Triển khai Luật Đất đai 2024

Năm 2025: Sẽ triển khai đồng bộ, toàn diện Luật Đất đai

Trường An 26/12/2024 - 10:46

(TN&MT) - Năm 2025, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, đầy đủ, toàn diện các quy định của Luật Đất đai 2024, đồng thời hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) để kết nối với hệ thống thông tin đất đai, tạo cơ sở, nền tảng để chính thức vận hành CSDL số, kết nối liên thông theo mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW...

Khơi thông các điểm nghẽn, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai

Bộ TN&MT cho biết, về lĩnh vực đất đai, trong năm 2024, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, tham mưu cho Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua: Luật Đất đai 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật; cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng, kể từ ngày 1/8/2024 tại Kỳ họp thứ 7.

Để bảo đảm triển khai thi hành đồng bộ Luật Đất đai 2024, Bộ đã tích cực, khẩn trương chỉ đạo, tổ chức xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn chi tiết có hiệu lực thi hành đồng bộ cùng với các luật. Theo đó, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành đầy đủ 6 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 5 thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

4a.jpg
Bộ TN&MT phổ biến các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024 cho các địa phương trên cả nước vào tháng 9/2024

Đồng thời, Bộ cũng tổ chức nhiều Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Luật Đất đai với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nhiều địa phương trực tuyến đến cấp xã); chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị phổ biến Luật cho gần 400 báo cáo viên các cấp; hỗ trợ 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu điểm mới, nổi bật của Luật.

Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu, xây dựng trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết rất khó và phức tạp về quản lý đất đai tại kỳ họp thứ 8 gồm: Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Đây là các văn bản rất quan trọng để thể chế hóa các quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, vướng mắc đối với các dự án sử dụng đất, khơi thông các điểm nghẽn, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, theo đúng tinh thần chỉ đạo về phòng, chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Cũng trong năm 2024, để phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1216/NQ-UBTVQH15 ngày 9/10/2024 về điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025. Tham mưu trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 cho thấy, quy hoạch sử dụng đất đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất cho phát triển công nghiệp 210,93 nghìn ha, xây dựng kết cấu hạ tầng 1.754,61 nghìn ha, phát triển đô thị 2.953,85 nghìn ha, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu đô thị hóa. Đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc giữ diện tích đất trồng lúa 3.568,48 nghìn ha nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; đã hạn chế được tình trạng suy thoái rừng, khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ 5.229,59 nghìn ha, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng 2.455,54 nghìn ha, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng kinh tế, nâng tỷ lệ che phủ của rừng.

Bộ TN&MT cho rằng, qua 3 năm thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025, được cụ thể hóa bằng các quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, đã phát huy hiệu quả tích cực, là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương và của cả nước.

Ngoài ra, Bộ đã tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng CSDL đất đai, kết nối với CSDL quốc gia về dân cư. Thực hiện vận hành 4 khối dữ liệu đất đai ở Trung ương. Kết nối, liên thông trao đổi thông tin đất đai giữa Cơ quan đăng ký đất đai với Cơ quan thuế tại 48/63 tỉnh, thành phố; bước đầu triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính về đất đai...

Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Về nhiệm vụ năm 2025, Bộ TN&MT cho biết, sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, đầy đủ, toàn diện các quy định của Luật Đất đai 2024. Hoàn thành xây dựng CSDL để kết nối với hệ thống thông tin đất đai, tạo cơ sở, nền tảng để chính thức vận hành CSDL số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông theo mục tiêu đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức thực hiện "Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2026 - 2030 cấp quốc gia". Hoàn thành Chiến lược sử dụng đất cấp quốc gia có tầm nhìn dài hạn đến năm 2045.

Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án theo quy định. Tổ chức triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tham mưu tổ chức triển khai có hiệu quả Kết luận sô 77-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, sẽ thực hiện theo dõi, cập nhật biến động giá đất trên thị trường; từng bước xây dựng CSDL về giá đất tới từng thửa đất gắn với CSDL đất đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2025: Sẽ triển khai đồng bộ, toàn diện Luật Đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO