cấu tổ chức về quản lý phát triển kinh tế biển đã từng bước được kiện toàn. Đội ngũ cán bộ, công chức tham gia quản lý phát triển kinh tế biển cơ bản đáp ứng đủ về số lượng, với cơ cấu, chất lượng phù hợp.
Về tổ chức thực hiện quản lý nhà nước phát triển kinh tế biển, Chính phủ và các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chính sách về phát triển kinh tế biển; tập trung nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về phát triển các ngành kinh tế biển có thế mạnh, như: Cảng biển, du lịch, dịch vụ; nuôi trồng, đánh bắt hải sản; khu kinh tế ven biển. Trên cơ sở quy định chung của Nhà nước, các địa phương ven biển đã xây dựng nhiều chính sách thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển kinh tế biển.
Thêm vào đó các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của kinh tế biển, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả tốt nhất. Trong đó, chú trọng kiểm soát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường khi thẩm định dự án đầu tư phát triển kinh tế biển và toàn bộ quá trình hoạt động của dự án; nâng cao chất lượng thẩm định đánh giá tác động môi trường, thực hiện nghiêm việc xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi đi vào vận hành chính thức. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại trong đầu tư, xây dựng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, các dự án trong địa bàn khu kinh tế ven biển.
Mặt khác đối với công tác phát triển nhân lực được Chính phủ đặc biệt coi trọng trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Theo đó, nhân lực kinh tế biển không chỉ là các nhà kinh tế, các nhà khoa học mà còn là những người trực tiếp khai thác, sử dụng, quản lý bền vững kinh tế biển. Trong đó cần kể đến những lao động ở các lĩnh vực như: Thủy sản, dầu khí,...
Cũng vì vậy, tại Việt Nam nhiều năm qua vấn đề đào tạo nghề, đào tạo cho ngư dân, xây dựng cơ chế hướng dẫn ngư dân hoạt động theo mô hình quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng nhằm thúc đẩy hình thức tổ chức khai thác theo tổ, đội sản xuất, hợp tác xã đánh bắt xa bờ... được các địa phương có biển, đảo quan tâm thực hiện.
Đi cùng với đó là mô hình ổn định an sinh xã hội cho ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ bằng cách kết hợp các biện pháp hỗ trợ về y tế, nhà ở, điện nước phương tiện, kỹ thuật đánh bắt xa bờ và các chính sách bảo trợ xã hội cần thiết đối với ngư dân. Đây là những hoạt động thiết thực nhằm tạo thế và lực cho ngư dân có thể an tâm phát triển kinh tế gia đình, bước từng bước vững chắc trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Song song với đó tại các tỉnh, thành phố ven biển đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển như: Chính sách đất đai xây dựng khu công nghiệp, xây dựng hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, đường, trường, trạm,… phục vụ phát triển kinh tế biển. Từ những chính sách đồng bộ, hiệu quả nói trên kinh tế biển dần dần đã có những bước tiến khởi sắc hơn, bền vững hơn.