Mục tiêu khí hậu của các nước phát triển có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng 2,4 °C

Vân Anh| 05/05/2021 16:09

(TN&MT) - Nhiệt độ toàn cầu sẽ giảm 0,2 °C so với dự báo trước đó nhưng về cơ bản vẫn tăng cao hơn mục tiêu của Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.

Một nhà máy điện và giao thông ở New York, Mỹ. Ảnh: EPA

Theo những nghiên cứu gần đây, các mục tiêu khí hậu mới được Mỹ và các quốc gia phát triển khác thông báo có thể sẽ làm tăng nhiệt độ toàn cầu lên 2,4 °C vào năm 2100.

Mặc dù nhiệt độ đã giảm 0,2 °C so với dự báo trước đó là 2,6 °C, nhưng vẫn cao hơn đáng kể mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Được biết, mục tiêu này quy định nhiệt độ tăng lên không quá 2 °C và phải giảm nhiệt độ xuống còn 1,5 °C.

Tổ chức nghiên cứu Climate Action Tracker dự báo, các mục tiêu vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát nếu những nước chủ chốt thực hiện tốt hơn các kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, tất cả các nước phải cùng đưa ra chính sách mới để đáp ứng các cam kết của họ.

Các số liệu cũng chỉ ra tầm quan trọng của Mỹ - quốc gia phát thải lớn thứ hai thế giới và các quốc gia phát triển khác trong việc thiết lập kế hoạch phát thải mới, cũng như những nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu của Thỏa thuận chung.

Ngoài ra, phân tích cho biết thêm cần phải có những đóng góp lớn hơn từ Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới để duy trì các mục tiêu của Thỏa thuận theo đúng kế hoạch.

Climate Action Tracker cho rằng những chính sách của hầu hết các nước phát triển đang bị tụt hậu so với các mục tiêu đã đề ra, khi các quốc gia này chịu trách nhiệm về gần 3/4 lượng khí thải toàn cầu và đang cân nhắc các mục tiêu giảm lượng carbon xuống bằng 0. Phân tích chỉ ra rằng dựa trên các chính sách hiện tại, nhiệt độ toàn cầu theo dự báo sẽ nóng lên 2,9 °C.

Giám đốc điều hành của Tổ chức phi lợi nhuận Climate Analytics, ông Bill Hare cho biết Thỏa thuận Paris đang thúc đẩy chính phủ các nước thay đổi các kế hoạch để tăng cường hành động thực hiện các mục tiêu mạnh mẽ hơn.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Nhà Trắng, Mỹ đã cam kết sẽ giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030, so với mức năm 2005. Đồng thời, Canada cũng đệ trình một mục tiêu khí thải chặt chẽ hơn, trong khi các nước Nhật Bản, Nam Phi và Argentina cme kết sẽ thể hiện tham vọng của họ. Trung Quốc cũng cam kết sẽ hạn chế sử dụng than trong tương lai.

Trước thềm các cuộc đàm phán COP25 về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Glasgow, Vương quốc Anh vào tháng 11/2021, các quốc gia dự kiến sẽ đưa ra kế hoạch mới để cắt giảm lượng carbon của họ từ nay đến năm 2030.

Bên cạnh đó, các nước cũng sẽ có một cuộc họp về khí hậu do chính phủ Đức tổ chức tại Petersberg. Tại đây, một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể đưa ra những đề nghị tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển về vấn đề khí hậu. Đây được coi là điều cần thiết để đưa các nước đang phát triển đi đúng hướng, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Tổng hợp từ Guardian
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu khí hậu của các nước phát triển có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng 2,4 °C
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO