Mùa nước nổi không về!

13/08/2019 09:18

(TN&MT) - Người dân địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có câu, “tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ”, ý nói thường đến tháng Bảy âm lịch hằng năm, nước lũ tràn lên ruộng, vườn mang theo phù sa, tôm, cá. Ấy vậy, đến thời điểm này, lũ vẫn chưa về với đồng bằng khiến nhiều người không khỏi bồn chồn, lo lắng.

Khó khăn vì không có lũ

Tầm thời gian này năm trước, lũ từ thượng nguồn đổ về làm cho nhiều khu vực ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp lênh láng nước. Người dân cùng sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền phải gấp rút thu hoạch lúa ngoài đê để chạy lũ. Lũ về, các làng nghề lưỡi câu, đan lưới, lọp thêm phần tất bật, bội thu, còn người dân thì sắm sửa ngư cụ ra đồng đánh bắt cá.

Anh 1 Nuoc xuong thap
Nguồn nước trên các sông, rạch vùng ĐBSCL đang xuống thấp

Còn năm nay, đã đến gần rằm tháng bảy mà lũ vẫn chưa về khiến cho lão nông Phạm Út (70 tuổi, ngụ xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) lo lắng: “Tôi đã đi qua hàng chục con nước lũ mang theo phù sa, sản vật cho đồng bằng, nhưng năm nay, chẳng thấy tí nước nào đổ về!”.

Mùa nước nổi năm rồi, các làng nghề lọp cá linh ở cồn Cốc, xã Phước Hưng, huyện An Phú; lưỡi câu Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên (An Giang); làng lưới Thơm Rơm, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) hay làng đóng xuồng rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) hoạt động suốt ngày đêm vì số lượng hàng làm ra không đủ bán, thế mà bây giờ, các làng nghề trở nên đìu hiu, vắng lặng.

Ông Út Tòng (68 tuổi), Tổ trưởng Tổ đan lọp cá linh ở cồn Cốc cho hay, mọi năm, tháng này nước đã đục và bắt đầu chảy xuống, còn giờ nước lớn, nước ròng như mới tháng hai. Người dân trong xóm ai cũng đợi lũ, bởi không có lũ làm ra lọp bán không được, đi đặt lọp cũng không xong.

Tương tự làng lưỡi câu Mỹ Hòa không còn nhộn nhịp như trước nữa. Ông Nguyễn Văn Thu- chủ một cơ sở làm lưỡi câu tại xã Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên cho biết: “Những năm nước nhiều để có lượng lưỡi câu cung cấp, ngoài 6 thành viên trong gia đình tôi phải thuê thêm nhân công, nhưng năm nay, chưa có nước nên chỉ có 3 người làm cầm chừng”.

Lũ là hiện tượng tự nhiên hàng năm gắn liền với lịch sử phát triển của vùng ĐBSCL. Nhiều năm nay, người dân vùng ngập lũ đã chủ động hạn chế được lũ dữ và khai thác có hiệu quả các nguồn lợi thủy sản cũng như ruộng đồng được bồi đắp phù sa tươi tốt. “Vậy mà, mấy ngày nay, mực nước dưới sông không lên được báo hiệu vụ tới sẽ thất thu. Đời sống người dân đã khó khăn, nay lại tiếp tục khó khăn hơn vì không đánh bắt được cá, tôm, còn ruộng rẫy sẽ cằn cỗi, dịch bệnh” - ông Lê Văn Kháng (ngụ xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang) lo âu.

Mực nước tiếp tục xuống thấp

Không chỉ không có lũ mà qua ghi nhận, tình hình thủy văn trên các sông, kênh rạch từ các Đài Khí tượng Thủy văn vùng ĐBSCL cho thấy, mực nước trên các sông, rạch trong thời gian tới tiếp tục giảm. Bản tin dự báo tình hình thủy văn của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang ngày 7/8/219 cho thấy, mực nước đo được tại 14 trạm thủy văn thuộc địa phương này đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018.

Anh 2 Nguoi dan Hong Ngu
Người dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đẩy xuồng trên con kênh cạn nước ra sông lớn cắm câu, thả lưới

Cụ thể, ngày 6/8/2019 tại trạm Tân Châu trên sông Tiền, mực nước cao nhất đo được là 1.67m, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 1.56m; tại trạm Khánh An trên sông Hậu, mực nước cao nhất đo được là 1.77m, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 2.34m; tại trạm Long Xuyên trên sông Hậu mực nước cao nhất đo được là 1.56m, thấp hơn 0.20m so với cùng kỳ năm 2018…

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, 5 ngày tới, mực nước cao nhất tại các trạm thủy văn đầu nguồn sông Cửu Long, vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu xuống nhanh, khu vực tứ giác Long xuyên mực nước biến đổi chậm.

Ông Phạm Đức Toàn, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy Văn tỉnh Hậu Giang cho biết, trong những ngày qua, mực nước tại các trạm thủy văn trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, TP. Vị Thanh đo được thấp hơn so với chu kỳ nhiềm năm trước từ 20 - 52cm. Dự báo đến ngày 10/8/2019 mực nước đo cũng sẽ thấp hơn so với chu kỳ nhiềm năm trước từ 11 - 66 cm.

 “Theo tính toán mực nước, có thể từ giữa tháng 2 cho tới đầu tháng 5/2020 khả năng xảy ra thiếu nước là rất lớn nhất là ở huyện Long Mỹ, TX.Long Mỹ, một phần huyện Vị Thủy và một phần huyện Phụng Hiệp”, ông Phạm Đức Toàn thông tin thêm.

PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ cảnh báo: “Từ thực tế mực nước ở phía thượng nguồn bị sụt giảm, ĐBSCL đang rơi vào thế bị động cả trước những hiện tượng thời tiết cực đoan lẫn những tác động mạnh mẽ của việc tích nước ở thượng nguồn. Điều này khiến cho việc đưa ra các giải pháp ứng phó gặp rất nhiều khó khăn”.

PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung lưu ý: “Tuy bây giờ lượng nước sông Mê Công về ĐBSCL đang thấp kỷ lục nhưng vẫn có khả năng có những đợt mưa bão lớn đột xuất dẫn tới lụt lội ở thượng nguồn. Nếu tình huống đó xảy ra, các đập thủy điện phải xả nhanh nước làm cho lượng nước về ĐBSCL có thể tăng nhanh bất ngờ. Đây là vấn đề nan giải mà chúng ta đang gặp phải trong công tác cảnh báo lũ”.

Chủ động trữ nước

Từ dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn, nhà khoa học trong thời gian qua đã giúp các địa phương, người dân vùng ĐBSCL có cái nhìn chính xác về thực trạng nguồn nước để có giải pháp ứng phó. Song song với việc bố trí quy hoạch lại đất đai, cây trồng mùa vụ cho phù hợp với điều kiện nguồn nước; liên kết điều tiết, bảo vệ nguồn nước, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng tăng cường tuyên truyền để người dân tham gia tích cực vào việc trữ nước.

Anh 3 Ba Nguyen Thi Nhuan
Bà Nguyễn Thị Nhuận (ngụ ấp Bình Thuận, xã Long Bình, TX. Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) bên các thùng lưu chứa nước mưa mới sắm

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin cho biết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Công đang sụt giảm, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng. Trước tình hình này, tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo cho các Sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung nạo vét các kênh, rạch nhằm tích trữ nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, đẩy nhanh việc triển khai xây dựng hồ chứa nước ngọt tại huyện Vị Thủy với diện tích gần 50ha đảm bảo nguồn nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân trong thời gian tới”.

Tại TP. Cần Thơ, hiện các ngành chức năng, chính quyền địa phương đang tập trung rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, vạo vét các tuyến kênh, rạch để nâng cao năng lực trữ nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn TP. Cần Thơ cho biết: “Thành phố đang tập trung tập trung xây dựng các hạng mục công trình cần thiết, cấp bách để bảo vệ an toàn diện tích nông nghiệp, đảm bảo sản xuất ổn định, giảm thiểu thiệt hại do lũ, tăng cường trữ nước phòng chống hạn, mặn”.

Còn tại An Giang, ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho hay: Dự báo khả năng lũ năm nay không về, vì vậy, tỉnh An Giang đang tập trung nạo vét các kênh, rạch, hồ để trữ nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Bên cạnh đó, để ứng phó với hạn mặn, tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch phối hợp với tỉnh Kiên Giang quản lý chặt chẽ các cống ngăn mặn ven biển, tăng cường công tác phối hợp quan trắc độ mặn, gieo trồng giống lúa thích nghi với mặn ở vùng giáp với Kiên Giang.

Mấy ngày nay có mưa, bà Nguyễn Thị Nhuận (ngụ ấp Bình Thuận, xã Long Bình, TX. Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã tranh thủ lấy nước vào các thùng để lưu chứa. Dù nhà tôi đã được cung cấp nước sạch, nhưng tôi vẫn mua thùng để chứa nước mưa. Hôm rồi, tôi còn đầu tư thêm 6 triệu đồng để mua một thùng nước 3.000 lít hứng nước mưa dự trữ phòng khi khô hạn kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa nước nổi không về!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO