Tham dự còn có 2 đơn vị thực hiện việc kết nối của 2 Bộ là Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Thuế; đại diện các cơ quan có liên quan của 8 tỉnh, thành thực hiện việc liên thông điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai là: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Dương và đại diện một số tỉnh, thành chuẩn bị triển khai liên thông.
Hiệu quả thiết thực
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, năm 2015, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và một số địa phương triển khai thí điểm mô hìnhkết nối liên thông điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai. Sau 3 năm triển khai đã cho thấy nhiều kết quả tích cực của mô hình như: thời gian giải quyết hồ sơ giảm từ 5 ngày xuống 3 ngày khi giải quyết các hồ sơ về đăng ký đất đai khi liên thông giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai; tạo tiền đề cho sự phối hợp giữa 2 cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết thủ tục hành chính…
Theo Báo cáo Tổng kết thí điểm, thực hiện các nhiệm vụ được giao của Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, từ năm 2015, Bộ TN&MT và Bộ Tài chính đã phối hợp triển khai thực hiện kết nối liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp GCN, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất của các hộ gia đình, cá nhân.
Thực tế, từ trước năm 2005, ngành TN&MT và ngành tài chính chưa có cơ chế một cửa liên thông, người sử dụng đất phải nộp 2 bộ hồ sơ cho cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế khi thực hiện thủ tục đăng ký. Tới ngày 18/4/2005, liên Bộ TN&MT và Bộ Tài chính đã phối hợp ban hành thông tư 30 quy định việc luân chuyển hồ sơ của người sử dụng đất giữa 2 cơ quan và chỉ phải nộp 1 bộ. Song việc thực hiện luân chuyển mới chỉ là thủ công, chưa có sự kiểm tra kết nối các thông tin có liên quan tới hồ sơ thửa đất và người nộp thuế nên còn mất nhiều thời gian, kinh phí nhân lực.
Để khắc phục vấn đề này, ngày 20/3/2015, Bộ Tài Chính đã có Công văn số 3690 gửi Bộ TN&MT về việc phối hợp chỉ đạo trao đổi thông tin giữa 2 cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên môi trường. Liên Bộ đã giao Tổng cục Quản lý đất đai và Tổng cục Thuế phối hợp thực hiện. Đồng thời, thí điểm tại 8 địa bàn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Dương.
Về loại hồ sơ, thí điểm việc trao đổi thông tin theo hình thức điện tử với các hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của cá nhân, hộ gia đình; đơn vị triển khai gồm: các Cục thuế, Chi cục thuế trực thuộc; Văn phòng đăng ký đất đai và các chi nhánh ở các địa phương thí điểm. Mục tiêu là triển khai thí điểm việc kết nối trao đổi thông tin điện tử giữa các Văn phòng đất đai và cơ quan thuế, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính và tạo sự hải lòng đối với người dân; tiết kiệm tài nguyên và nhân lực xử lý hồ sơ; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý đát đai và các khoản thu liên quan đến đất và tạo tiền đề cho việc xây dựng Chính phủ điện tử trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Theo đó, 2 đơn vị được giao thực hiện đã xây dựng các quy chế phối hợp; liên Bộ đã ban hành Thông tư liên tịch về hồ sơ và trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất; xây dựng và triển khai các ứng dụng nghiệp vụ quản lý của mỗi bên và ứng dụng kết nối trao đổi thông tin.
Qua 3 năm thực hiện, tại 8 tỉnh, thành phố cho thấy nhiều kết quả khả quan, cụ thể, một số tỉnh đã hoàn thành việc triển khai trên toàn địa bàn với tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết bằng phương thức trao đổi thông tin điện tử liên thông cao như: Bình Dương 9/9 quận, huyện với tổng số hồ sơ trao đổi là 65,3% và 82,95 trong số đó được trả kết quả điện tử (do một số hồ sơ có tính phức tạp nhận điện tử nhưng trả kết quả bằng giấy); Đà Nẵng 7/8 quận huyện với tổng số hồ sơ 58,61% và 98,40% được trả kết quả điện tử; Trà Vinh 9/9 quận huyện với tổng số hồ sơ là 74,43% và 99,95% trong số đó trả kết quả điện tử…
Hiện nay, đã có một số tỉnh thành phố đề nghị được hỗ trợ triển khai mô hình liên thông điện tử giữa 2 cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai là: Đồng Tháp, Long An, An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Huế, Cà Mau, Đắk Lắk, Tiền Giang và Phú Yên.
Qua triển khai mô hình thí điểm tại các địa phương cũng cho thấy nhiều hiệu quả về thời gian cũng như công tác quản lý Nhà nước. Đơn cử, thời gian giải quyết hồ sơ giảm từ 5 ngày xuống 3 ngày; thay đổi căn bản quy trình, nghiệp vụ trao đổi thông tin khi xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai giữa 2 cơ quan; nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác về giải quyết thủ tục hành chính chính về đất đai cho người sử dụng đất; hỗ trợ tạo thuận lợi cho cán bộ xử lý hồ sơ liên quan tới thủ tục hành chính. Ngoài ra, về mặt xã hội, tạo sử minh bạch, thân thiện, phục vụ, đổi mới.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được cũng còn một số vướng mắc trong quá trình phối hợp giữa 2 cơ quan, cụ thể về một số quy định và thủ tục hồ sơ; về đầu mối kết nối trao đổi thông tin của cơ quan đăng lý đất đai và cơ quan thuế; về ứng dụng nghiệp vụ và hướng dẫn sử dụng; về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật; cơ sở dữ liệu; tài chính.
Rà soát, sửa đổi theo hướng đơn giản, công khai, cắt giảm chi phí
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo về việc triển khai, hiệu quả và khó khăn của mô hình của Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Thuế và của một số địa phương. Qua đó, đã thảo luận nhằm tháo gỡ vướng mắc, tìm giải pháp để triển khai, mở rộng mô hình này.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, công tác kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan Thuế và cơ quan Đăng ký đất đai là một bước đột phá cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định, để đảm bảo đạt được mục tiêu: giảm thời gian Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản xuống còn 20 ngày; bãi bỏ hồ sơ không cần thiết, đơn giản hóa nội dung hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục, thực hiện kết nối điện tử liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, GCN với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan nhằm xây dựng một hệ thống thông tin đất đai hiện đại, sẵn sàng kết nối và chia sẻ thông tin với các cấp, các ngành, đặc biệt là phục vụ ngành thuế trong việc thu ngân sách Nhà nước; đủ năng lực để cung cấp tốt nhất dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân; góp phần đẩy nhanh quá trình cải cách các thủ tục hành chính về đất đai ở địa phương, đảm bảo tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ điều chỉnh các cơ chế chính sách liên quan đến bố trí kinh phí cho hệ thống cơ quan Đăng ký đất đai hoạt động đúng theo yêu cầu nhiệm vụ như đề xuất của Tổng cục Quản lý đất đai; Giao Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp Tổng cục Quản lý đất đai nghiên cứu xây dựng hệ thống trao đổi thông tin để đảm bảo cả 2 cơ quan đều nắm được tình hình thực hiện thủ tục hành chính về đất đai khi xác định nghĩa vụ tài chính. Kiến nghị sửa đổi các quy định để từng bước xác định được cụ thể số liệu nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp… góp phần làm tăng nguồn thu cho ngân sách đồng thời làm cơ sở kiến nghị Chính phủ điều chỉnh các cơ chế chính sách liên quan đến bố trí kinh phí; Cung cấp thông số, cấu hình, tài khoản và thống nhất với Tổng cục quản lý đất đai về các giải pháp cho việc kết nối; đồng thời phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cả 2 ngành.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng giao Tổng cục Quản lý đất đai tiếp tục phối hợp với Tổng cục Thuế thực hiện rà soát và kiến nghị sửa đổi các quy định về liên thông, kết nối điện tử trong thủ tục hành chính về cấp GCN, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai (kể cả tổ chức và hộ gia đình, cá nhân). Hai Tổng cục chủ động sửa đổi quy chế phối hợp mẫu giữa cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và cơ quan quản lý nhà nước về thuế để đảm bảo các thủ tục hành chính ngày càng được kiểm soát chặt chẽ và cải cách theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, cắt giảm chi phí, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng chữ ký số để đảm bảo tính pháp lý trong quá trình trao đổi thông tin.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị căn cứ điều kiện thực tế địa phương, xây dựng và ban hành quy trình luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất theo hướng dẫn tại Thông tư số 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT ngày 22 tháng 6 năm 2016.Quan tâm đầu tư trụ sở làm việc và kho lưu trữ tài liệu cho Văn phòng đăng ký đất đai; Phê duyệt kế hoạch và bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh để đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai. Trường hợp chưa được đầu tư thì cho phép thực hiện triển khai hình thức thuê doanh nghiệp CNTT thực hiện dịch vụ cho thuê từng phần hoặc thuê trọn gói, bao gồm: phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp... theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP để đảm bảo khẩn trương triển khai các giải pháp kết nối trao đổi thông tin với cơ quan Thuế;
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị các Sở TN&MT, xây dựng kế hoạch và trình UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị, chữ ký số, đường truyền, cài đặt, đào tạo vận hành phần mềm liên thông thuế và bảo trì khắc phục các lỗi phát sinh trong quá trình thực hiện. Chỉ đạo cụ thể Văn phòng Đăng ký đất đai và thường xuyên theo dõi giám sát quá trình triển khai kết nối trao đổi thông tin theo hình thức điện tử, kịp thời báo cáo và đưa ra giải pháp hỗ trợ các cơ quan trực tiếp triển khai tránh tình trạng các vướng mắc, khó khăn, tồn tại kéo dài gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai. Trường hợp cần thiết Sở và Cục Thuế phối hợp trình UBND tỉnh thành lập Tổ chỉ đạo hoặc Tổ triển khai kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan Thuế và cơ quan Tài nguyên môi trường tại địa phương.