Các mục tiêu và kế hoạch khí hậu quốc gia: Tăng cường tích hợp hành động vì đại dương
(TN&MT) - Trước thềm Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), báo cáo tóm tắt mới công bố của Đối thoại Đại dương năm 2024 nêu bật sự thừa nhận về vai trò thiết yếu của đại dương trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu và giúp cộng đồng thích ứng với tác động của nó, cũng như nhu cầu tích hợp hành động vì đại dương vào vòng tiếp theo của các kế hoạch và mục tiêu khí hậu của các quốc gia.
Đẩy nhanh hành động chống biến đổi khí hậu ở đại dương
Đối thoại Đại dương thường niên năm nay tập trung vào bảo tồn đa dạng sinh học biển và khả năng phục hồi của bờ biển, cũng như nhu cầu về công nghệ cho hành động vì khí hậu đại dương, bao gồm cả các liên kết tài chính. Các chủ đề này được các đồng điều phối viên Julio Cordano (Chile) và Niall O'Dea (Canada) lựa chọn sau khi tham vấn với các bên và quan sát viên.
Đối thoại cho thấy, việc bảo tồn, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái carbon xanh có thể đóng vai trò chuyển đổi trong việc giải quyết cả nguyên nhân và hậu quả của biến đổi khí hậu. Các môi trường sống “carbon xanh” - như rừng ngập mặn, cỏ biển và đầm lầy mặn - thu giữ và lưu trữ carbon, đồng thời bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Ông Cordano cho biết: "Đại dương cung cấp cho chúng ta một trong những giải pháp tích hợp nhất dựa vào thiên nhiên để chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng của nó, chúng ta cần tăng cường hành động vì khí hậu. Các bên có thể được hưởng lợi rất nhiều trong các mục tiêu và kế hoạch khí hậu quốc gia bằng cách đưa vào đó các biện pháp bảo vệ đại dương”.
Theo ông, việc cải thiện tính khả dụng và khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho các hệ sinh thái carbon xanh, bao gồm thông qua việc triển khai các giải pháp dựa vào thiên nhiên và các khu bảo tồn biển, là rất quan trọng để đẩy nhanh hành động chống biến đổi khí hậu ở đại dương.
Tập trung vào công nghệ, năng lực và tài chính
Báo cáo đã làm rõ tiềm năng của các nguồn năng lượng đại dương tái tạo như công nghệ gió ngoài khơi, sóng và thủy triều để giảm phát thải carbon. Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của các công nghệ cảm biến từ xa dựa trên vệ tinh và các công nghệ tự động vì đại dương như trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường thu thập dữ liệu thời gian thực và các nỗ lực thích ứng.
Các bên được khuyến khích sử dụng những đánh giá nhu cầu công nghệ để cung cấp thông tin cho việc phát triển và triển khai các kế hoạch khí hậu quốc gia của họ, còn được gọi là các đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
"Công nghệ và năng lực là những yếu tố quan trọng thúc đẩy hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ở đại dương, nhưng nếu không có nguồn tài chính sáng tạo, chẳng hạn như trái phiếu xanh và tài chính hỗn hợp, các giải pháp cho đại dương có thể vẫn chưa được khai thác. Các nước đang phát triển phải đối mặt với rào cản trong việc tiếp cận nguồn vốn và xây dựng năng lực, khiến cho sự hợp tác giữa các chính phủ, nhà đầu tư tư nhân, các tổ chức tài chính quốc tế và các quỹ khí hậu là việc làm thiết yếu để thúc đẩy hoạt động bảo tồn đại dương trên quy mô lớn", ông O'Dea cho biết.
Báo cáo kêu gọi sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các NDC, Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP) và Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học (NBSAP) để phản ánh tốt hơn mối liên hệ giữa khí hậu - đại dương - đa dạng sinh học.
Đồng thời, báo cáo khuyến khích các bên hợp lý hóa nghĩa vụ báo cáo của mình trong các thỏa thuận quốc tế, bao gồm Chương trình nghị sự 2030, Thỏa thuận BBNJ (Thỏa thuận về biển cả) và Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal. Báo cáo cũng kêu gọi các cơ quan được thành lập tiếp tục đưa đại dương trở thành nội dung trọng tâm trong các hoạt động của họ, phù hợp với Hiệp ước khí hậu Glasgow.
Trong bối cảnh COP29 sắp diễn ra, các hoạt động thực tiễn và các giải pháp dựa trên khoa học thu thập được từ các cuộc đối thoại về đại dương năm 2023 và 2024 có thể giúp các bên tích hợp hành động vì đại dương vào vòng NDC tiếp theo của họ, dự kiến vào năm 2025.
Đối thoại Đại dương năm 2024 đã tạo ra cơ hội quan trọng để tăng cường sự hợp tác, hiểu biết và xây dựng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ở đại dương, làm rõ các nhu cầu, cơ hội và nghiên cứu điển hình cũng như nêu bật các thông điệp chính và các giải pháp hướng về tương lai. Cuộc đối thoại này hướng đến mục tiêu là một hoạt động kéo dài nhiều năm, nhằm xây dựng kiến thức về các chủ đề có liên quan đến đại dương và biến đổi khí hậu, cũng như kinh nghiệm, ý kiến đóng góp của những năm trước và các báo cáo tóm tắt không chính thức về đối thoại đại dương và biến đổi khí hậu năm 2023, 2022 và 2020.