Xã hội

Mường Khương (Lào Cai ): Nhiều cách làm hay trong công tác giảm nghèo

Bích Hợp 21/05/2024 14:14

(TN&MT) - Đẩy mạnh các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế là những cách làm mà huyện Mường Khương, Lào Cai đang áp dụng để giảm nghèo bền vững.

Vậy Mường Khương đã áp dụng những cách làm này ra sao? Gặp những khó khăn gì và đâu là định hướng phát triển trong thời gian tới? Chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Trọng Huân, Chủ tịch huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết thời gian qua huyện Mường Khương đã làm gì để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững?

Ông Nguyễn Trọng Huân: Xác định công tác giảm nghèo nhanh và bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nên Mường Khương đã vào cuộc một cách đồng bộ, hiệu quả các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Mường Khương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là người dân để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các văn bản pháp quy về giảm nghèo, tăng cường công khai, minh bạch thông qua sự tham gia của người dân, đặc biệt là người nghèo - đối tượng thụ hưởng các chương trình mục tiêu quốc gia, và các chương trình dự án đầu tư trên địa bàn huyện.

anh-huan-tich-muong-khuong.jpg
Ông Nguyễn Trọng Huân, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương, Lào Cai.

Mường Khương cũng chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng cơ bản phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân; Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo thật sự hiệu quả về kinh tế gắn với đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trên cơ sở liên kết theo chuỗi giá trị với cơ sở chế biến để bảo đảm ổn định nguồn tiêu thụ nông sản. Huy động, lồng ghép các nguồn lực để chung tay giảm nghèo; đồng thời chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm ổn định để từ đó góp phần tăng thu nhập cho người nghèo có tích lũy tiến tới giảm nghèo và thoát nghèo bền vững.

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về những cách làm để giảm nghèo tại Mường Khương?

Ông Nguyễn Trọng Huân: Huyện Mường Khương xác định công tác giảm nghèo bền vững chính là việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác như quỹ vì người nghèo, nông thôn mới, nguồn kinh phí hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Từ đó, tăng cường triển khai chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, kết nối, giới thiệu, hỗ trợ việc làm cho người nghèo. Triển khai các chương trình vay vốn, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế. Thực hiện hỗ trợ có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo.

mk-2.jpg
Mường Khương phát triển cây chủ lực nâng cao giá trị của đất trong công tác giảm nghèo.

Trong những năm qua, huyện Mường Khương đã tập trung lồng ghép, đầu tư và triển khai thực hiện các mô hình như: Mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất lúa Séng cù theo mô hình cánh đồng một giống; mô hình trồng quýt, chuối, dứa… từ đó đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá như vùng chè trên 5.000 ha, vùng dứa trên 1.500 ha, vùng chuối trên 500 ha, vùng quýt 815 ha ngoài ra còn một số cây trồng đặc sản khác như lúa Séng cù 400 ha, ớt 200 ha.

Các mô hình đều đã có tác động tích cực đến nhận thức người dân, làm quen với hình thức tập thể, tổ hợp tác, gắn kết ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau, cùng hỗ trợ, đóng góp lao động, quyền lợi trong việc thực hiện mô hình, tận dụng lao động nhàn rỗi tạo công ăn việc làm cho lao động, tạo động lực để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hộ gia đình để từng bước giảm nghèo bền vững.

PV: Huyện Mường Khương đã gặp phải khó khăn thách thức gì trong công tác giảm nghèo?

Ông Nguyễn Trọng Huân: Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 cho thấy, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện là 8.536 hộ chiếm 60,13 %. Nhưng phần lớn các hộ này chỉ mới vượt qua ngưỡng nghèo nên họ rất dễ tái nghèo. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được gắn kết chặt chẽ. Một số chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống, hiệu quả tác động chưa cao.

mk3.jpg
Tao sinh kế để người dân tự vươn nên thoát nghèo là cách làm giảm nghèo bên vững mà Mường Khương( Lào Cai) đang áp dụng.

Hoạt động hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài khó thực hiện. Ngoài ra, một số địa phương còn lúng túng trong thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự lực vươn lên thoát nghèo. Việc theo dõi và giám sát giảm nghèo bền vững chưa được thực hiện thường xuyên, chưa kịp thời do kiêm nhiệm, kinh phí hoạt động kiểm tra, giám sát còn hạn chế.

PV: Trong thời gian tiếp theo, Mường Khương có kế hoạch gì để công tác giảm nghèo đi vào thực tiễn và bền vững, Đặc biệt là giảm nghèo nhờ vào các mô hình phát triển kinh tế …?

Ông Nguyễn Trọng Huân: Trước tiên về công tác chỉ đạo điều hành, Mường Khương sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo; phân công đảng viên ở chi bộ thôn, bản, tổ dân phố giúp đỡ hộ nghèo. Đưa chỉ tiêu kết quả thực hiện giảm nghèo bền vững vào tiêu chi đánh giá cấp ủy, chính quyền, đoàn thể hàng năm.

mk8.jpg
Mô hình chăn nuôi tạo thu nhập bền vững cũng được người dân Mường Khương áp dụng để giảm nghèo.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Đầu tư các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng.

mk-1.jpg
Bức tranh nông thôn của huyện vùng cao Mường Khương dần thay da, đổi thịt, cuốc sống của người dân cũng dần trở lên khấm khá hơn.

Tăng cường công tác đào tạo nghề gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm tạo điều kiện cho người lao động sau đào tạo tìm được việc làm trong và ngoài nước. Ưu tiên nhóm người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ bảo trợ xã hội, thiếu đất sản xuất.

Quan tâm, chú trọng thực hiện có hiệu quả hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt đối với nghèo đa chiều để trợ giúp đối tượng có kiện tiếp cận tốt hơn. Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư giảm nghèo: như các nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mường Khương (Lào Cai ): Nhiều cách làm hay trong công tác giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO