e-magazinerac(2).jpg

Mô hình thí điểm thu gom rác thải nhựa sinh hoạt trên tàu cá đưa vào bờ tại cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) tuy mới triển khai trong thời gian ngắn nhưng đã có những hiệu quả đáng khích lệ. Bình Định trở thành địa phương đầu tiên ban hành quy trình quản lý rác thải nhựa tàu cá.

1(2).jpg

Từ thực trạng ô nhiễm nhựa đe dọa môi trường biển và những nỗ lực hạn chế rác nhựa biển hiệu quả, trong đó có mô hình mang rác về bờ, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định 89/QĐ-SNN về quy trình kiểm soát, quản lý đối rác thải nhựa tàu cá và trở thành địa phương đi đầu trong công tác quản lý chất thải nhựa từ hoạt động khai thác thủy sản.

anh-2..jpg
Các loại thùng xốp bị hỏng cũng được thu gom triệt để
anh-1(1).jpg
Sau 7 tháng thực hiện mô hình góp phần giảm thiểu hơn 2000 tấn rác thải ra đại dương

Quy định này áp dụng với các tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên tại các cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan… Quy định đặt ra yêu cầu bắt buộc phải thu gom và khai báo về chất thải nhựa sử dụng trong mỗi chuyến biển; các tàu cá có chiều dài từ 12 - 15 mét được khuyến khích áp dụng. Ngoài ra, Quyết định còn nêu rõ trách nhiệm của các Ban Quản lý Cảng cá, Tổ thu gom rác thải tàu cá, Chi cục Thủy sản trong công tác thu gom và bàn giao, vận chuyển, khai báo và cập nhật số liệu, lập cơ sở dữ liệu và báo cáo về chất thải nhựa tàu cá.

Theo ông Trần Văn Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, việc thể chế hóa quy định quản lý chất thải nhựa tàu cá sẽ giúp thực thi hiệu quả công tác thu gom rác thải nhựa trong ngành thủy sản nói chung và tàu cá nói riêng tại các tỉnh, thành phố, cùng việc kết nối các bên để tạo chuỗi giá trị phế liệu nhựa và các hướng dẫn triển khai cụ thể cho cảng cá và tàu cá. Qua đó, địa phương sẽ giúp quốc gia đạt được mục tiêu về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa.

Đơn cử như tàu cá BĐ-97189-TS. Anh Trần Thế Vỹ, sinh năm 1986, là đầu bếp của tàu cá BĐ-97189-TS chuyên lưới vây cho biết: “Quá trình thu gom rác sinh hoạt trên tàu cá không có gì khó khăn cả, anh em nói chung rất sạch sẽ và vệ sinh, cứ sử dụng xong là bỏ rác vào túi lưới và mang vào bờ”. Anh cũng cho biết thêm, tàu cá có 14 thuyền viên, thường đi khai thác từ 1,5 - 2 tháng. Chuyến đi biển nào tàu cũng mang mấy chục ký rác nhựa về bờ, như chuyến vừa giờ đã mang về hơn 20 kg rác các loại. Không riêng gì tàu của anh mà các tàu khác cũng thế, nhất là từ khi có Quyết định 89/QĐ-SNN thì hầu như tàu nào cũng tuân thủ nghiêm việc mang rác về bờ.

Theo ông Đào Xuân Thiện - Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn, sau 7 tháng triển khai, đã có 153 lượt tàu mang về bờ khoảng 2 tấn rác thải, trong đó 1.500kg rác thải sinh hoạt đã phân loại thành phẩm (chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt, bao bì thực phẩm...) và chuyển cho đơn vị tái chế. Hoạt động này đã góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra đại dương; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng ngư dân chung tay bảo vệ đại dương; gia tăng vòng đời của rác thải, tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho cộng đồng có liên quan đến lĩnh vực thu hồi, tái chế phế liệu…

2(2).jpg

Trao đổi với chúng tôi về nội dung tạo việc làm cho các lao động phi chính thức, chị Nguyễn Thị Minh Lệ - thành viên đội thu gom rác thải nhựa tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn chia sẻ, đội thu gom gồm 10 người: chính thức có 5 người là nhân viên cảng cá làm kiêm nhiệm, 1 chị làm toàn thời gian tại nhà kho thu gom rác để theo dõi và nhập số liệu. Những lúc rác thu gom được nhiều, cần phân loại, đội huy động thêm người thuộc đội công nhân vệ sinh của cảng cá cùng hỗ trợ. “Chúng tôi mua rác của bà con ngư dân đồng giá các loại là 4.000 đồng/kg và vận chuyển về nhà kho để tiến hành phân loại và ép thành kiện. Đối với các loại chai nhựa bán cho cơ sở tái chế (MRF) của Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định với giá 6000 đồng/kg; còn lon nhôm bán cho một xưởng tái chế khác với giá 35.000 đồng/kg. Tiền thu được chúng tôi tiếp tục sử dụng để mua rác từ ngư dân và hỗ trợ phần nào cho các anh em tham gia”, chị Lệ nói.

anh-3(2).jpg
Mô hình giúp tạo việc làm và thêm thu nhập cho các đối tượng lao động phi chính thức

Cũng như chị Lệ và các anh chị em trong đội, ông Nguyễn Văn Tâm, 60 tuổi, thường làm việc cả ngày tại cảng cá từ 7 giờ 30 sáng đến 6 giờ tối. Ông bảo đội làm việc không theo giờ hành chính mà theo “lịch” của rác, công tác quản lý của đội trên tinh thần hiệu suất công việc. “Những lúc cần tham gia phân loại rác thải nhựa tàu cá ở nhà kho, chúng tôi cũng rất sẵn lòng hỗ trợ. Mỗi đợt như vậy được nhận thêm vài trăm nghìn chúng tôi vẫn rất vui vì vừa có chút thu nhập lại được góp phần chung tay bảo vệ đại dương”.

3(1).jpg

Những kết quả bước đầu của mô hình thí điểm thu gom rác thải trên tàu cá nhanh chóng được lan tỏa và thu hút sự quan tâm của các đoàn học sinh, các tổ chức và các địa phương trong nước đến tham quan, học tập kinh nghiệm quản lý rác thải nhựa ngành thủy sản.

Là người dẫn đoàn 27 học sinh Khối 8 từ các trường Delta Global School (Dewey Tây Hồ Tây), Vin School Metropolis, THCS Cầu Giấy, THCS Ngô Sĩ Liên, trường liên cấp Sentia, trường THPT Hà Nội Amsterdam (Hà Nội) tham quan và học tập về mô hình mang rác thải từ tàu cá về bờ do UNDP hỗ trợ thực hiện thí điểm tại Bình Định, thầy Vũ Đức Anh cho biết, mục đích chuyến đi giúp học sinh hiểu được những vấn đề tài nguyên thiên nhiên, sinh kế và môi trường, rác thải và các phương thức xử lý cũng như các vấn đề văn hóa xã hội như bình đẳng, bản sắc và đa dạng văn hóa gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.

Học sinh Phạm Bảo Anh, thành viên của Đoàn chia sẻ, em khá bất ngờ vì được biết mô hình thu gom rác thải từ tàu cá đã được thực hiện rất tốt tại Bình Định, cũng như việc ngư dân Bình Định và cộng đồng ở đây ý thức, có trách nhiệm đối với môi trường.

anh-4(2).jpg
Gia tăng vòng đời chuỗi giá trị cho sản phẩm nhựa

Giữa tháng 7, Đoàn công tác các tỉnh Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam) cũng đã đến thăm, học tập, trao đổi kinh nghiệm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong ngành thủy sản tại Bình Định. Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành chức năng của các tỉnh Kiên Giang, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá rất cao kết quả đạt được của mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá tại Bình Định, đồng thời trao đổi làm rõ thêm những vấn đề mà đoàn công tác quan tâm. “Qua kinh nghiệm học tập được tại Bình Định, các tỉnh sẽ lan tỏa, nhân rộng mô hình, giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản”, ông Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiêng Giang cho hay.

Đồng quan điểm trên, bà Hoàng Thị Diệu Linh - Cán bộ phụ trách lĩnh vực chất thải và kinh tế tuần hoàn của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho biết, mô hình thu gom rác thải trên tàu cá tại Bình Định đã đóng góp cho nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa đại dương quốc gia theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tới, UNDP sẽ phối hợp Sở NN&PTNT Bình Định, Sở TN&MT Bình Định và các bên liên quan mở rộng mô hình tới 3 cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan.

anh-5(1).jpg
Mô hình quản lý rác thải nhựa trên tàu cá tại Bình Định được nhiều tỉnh đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm

Những kết quả mà Bình Định đã làm được cho thấy việc quản lý rác thải nhựa đại dương từ hoạt động khai thác thủy sản không hề khó, nhưng trước hết tuyên truyền để mỗi ngư dân nhận thức đúng về vấn đề này là yếu tố then chốt hàng đầu đồng thời cần sự chung tay nỗ lực của tất cả các bên lên quan từ chính quyền, cơ quan chức năng, đến doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ… Để đại dương thêm xanh, cần tất cả chúng ta tiếp tục hành động.

4(2).jpg

Bài: NGUYỄN THỊ ÁI TRINH
Chi cục Thủy sản Bình Định,110 Trần Hưng Đạo,
TP. Quy Nhơn, Bình Định

Trình bày: TÙNG QUÂN

5.jpg

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
E-magazine: Mang rác về bờ để mang cá về bờ - Bài 4: Bình Định tiên phong quản lý chất thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO