Một vụ hút cát khó hiểu ở Phú Yên

05/04/2017 00:00

  Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên cho hút gần 1,1 triệu m3 cát trên sông Đà Rằng khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

 

Ngày 5-4, trên sông Đà Rằng (hạ lưu sông Ba) tại khu vực phía Đông cầu Đà Rằng cũ đến phía Tây cầu Hùng Vương thuộc TP Tuy Hòa, 10 máy hút cát đang ầm ầm chạy hết công suất để lấy cát san lấp mặt bằng khu đô thị Nam Tuy Hòa do Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên làm chủ đầu tư.

Việc hút cát trên sông Đà Rằng được tiến hành từ tháng 10-2016 nhưng đến 20-3-2017 mới có báo cáo đánh giá tác động môi trường
Việc hút cát trên sông Đà Rằng được tiến hành từ tháng 10-2016 nhưng đến 20-3-2017 mới có báo cáo đánh giá tác động môi trường

Đại công trường trên sông

Vị trí đặt các máy hút cát trên sông cách bờ khoảng 300 m. Mỗi máy hút, đơn vị thi công đã lắp một ống lớn đường kính khoảng 30 cm, hút cả cát lẫn nước sông đổ vào khu vực đang triển khai dự án khu đô thị Nam Tuy Hòa. Tại họng ống, cát và nước sông phun ra xối xả. Một công nhân tại đây cho biết công suất hút của mỗi máy là 1.000 m3 cát/ngày đêm. Như vậy, mỗi ngày đêm, hệ thống hút này sẽ lấy đi của sông Đà Rằng khoảng 10.000 m3.

Ông Hoàng Văn Quốc, Trưởng Văn phòng Đại diện Tổng Công ty Thành Trung tại Phú Yên (đơn vị tổng thầu của dự án), cho biết đơn vị này đã bắt đầu tiến hành hút cát sông Đà Rằng để san lấp mặt bằng cho khu đô thị Nam Tuy Hòa từ cuối tháng 10-2016. Phạm vi hút cát trên sông có chiều rộng 600 m và chiều dài 1.200 m, hút đến độ sâu khoảng 3 m. Ông Quốc cũng thừa nhận công suất mỗi máy hút khoảng 1.000 m3 cát/ngày đêm nhưng trung bình mỗi ngày đơn vị chỉ hút khoảng 5.000 m3 cát. Trong tổng sản lượng gần 1,1 triệu m3 cát san lấp mặt bằng cho dự án, hiện đơn vị thi công đã hút đạt 60%. Dự kiến chưa đến 2 tháng nữa sẽ hoàn thành việc hút cát.

Khi đề cập quy luật của dòng chảy khi lấy cát chỗ này thì sông sẽ lấy cát ở nơi khác bồi đắp lại và dễ làm thay đổi dòng chảy, ông Quốc thừa nhận sông có mang cát ở thượng nguồn và lấp lại. “Tuy nhiên, ảnh hưởng không đáng kể” - ông Quốc nói.

Ông Quốc cho rằng mọi thủ tục để hút cát đều đã được chủ đầu tư là Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên hoàn tất.

Phù phép (!?)

Trong khi đó, ông Lê Văn Thành, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên, lại cho rằng trước khi cho tiến hành hút cát san lấp mặt bằng khu đô thị Nam Tuy Hòa, ban này có công văn hỏi ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Phú Yên thì sở này có cho phép sử dụng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũ trước đây của một dự án khác. “Sử dụng ĐTM ngày xưa chứ làm lại cái mới thì tốn kém mà nó cũng như vậy thôi” - ông Thành nói.

ĐTM ngày xưa mà ông Thành đề cập thuộc dự án “Chống xói lở bờ Nam hạ lưu sông Đà Rằng” do Ban Quản lý dự án thủy lợi Phú Yên làm chủ đầu tư mà bà Trần Thị Hà (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) ký ngày 8-9-2008. Trong khi đó, dự án khu đô thị Nam Tuy Hòa lại do Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên làm chủ đầu tư, được triển khai sau đó đến 8 năm với bao biến thiên trên đoạn sông này.

Nói như ông Thành liệu có ổn? Ông Đào Văn Dục, Trưởng Phòng Khoáng sản (thuộc Sở TN-MT Phú Yên), thừa nhận theo quy định, mỗi dự án như thế này phải có ĐTM riêng. Ông Dục cũng thừa nhận dự án “Chống xói lở bờ Nam hạ lưu sông Đà Rằng” do Ban Quản lý dự án thủy lợi Phú Yên làm chủ đầu tư trước đây không triển khai nên ĐTM của dự án này không còn giá trị, việc áp dụng ĐTM của dự án này cho dự án đang triển khai là có bất cập.

“Lúc đó nghĩ là 1 cái (ĐTM) thôi, vị trí như nhau nên mình làm lại, kế thừa thôi” - ông Dục chia sẻ. Tuy nhiên, qua trao đổi, ông Dục cũng cho rằng diện tích để hút cát của 2 dự án cũng khác nhau và sau 8 năm, nơi hút cát tất nhiên có sự thay đổi.

Đặc biệt, ông Dục thông tin thấy được sự bất cập trên nên Sở TN-MT tỉnh Phú Yên mới yêu cầu chủ đầu tư xây dựng ĐTM cho dự án khu đô thị Nam Tuy Hòa và ĐTM này đã được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 20-3-2017(!).

Một điều khó hiểu khác, trong quyết định phê duyệt ĐTM này lưu ý: “Trường hợp dự án có khai thác khoáng sản, đất, cát làm vật liệu san lấp mặt bằng phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, theo ông Dục, việc khai thác cát để san lấp mặt bằng ở đây lại không được cấp phép. Giải thích về điều này, ông Dục nói vì nơi hút cát trên sông là thuộc dự án khu đô thị Nam Tuy Hòa nên… không cần cấp phép (!?).

 

Đẩy nhanh tiến độ để trả nợ

Ông Lê Văn Thành, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên, cho biết trong giai đoạn 1 của dự án khu đô thị Nam Tuy Hòa sẽ san lấp, đầu tư hạ tầng khoảng 32 ha để xây dựng 10 lô thương mại dịch vụ và 468 lô phố. Dự kiến mở thầu vào tháng 5 tới với giá dự kiến cho toàn bộ số lô này là 780 tỉ đồng. “Vì cần bán để trả nợ trung ương nên tỉnh chỉ đạo gấp rút như vậy” - ông Thành nói.

 

Theo Người Lao Động

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một vụ hút cát khó hiểu ở Phú Yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO