Thế giới

Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm: Đảm bảo các mục tiêu về khí hậu

Mai Đan 24/09/2024 - 14:11

(TN&MT) - Ngày quốc tế nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm năm 2024 sẽ làm rõ nhu cầu cấp thiết về tài chính để thúc đẩy các nỗ lực giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, góp phần đạt được các mục tiêu về khí hậu và thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.

29/9 là Ngày quốc tế nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm. Ngày này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2020 nhằm kêu gọi sự chú ý của thế giới đến một trong những vấn đề quan trọng có tác động tới an ninh lương thực, môi trường, công bằng xã hội và phát triển bền vững.

Ngày quốc tế nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm (IDAFLW) năm nay sẽ được tổ chức lần thứ 5 vào ngày 29/9 tới đây, với chủ đề: “Hãy dừng lãng phí thực phẩm! Vì con người và hành tinh”.

international-day-of-awareness-of-food-loss-and-waste-1200x834.jpg
Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm góp phần đạt được các mục tiêu về khí hậu

Một lượng lớn tài nguyên - đất đai, nước, năng lượng và lao động - được sử dụng để sản xuất thực phẩm. Khi thực phẩm bị thất thoát hoặc lãng phí, những tài nguyên này sẽ bị lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất thực phẩm.

Theo số liệu năm 2023 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), năm 2021, tỷ lệ thực phẩm bị thất thoát trên toàn cầu sau khi thu hoạch ở các cấp độ trang trại, vận chuyển, lưu trữ, bán buôn và chế biến ước tính vào khoảng 13,2%. Số liệu năm 2024 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy, năm 2022, lãng phí thực phẩm xảy ra ở cấp độ bán lẻ, dịch vụ thực phẩm và hộ gia đình ước tính là 19% tổng số thực phẩm có sẵn cho người tiêu dùng.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người sản xuất mà còn đến người tiêu dùng và quốc gia, chưa kể đến sinh kế và sự ổn định kinh tế. Hơn nữa, rác thải thực phẩm tại các bãi chôn lấp chiếm 8-10% tổng lượng khí thải của hệ thống nông sản thực phẩm, tác động đến biến đổi khí hậu và tính bền vững của môi trường. Năm 2021, Công ước Bảo vệ Thực vật Quốc tế (IPPC) cho biết, khí metan do thất thoát và lãng phí thực phẩm gây ra có hại ít nhất gấp 28 lần so với CO2 trong tác động đến biến đổi khí hậu.

Giải quyết tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến tiêu dùng, sẽ cải thiện hiệu quả chung của hệ thống thực phẩm, giúp đảm bảo rằng nhiều thực phẩm hơn sẽ đến được với những người có nhu cầu.

Mục tiêu 12.3 của Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) nhằm mục đích giảm một nửa lượng chất thải thực phẩm bình quân đầu người trên toàn cầu ở cấp độ bán lẻ và người tiêu dùng và giảm thất thoát thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng vào năm 2030, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này trong bối cảnh rộng hơn của phát triển bền vững.

Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm là rất quan trọng để cải thiện an ninh lương thực và tạo điều kiện cho chế độ ăn uống lành mạnh; thúc đẩy sử dụng tài nguyên hiệu quả; giảm thiểu nạn đói; bảo vệ môi trường; cũng như thúc đẩy phân phối công bằng hơn các nguồn thực phẩm trên toàn cầu.

Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm cũng là một giải pháp về khí hậu mà các quốc gia và cộng đồng có thể áp dụng để giảm phát thải khí nhà kính. Để làm được như vậy, cần phải tăng đáng kể chất lượng và số lượng tài chính khí hậu có thể tiếp cận được.

Như đã nhắc đến ở trên, Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững - cụ thể là Mục tiêu 12.3 của SDG - kêu gọi giảm 50% lượng thực phẩm lãng phí bình quân đầu người trên toàn cầu ở cấp độ bán lẻ và người tiêu dùng, đồng thời giảm thất thoát thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng. Mục tiêu 16 của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) cùng với các vấn đề khác cũng kêu gọi “giảm một nửa lượng thực phẩm lãng phí trên toàn cầu vào năm 2030”.

Chúng ta cần khẩn trương đẩy nhanh tốc độ hành động để giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, đồng thời chuyển đổi các hệ thống nông sản thực phẩm, để đạt được Mục tiêu SDG 12.3 và mục tiêu do GBF đặt ra, với những lợi ích có thể nhìn thấy được cho con người và hành tinh.

Thất thoát và lãng phí thực phẩm là vấn đề lớn đối với phát triển bền vững. Giải quyết bài toán này đòi hỏi sự quan tâm và vào cuộc của các bên liên quan từ Chính phủ đến doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng, các nhà khoa học và từng cá nhân. Chỉ có sự phối hợp có hệ thống của tất cả các bên mới có thể giúp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Chấm dứt lãng phí thực phẩm bắt đầu từ chính bạn

Các tổ chức công và tư cũng như người tiêu dùng trong toàn bộ hệ thống thực phẩm phải nỗ lực cắt giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm để tăng cường sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu biến đổi khí hậu và hỗ trợ an ninh lương thực và dinh dưỡng hợp lý cho tất cả mọi người. Hướng dẫn “Thất thoát và lãng phí thực phẩm quốc tế: Hãy tham gia” cung cấp các thông điệp chính, sự kiện và số liệu, cũng như các hành động mà các bên liên quan có thể thực hiện để giúp giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm.

Theo Tổng hợp từ UNEP
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm: Đảm bảo các mục tiêu về khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO