Mùa hè đến cùng nỗi lo thiếu nước

30/05/2018 10:28

Tại thời điểm này, người dân nhiều tỉnh miền Trung đã thiếu nước sinh hoạt. Từ Đà Nẵng cho tới Ninh Thuận, người dân nhiều nơi đã phải đi mua nước, hoặc tự đào...

Tại thời điểm này, người dân nhiều tỉnh miền Trung đã thiếu nước sinh hoạt. Từ Đà Nẵng cho tới Ninh Thuận, người dân nhiều nơi đã phải đi mua nước, hoặc tự đào giếng tìm nước. Còn tại Hà Nội, đặc biệt là ở một số chung cư, cũng thiếu nước.
thiếu nước
Người dân xã Phước Trung (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) trong một mùa hè thiếu nước
Đợt nắng nóng vừa qua tuy không quá dài nhưng cũng đã khiến cho nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt. Đây là câu chuyện không mới nhưng mùa hè nào cũng vẫn cứ phải lo. Vì sao vậy?
 
Miền Trung khô khát
 
Tại thời điểm này, người dân nhiều tỉnh miền Trung đã phải “tự cứu mình trước khi trởi cứu” bằng cách đi mua nước sạch.
 
Tại phường Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) và phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), những ngày qua nhiều người dân phải đi “xin” nước ở những nhà có giếng.
 
Một người dân ở tổ 42, phường Hòa Khánh Nam cho biết, năm nào cũng vậy, mùa hè đến lại đi cùng nỗi lo thiếu nước sạch, mặc dù hệ thống nước đã được lắp đặt tới từng nhà. Là do lượng nước được nhà máy cung cấp không đủ so với nhu cầu tăng vọt.

Cũng chính vì thế mà lâu nay người dân đã phải tự “phòng thân” bằng cách xây bể chứa hoặc lắp bồn nước dự trữ nước từ đêm trước để hôm sau sử dụng. Trong phường, nhiều chiếc giếng cũng đã mọc lên.

Còn tại xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), để có nước phục vụ ăn uống hơn 300 hộ dân phải đi mua nước máy về dùng. Một người dân cho biết, ngày nào bà con cũng phải hai lần xách thùng đi mua nước, cho dù đường ống nước sạch đã được xí nghiệp lắp tới từng nhà từ lâu. Người này dẫn chứng, gia đình ông có 6 người, mỗi ngày sử dụng 15 can nước với giá 1.000 đồng/can. Từ đầu hè tới nay đã bỏ ra gần 400.000 đồng mua nước sạch.

“Chỉ có cách nâng công suất nhà máy nước và mở rộng đường ống cấp nước, thì người dân mới không khát trong mùa nóng”- người này nói.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), sở dĩ có tình trạng thiếu nước sinh hoạt là do mật độ dân cư ngày càng đông mà các đường ống dẫn nước về các khu dân cư chưa được mở rộng, nâng cấp. Đường ống cũ đường kính nhỏ chỉ 40 mm, khiến nước không thể chạy mạnh và kịp đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, nhất là các hộ dân ở những khu vực cuối nguồn lại càng khó khăn.

Theo Dawaco, tháng 5 này công suất tiêu thụ nước lên đến hơn 272.000m3/ngày, trong khi công suất sử dụng nước đỉnh điểm vào tháng nóng nhất của năm 2017 là 259.900m3/ngày. 

Cũng phải kể đến trường hợp đảo Lý Sơn, từ đầu năm tới nay hầu như không có nổi một trận mưa. Người dân trên đảo ngày nào cũng nhìn lên bầu trời, đợi những đám mây đen đem theo nước, nhưng nền trời vẫn trong veo. Vụ hành đợt này thiếu nước tưới trầm trọng. Nhiều hộ dân tại Đảo Bé hàng ngày phải tới tận nhà máy xếp hàng chờ lấy nước về dùng.

Trong khi đó, lãnh đạo huyện Lý Sơn cũng chỉ biết tuyên truyền để người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp lý, tiết kiệm. Vì rằng, tới quý 3 huyện mới khởi công xây bãi chứa nước với nguồn vốn 70 tỷ đồng.
 
Ở Ninh Thuận, tình hình gay gắt không kém so với đảo Lý Sơn. Có nghĩa là từ đầu hè tới nay hầu như không mưa. Nước các hồ thủy lợi cạn trông thấy. Những vùng đất rộng lớn trước nguy cơ hoang mạc hóa cứ rộng thêm ra. Người dân phải “lên lịch” đặt trước mới có thợ đào giếng, mà giếng thì cứ ngày một sâu hơn mới hòng có nước. Những đàn cừu, đàn dê cả ngàn con ở Ninh Thuận chung số phận với con người, cùng khát khô. Nhiều nơi, cừu đã lăn ra chết vì khô khát.
 
Hà Nội liệu có khát?
 
Tại các thành phố lớn, trong đó nổi rõ là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tình trạng thiếu nước sinh hoạt mùa hè không còn quá xa vời, mà đã là một “thực tế nhãn tiền” khi nhìn vào không ít chung cư.
 
Tại khu Khương Thượng (Q.Đống Đa, Hà Nội), từ giữa tháng 5 tới nay nước sinh hoạt được cấp khá thất thường. Người dân cho biết, có hôm thiếu cả nước để nấu cơm, vợ chồng con cái phải đưa nhau ra hàng ăn cho qua bữa. Lại có người do thiếu nước tắm giặt, không thể chịu được, đành phải thuê phòng nghỉ theo tiếng để tắm. “Bét ra cũng mất 100 ngàn đồng 1 lần tắm ở nhà nghỉ”- người này cho biết.
 
Tại một số chung cư của Hà Nội, cũng đã xuất hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nhiều cư dân chung cư Viện 103 (Hà Đông) cho biết, hầu hết các bể nước đều không còn nước sử dụng. Người ta cũng cho rằng, nguyên nhân thiếu nước được thông báo là do hỏng Trạm cấp nước số 3 và vỡ đường ống dẫn nước sông Đà là không đúng.
 
Còn theo một vị đại diện của đơn vị cung cấp nước sinh hoạt cho người dân các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy… thì do thời gian qua có quá nhiều chung cư cao tầng, khu đô thị, khu tái định cư, khu công nghiệp đi vào sử dụng nên địa bàn cấp nước liên tục mở rộng, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt càng tăng. Đơn vị này không “đuổi kịp” nhu cầu nước sinh hoạt.
 
Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, với tổng số 140.000 khách hàng khu vực phía Tây Nam Hà Nội, dự kiến mùa hè năm nay nhu cầu sử dụng là khoảng 200.000m3/ngày đêm, tăng 9.000m3/ngày đêm so với mùa hè năm 2017. Trong khi đó, khả năng cấp nguồn của công ty cung cấp nước chỉ là 176.000m3/ngày đêm, thiếu hụt khoảng 24.000m3/ngày đêm.
 
Người Hà Nội lại lo thêm khi được biết rằng đường ống nước sông Đà truyền tải gần 220.000 m3 nước sạch/ngày đêm, chiếm 23,27% tổng sản lượng nước cấp cho Hà Nội vẫn đứng trước nguy cơ có thể vỡ bất cứ lúc nào. Nếu trong trường hợp xấu đó, thì  khu vực phía Tây Nam thành phố, gồm các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông, Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình rất có thể sẽ rơi vào cảnh thiếu nước.
 
Nhưng, mùa hè nắng nóng cũng được dịu đi phần nào khi mà giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, khi vào cao điểm nắng nóng, thiếu nước sinh hoạt có thể sẽ dùng xe téc hỗ trợ và các đối tượng được ưu tiên là bệnh viện, trường học…
 
Còn trong sự cố đường ống nước, thời gian sửa chữa, khắc phục sẽ không kéo dài quá 10 giờ/điểm vỡ. Hà Nội cũng đang tập trung thi công hoàn thành tuyến truyền dẫn cấp nước số 2 sông Đà, trạm bơm tăng áp Tây Mỗ và đoạn tuyến từ trạm tăng áp đến vành đai 3. “Mục tiêu là bảo đảm chất lượng nước, bảo đảm sản xuất và cung cấp với tổng công suất khoảng 1.046.479 m3/ngày đêm”- ông Dục cho biết. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa hè đến cùng nỗi lo thiếu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO