“Mơ xanh” giữa hè

25/04/2019 14:02

(TN&MT) - Khắp cả ba miền của Việt Nam đang hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài. Khu vực phía Bắc, dù chưa vào “chính vụ” nhưng nắng đã như thiêu như đốt. Dễ nhận thấy, ở nhiều khu vực tình trạng nắng nóng kéo dài hơn. Đặc biệt ở vùng trung tâm thành phố (nhiều nhà cao tầng, bêtông...) nhiệt độ ngoài trời cao hơn nhiều so với mức dự báo.

HNM 5816
Việt Nam đang hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài. Ảnh: Hoàng Minh

Đại đô thị và nắng nóng

Ở Việt Nam, hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM trong tương lai gần sẽ trở thành các đại đô thị với dân số lên đến 20 - 30 triệu người. Và chắc chắn, hai đô thị này sẽ tiếp tục phải chịu những hệ quả không mong muốn do những tác động của hiện tượng tiêu cực mà thời tiết nắng nóng gây ra.

Theo một số cuộc khảo sát gần đây, các thành phố lớn của Mỹ ngày càng ấm hơn so với miền quê lân cận. Do mùa hè tại đa phần nước Mỹ luôn luôn nóng nên hiệu ứng đảo nhiệt càng làm cho tình hình tồi tệ hơn. Khi các thành phố tại các nước đang phát triển mở rộng, nhiệt độ cũng tăng theo, gần như không chịu nổi. Ngoài những nguyên nhân do thiên nhiên, con người đã một phần “góp sức” gia tăng nhiệt độ tại các khu vực, đặc biệt là các đô thị. Rừng bị chặt phá, tốc độ xây dựng tại các khu trung tâm đang lấn át và chiếm mất những khoảng xanh cần thiết. Môi trường mất cân bằng, sự nóng nên cũng là lẽ đương nhiên. Và tình hình đó cũng đang diễn ra tại các đô thị ở Việt Nam. Bằng chứng hiện hữu là các đô thị lớn đã trở thành những “chảo lửa” mỗi kỳ nắng nóng cao điểm đến.

Với nhiều đô thị ở Việt Nam, so với các tiêu chuẩn và quy chuẩn, tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, con số này chỉ đạt khoảng 2m2/người, không đạt quy chuẩn và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới. Theo tính toán của các nhà khoa học, khi trồng cây xanh, 2 năm đầu tiên cho 3 - 5m2 cây xanh. Sau 5 năm, có từ 15 - 18m2 và 10 năm là 25 - 30m2 cây xanh. Hà Nội đang thực hiện Chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Ước tính sau 5 năm Hà Nội có ít nhất 15 - 20 triệu m2 cây xanh. Đó là tính theo số học. Còn thực tế, kết quả triển khai sẽ cần phải có những thống kê cụ thể hơn.

Giảm tải cho các khu vực trung tâm

Những bức bách về sự quá tải trên nhiều phương diện đang đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải giảm tải cho các khu vực trung tâm đô thị. Trong đó, có giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa xây dựng lấn chiếm những khu vực đất công cộng, xâm hại đến hệ thống thảm xanh (cây xanh) vốn còn lại ít ỏi ở nhiều đô thị. Đơn cử như Hà Nội, muốn tăng tỷ lệ cây xanh lên 7m2/người, Hà Nội phải “giải tỏa bớt công trình xây dựng” chứ không thể lấy diện tích cây trồng ở Sóc Sơn hay cộng thảm rừng ở Ba Vì để tính diện tích phủ xanh cho quận Đồng Đa, Hai Bà Trưng hay Hoàng Mai… được. Tỷ lệ này phải được tính trên mật độ dân cư và diện tích chiếm đất ngay trên địa bàn.

