Sự phẫn nộ của công chúng toàn cầu đã gia tăng do ô nhiễm biển, làm nảy sinh nhu cầu tái chế nhiều hơn và quản lý chất thải tốt hơn.
Theo các tổ chức môi trường, chỉ 9% nhựa được tái chế.
Số liệu của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho thấy Đức, Mỹ và Nhật Bản, mỗi nước đã xuất khẩu hơn 1 tỷ kg chất thải nhựa vào năm ngoái.
“Ước tính có khoảng 100 triệu tấn nhựa trong các vùng biển trên thế giới, với 8 triệu tấn được bổ sung hàng năm”, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết.
Các quan chức đến từ 187 quốc gia tham gia các cuộc đàm phán của UNEP đang xem xét sửa đổi ràng buộc về mặt pháp lý đối với Công ước Basel về chất thải – Công ước điều chỉnh thương mại đối với nhựa bị loại bỏ.
Mỹ đã không phê chuẩn hiệp ước 30 năm này.
“Những sửa đổi ràng buộc về mặt pháp lý tương đối tích cực vì chúng ta thấy phần lớn các quốc gia ủng hộ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với giao dịch chất thải nhựa”, ông David Azoulay thuộc Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế (CIEL) nói với Reuters tại cuộc hội đàm ở Geneva, Thụy Sĩ vào cuối tuần trước.
Sự đồng ý của nhà nhập khẩu
Theo đề xuất của Na Uy, và được hỗ trợ bởi Nhật Bản và một số nước châu Phi, các lô chất thải nhựa hoặc hỗn hợp không nguy hại chưa sẵn sàng để tái chế sẽ được bổ sung vào danh sách các chất cần có sự đồng ý trước của nhà nhập khẩu.
Bất kỳ loại nhựa nào được bổ sung trong danh sách này không thể được giao dịch giữa các bên và các bên không tham gia hiệp ước Basel.
“Điều đó sẽ chỉ cho phép Mỹ xuất khẩu chất thải nhựa đã được phân loại, làm sạch và sẵn sàng tái chế”, ông Azoulay nói.