Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ ống - Ảnh: Báo Yên Bái. |
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà thăm và trao tiền hỗ trợ của tỉnh cho gia đình bà Giàng Thị Ái, bản Dào Xa, xã Kim Nọi - Ảnh: Báo Yên Bái |
Thị trấn Mù Cang Chải tan hoang sau cơn lũ - Ảnh: Minh Huệ - Trung tâm KTTV Quốc gia |
Hình ảnh kinh hoàng sau trận lũ quét - Ảnh: Minh Huệ - Trung tâm KTTV Quốc gia |
Cảnh tan hoang sau trận lũ quét lịch sử - Ảnh: Minh Huệ - Trung tâm KTTVT Quốc gia |
Theo thông tin mới nhận được từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Yên Bái, đến gần 10 giờ ngày 3/8, số người chết và mất tích do lũ ống ở Mù Cang Chải đã tăng lên 11 người, 6 người bị thương nặng. Cụ thể, 1 người chết là bà Giàng Thị Cha, trú tại bản Dào Xa, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải. 10 người khác đang mất tích, trong đó, thị trấn Mù Cang Chải có 5 người gồm: Ngô Thị Hiền (33 tuổi); Lê Thị Yến Nhi (5 tuổi); Lê Bống (1 tuổi); Lường Văn Do (33 tuổi) và Giàng A Hù. Ở xã Kim Nọi có 1 người mất tích là bà Hàng Thị Giông, trú tại bản Kháo Giống. Xã Lao Chải có 2 người mất tích là Sùng A Tồng ở bản Háng Gàng và 1 người khác chưa xác định được danh tính. Ở xã Chế Tạo cũng có 2 người mất tích chưa xác định được danh tính.
Lũ cũng cuốn trôi 26 nhà, sạt lở đất 14 nhà và 1 ngôi nhà bị ngập. Cũng trong đêm ngày 2/8 lũ cuốn trôi 7 con trâu của người dân. Giao thông trên tuyến quốc lộ 32 đoạn km 289+300 bị sạt lở khiến giao thông bị tê liệt. Ngoài ra cùng nhiều công trình công cộng bị thiệt hại nặng nề.
Nhà cửa bị lũ cuốn trôi toàn bộ đồ đạc - Ảnh: Minh Huệ - Trung tâm KTTV Quốc gia |
Ông Nguyễn Xuân Đạm – Trạm trưởng Trạm khí tượng thủy văn huyện Mù Cang Chải cho biết: Hiện trên địa bàn huyện vẫn đang mưa to và rất to, mưa lớn có thể kéo dài đến hết ngày 6/8. Huyện đang huy động toàn bộ lực lượng trên địa bàn khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, dọn dẹp vệ sinh, thống kê thiệt hại, hỗ trợ ban đầu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định đời sống. Đồng thời tăng cường cảnh báo về tình hình mưa lũ trên loa truyền thanh của huyện để người dân chủ động phòng chống, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người.
Hiện bà Phạm Thị Thanh Trà – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái cùng đoàn công tác đang có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả.
Thời điểm này, thành phố Yên Bái và nhiều nơi trong tỉnh cũng đang có mưa to, mưa mỗi lúc một lớn hơn. Người dân cần chủ động phòng chống, đề cao cảnh giác, đặc biệt ở những nơi ven sông suối, ta luy cao, nền đất yếu.
Tỉnh ủy Yên Bái chỉ đạo khẩn trương triển khai công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Ngày 3/8, Tỉnh ủy Yên Bái có Công văn số 804 gửi Ban cán sự Đảng ủy ban nhân dân tỉnh; các huyện, thị, thành ủy; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh về việc khẩn trương triển khai công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương, Đài khí tượng thủy văn Yên Bái tình hình thời tiết, thủy văn trong mùa mưa, bão năm 2017 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục hướng Tây Bắc - Đông Nam đi qua Bắc bộ, kết hợp với tác động của vùng hội tụ gió trên cao, từ chiều tối 1/8/2017 trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa vừa, mưa to trên diện rộng và dông rải rác, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai có thể xảy ra, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu: 1 - Ban cán sự Đảng ủy ban nhân dân tỉnh: Chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung Công điện hỏa tốc số 997/CĐ-TTg ngày 11/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Bắc bộ; Văn bản số 64/TWPCTT ngày 11/7/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - TKCN về việc khẩn trương triển khai các biện pháp giảm thiểu thiệt hại về người do mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc; Công điện Số 06/CĐ-UBND ngày 12/7/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc chủ động ứng phó mưa lũ. Khẩn trương chỉ đạo rà soát, nghiên cứu có giải pháp trước mắt và lâu dài để di dân ra khỏi vùng đặc biệt nguy hiểm, dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất...; dự báo các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao để có giải pháp khắc phục khẩn cấp, đảm bảo an toàn giao thông, thông tin liên lạc, bảo vệ các công trình hạ tầng, các hồ chứa ..., bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời báo cáo các hiện tượng bất thường của thời tiết để chỉ đạo, ứng phó hiệu quả các tình huống thiên tai xảy ra. Trước mắt, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các huyện bị thiệt hại do mưa, lũ, nhất là với huyện Mù Cang Chải triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của mưa, lũ xảy ra tại huyện Mù Cang Chải vào đêm ngày 02/8 và rạng sáng ngày 03/8/2017, khẩn trương di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm kiểm, cứu nạn những người dân bị lũ cuốn, kịp thời động viên, thăm hỏi, hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định tình hình; đảm bảo giao thông, liên lạc thông suốt. 2- Các huyện, thị, thành ủy chỉ đạo theo dõi sát dự báo tình hình thời tiết tại địa phương mình, tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo thiên tai đến tận cơ sở để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai có thể xảy ra; rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt tại khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; chủ động xây dựng phương án, tăng cường củng cố lực lượng, chuẩn bị tốt phương tiện, nhu yếu phẩm ... theo phương châm "4 tại chỗ” phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai xảy ra; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy khi xảy ra thiên tai. Huyện ủy Mù Cang Chải huy động, tập trung mọi lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với các ngành của tỉnh khắc phục hậu quả mưa, lũ, tiếp tục chủ động các phương án phòng tránh thiên tai, kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. 3- Các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương: Theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn được phân công phụ trách, theo dõi thường xuyên cập nhật thông tin và diễn biến mưa, lũ để chủ động chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và địa phương được phân công phụ trách thực hiện công tác phòng, chống kịp thời, hiệu quả. Chỉ đạo thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo theo quy định. 4- Trong thời gian này, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương hạn chế tổ chức hoặc dự các cuộc họp không cần thiết, mang tính nghi lễ, đi công tác ngoài tỉnh để tập trung đi kiểm tra, nắm bắt tình hình tại cơ sở về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Yêu cầu Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thị, thành ủy và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Theo Báo Yên Bái |
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến mưa lũ và công tác phòng chống, khắc phục hậu quả lũ quét tại tỉnh Yên Bái.
Thanh Ngà