Tỷ lệ cây xanh của TP.HCM cũng chẳng hơn gì Hà Nội. Thành phố này cũng tìm cách nâng chỉ tiêu cây xanh bằng hướng phát triển hệ thống cây xanh tại 6 quận mới và 5 huyện ngoại thành. Theo quy hoạch công viên cây xanh TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, chỉ tiêu cây xanh khu vực nội thành là 2,4m2/người, khu vực nội thành mở rộng là 7,1m2/người, còn khu vực ngoại thành là 12m2/người. Tuy vậy, mật độ cây xanh công cộng trên địa bàn hiện chưa đạt 2m2/ người, thấp hơn so với tiêu chuẩn quy định. Ghi nhận cho thấy, nhiều quận khu vực trung tâm thành phố có mật độ dân cư cao nhưng thiếu công viên cây xanh như quận 4, quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân... Tại quận Bình Tân, quy hoạch quận này có công viên tập trung thuộc Tiểu khu 3, khu dân cư Bình Trị Đông với tổng diện tích 47ha, tuy vậy, đến nay, công viên này vẫn chưa được xây dựng. Còn tại quận Gò Vấp, Công viên văn hóa Gò Vấp rộng 37ha đã được quy hoạch từ năm 2001 nhưng đến nay, vẫn nằm trên giấy. Điều đó, cũng đồng nghĩa với việc các vùng trung tâm sẽ không còn cơ hội có thêm cây xanh.

Cần những vành đai xanh

Quá trình phát triển, mở rộng các đô thị, tạo lập các đô thị vệ tinh đang đứng trước nguy cơ “vỡ quy hoạch” do việc phát triển thái quá, cấp phép tràn lan các dự án. Theo các nhà quy hoạch, việc phát triển các đô thị vệ tinh sẽ giúp giảm áp lực lên hạ tầng các đô thị cũ (đô thị trung tâm). Và giữa các đô thị này cần có một khoảng cách thích hợp (trong phạm vi từ 30 - 50km), một khoảng "đệm" là vùng xanh sinh thái, tạo nên một vành đai xanh quanh đô thị trung tâm. Vành đai xanh này thường được đề xuất trồng rau, hoa, cây cảnh, phát triển vùng sinh thái, vùng canh tác nông nghiệp hoặc một số làng xóm, nhà vườn (mật độ xây dựng thấp) gắn kết với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh... Từ vành đai xanh sẽ có các nêm cây xanh tỏa sâu vào thành phố trung tâm. Thế nhưng, thực tế, đang diễn ra là một chuỗi các đô thị tự nhiên hình thành theo tất cả các hướng… nằm ngoài dự kiến của các nhà quy hoạch.

Đã có nhiều cảnh báo cho rằng, nguy cơ vành đai xanh không thực hiện được như mong muốn bởi bị mắc kẹt giữa các kế hoạch phát triển manh mún. Nếu vành đai xanh chỉ là một một mầu xanh trên bản vẽ quy hoạch và vài dòng thuyết minh, số phận của nó rất mong manh. Khả năng vành đai này sẽ biến mất sau vài lần điều chỉnh quy hoạch là có thật. Kết quả là "đô thị hạt nhân" và các "đô thị xung quanh" sẽ không còn khoảng "đệm" là vùng xanh sinh thái chỉ là những vùng xen kẽ, rồi sẽ tự dính lại với nhau.

Vào thời kỳ nắng nóng, mới thấy, màu xanh cho các đô thị quý giá vô cùng. Thế nhưng, dường như những vành đai xanh lên kết các vùng đô thị ở Việt Nam đang rất mong manh. Bởi lẽ, quá trình chuyển đổi những thửa ruộng manh mún, cằn cỗi thành những tổ hợp sản xuất quy mô hiện đại diễn ra khó khăn, phức tạp hơn nhiều cái quy trình lập dự án san nền chia lô, bán nhà liền kế hoặc xây chung cư cao tầng để bán non căn hộ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những ngày trung tuần tháng 4, nắng nóng đã xảy ra diện rộng ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35 - 38oC, riêng khu Tây Bắc Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên phổ biến 37 - 40oC, có nơi trên 40oC như: Mường La (Sơn La) 42.2oC, Phù Yên (Sơn La) 41.7oC, Tương Dương (Nghệ An) 41.4oC Hương Khê (Hà Tĩnh) 41.5oC, Đồng Hới (Quảng Bình) 40.4oC, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 40.8oC, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 40.2oC. Tại Hà Nội, dù mới bắt đầu bước sang mùa hè, nhưng nắng nóng đã hiện rõ và khốc liệt hơn. Nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35 - 38oC. Thời gian có nhiệt độ trên 35oC từ 11 - 16 giờ.
Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Mơ xanh” giữa hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO