Biến đổi khí hậu

Mưa lớn ở miền Trung không khốc liệt như mưa lũ lịch sử năm 1999

Huy Sỹ 17/10/2023 13:10

(TN&MT) - Mặc dù mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp, nhưng theo chuyên gia khí tượng thủy văn (KTTV), khả năng cao mưa lũ thời điểm này sẽ không khốc liệt như đợt mưa lũ lịch sử năm 1999.

Nhiều ngày qua, mưa lớn ở miền Trung diễn biến phức tạp, thể hiện qua cấp độ rủi ro đối với mưa lớn mà Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã đưa ra ở khu vực Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng vào sáng 14/10 ở cấp 4 - cấp độ cảnh báo rủi ro cao nhất đối với mưa lớn. Sáng cùng ngày, tỉnh Quảng Nam hứng chịu rủi ro thiên tai cấp 3, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế hứng chịu rủi ro thiên tai cấp 2, Hà Tĩnh cấp 1.

1-3-.jpg
Dù trời đã ngớt mưa nhưng nhiều vùng thấp trũng tại Đà Nẵng vẫn ngập

Đến 15h30 chiều 15/10, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét ở khu vực Đà Nẵng đã giảm một cấp (xuống cấp 3) và khu vực Thừa Thiên - Huế đã giảm hai cấp (xuống cấp 2). Tuy nhiên, đến 21h cùng ngày, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét ở khu vực Thừa Thiên - Huế lại tăng đến cấp 3. Tiếp đó, đến 15h30 chiều 16/10, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét ở khu vực Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đã giảm xuống cấp 2.

Như vậy, chỉ trong 3 ngày, cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét ở khu vực các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng thay đổi liên tục. Điều này càng thể hiện diễn biến phức tạp và nguy hiểm của đợt mưa lũ miền Trung trong giai đoạn này.

Qua đánh giá, so sánh hình thế gây mưa lớn ở miền Trung trong giai đoạn này với những hình thế gây ra mưa lớn kỷ lục ở khu vực Trung Bộ vào năm 1999, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận thấy, về cơ bản, hình thế của 2 giai đoạn này tương tự nhau. Tuy nhiên, cường độ của hình thế gây ra mưa lớn kỷ lục ở khu vực Trung Bộ trong giai đoạn từ ngày 1 - 6/11/1999 mạnh hơn cường độ của hình thế gây mưa lớn ở miền Trung trong thời điểm này. Do vậy, khả năng cao đợt mưa đã, đang và tiếp tục diễn ra ở khu vực Trung Bộ có cường độ không khốc liệt bằng cường độ giai đoạn năm 1999.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Tổng cục KTTV), mưa lũ tại khu vực miền Trung đã kéo dài nhiều ngày (từ đêm 10/10), trọng tâm diễn ra ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng với nhiều điểm mưa phổ biến từ 400 - 800mm, ở Đà Nẵng có nơi trên 1.000mm.

Tháng 10 là tháng có lượng mưa đặc biệt lớn và lớn nhất ở khu vực miền Trung, lượng mưa phổ biến ở khu vực này thường ở mức 600 - 800mm trong tháng 10 hàng năm. Vì vậy, lượng mưa diễn ra trong khu vực không phải bất thường, tuy nhiên, trong 2 ngày 13 - 14/10, lượng mưa ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng là tương đối lớn so với trung bình nhiều năm.

4(1).jpg

Nhận định về nguyên nhân đợt mưa lớn diễn ra tại khu vực Trung Bộ vào những ngày cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết: Hình thái thời tiết điển hình của khu vực miền Trung là tác động của không khí lạnh cộng với dải hội tụ nhiệt đới và gió Đông (di chuyển từ phía Đông vào) gây mưa lớn.

Tính đến chiều 16/10, hình thế gây mưa lớn vừa qua như không khí lạnh và dải hội tụ nhiệt đới vẫn tiếp tục hoạt động và không khí lạnh vẫn tăng cường. Ngoài ra, theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trong 24 giờ (tính từ 10h sáng 16/10 đến 10h sáng 17/10), vùng áp thấp trên Biển Đông di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Qua theo dõi vùng áp thấp ở khu vực giữa Biển Đông, vùng áp thấp này đang có xu hướng dịch chuyển từ Đông sang Tây, hướng về khu vực đất liền Trung Bộ. Tương tác của không khí lạnh có dải hội tụ nhiệt đới có khả năng gây ra mưa lớn ở khu vực miền Trung.

Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia vào chiều 16/10, tác động của vùng xoáy thấp cộng thêm không khí lạnh mưa có khả năng mở rộng ngược lên phía Bắc trong giai đoạn từ ngày 16 - 18/10 và mưa sâu vào khu vực vùng núi phía Bắc của các tỉnh miền Trung.

Với phân bố mưa như vậy, ông Nguyễn Văn Hưởng khuyến cáo, tình trạng ngập úng vẫn tiếp tục duy trì ở khu vực các tỉnh Trung Bộ. Bên cạnh đó, với tình hình mưa lấn sâu từ vùng đồng bằng, trung du đến vùng núi thì khu vực miền núi trong thời gian tới có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Khu vực phía Tây ở miền Trung hay khu vực phía Bắc của Kon Tum, Gia Lai cũng có khả năng xảy ra mưa lớn và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở 2 tỉnh này ở mức cao. Đây là những loại hình thiên tai cần hết sức lưu ý.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng vùng áp thấp ở Biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới gây ra gió mạnh ở vùng ven biển từ Quảng Trị đến Bình Định, ảnh hưởng tới hoạt động của tàu cá ở ven biển. Hơn nữa, người dân cần đề phòng tình trạng mưa lớn làm “ngọt hóa” ở vùng ven biển, ảnh hưởng tới việc nuôi trồng thủy sản.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam:

Không được chủ quan với mưa lũ

thumbnail_le-tri-thanh-chu-tich-quang-nam.jpg

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, địa phương đã có công văn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với thiên tai.

Các địa phương, ban ngành tập trung kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, xung yếu. Đồng thời bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và kiên quyết trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, kịp thời triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Tùy tình hình thực tế diễn biến của mưa lũ, các doanh nghiệp được chỉ đạo tạo điều kiện cho công nhân, người lao động nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của ngập lụt được nghỉ làm việc nhằm đảm bảo an toàn; sẵn sàng vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời tổ chức ứng phó với thiên tai theo phương án của địa phương, đơn vị đã được phê duyệt.

Ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế:

Chủ động ứng phó, không để bị động

thumbnail_ong-hoang-hai-minh-pho-chu-tich-ubnd-tinh-thua-thien-hue.jpg

Tỉnh đã có công điện về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các huyện, thị xã và TP. Huế khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, doanh trại ven sông suối, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi có mưa lớn. Kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ...

Ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh:

Chủ động kiểm soát dịch bệnh sau mưa lũ

thumbnail_nguyen-chi-thanh-giam-doc-cdc-ha-tinh(1).jpg

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Hà Tĩnh), đợt mưa lũ vừa qua chưa gây ngập lụt diện rộng nhưng tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh bị nước lũ cô lập, nguy cơ vi khuẩn sinh vật từ rác thải, xác động vật hòa vào dòng nước, gây ô nhiễm môi trường, phát sinh các mầm bệnh truyền nhiễm vẫn khá cao.

Do vậy, để chủ động phòng ngừa dịch bệnh trong mùa mưa lũ, cơ quan y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn. Đối với cơ quan chức năng, cần đảm bảo trang thiết bị, thuốc men, hóa chất khử trùng nước, đặc biệt là chủ động giám sát, phát hiện sớm bệnh dịch để kịp thời huy động, bố trí lực lượng như đội cơ động phòng chống dịch xử lý kịp thời tại các vùng xảy ra ngập úng, lũ quét; cung cấp hóa chất và hướng dẫn cho từng hộ gia đình ở những vùng trọng điểm để xử lý môi trường và nguồn nước.

Mặc dù Hà Tĩnh đang kiểm soát, khống chế hiệu quả các loại dịch bệnh, tuy nhiên, thời gian tới, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Để công tác phòng, chống bệnh dịch trên địa bàn đạt hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trước, trong và sau lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưa lớn ở miền Trung không khốc liệt như mưa lũ lịch sử năm 1999
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO