Cơn lốc khai khoáng đi qua cuốn theo tài nguyên, mang về lợi ích cho doanh nghiệp, nhưng để lại hậu quả nặng nề về môi trường, kế sinh nhai và cả nỗi đau dành cho người dân.
Thiếu hay yếu kém trong quy hoạch khai thác khoáng sản ở các địa phương đã khiến rừng bị tàn phá, đồi núi bị đào khoét nham nhở và nhiều sông suối bị bồi lấp. Nhiều đơn vị khai thác khoáng chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt đã liên tục đào, khoét sâu và lòng núi và để lại nhiều hang động nhân tạo với nguy cơ đổ sập rất cao.
Tại những nơi có cấu tạo địa chất yếu, những hang núi nhân tạo này có thể bị sập bất cứ khi nào trong mùa mưa lũ, tạo nên những trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng. Nghiêm trọng hơn, nhiều doanh nghiệp do muốn tiết kiếm chi phí nên sẵn sàng xả thải hay đổ chất thải rắn tại chỗ xuống sông suối gây ách tắc dòng chảy. Khi gặp lũ lớn, một lượng lớn đất đá bị dòng nước lũ cuốn phăng xuống hạ lưu làm bồi lấp nhà cửa và đất canh tác của người dân sinh sống gần sông suối.
Mâu thuẫn đã xảy ra giữa những tính toán lợi nhuận và đầu tư bảo vệ môi trường. Trong khi Luật Bảo vệ môi trường; Điều 30 Luật Khoáng sản; Điều 4, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định mọi tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Quy định là vậy nhưng nhiều chủ mỏ vẫn cố tình chây ì, trốn tránh trách nhiệm sau khi đã khai thác hết trữ lượng khoáng sản trong phạm vi đã được cấp có thẩm quyền cho phép. Nguyên nhân là do trong khai thác khoáng sản đòi hỏi mức đầu tư cao hơn mới có thể bảo vệ môi trường, đó là lý do chính để các nhà đầu tư tìm mọi cách lẩn tránh các chi phí này. Đây là “ăn quỵt” môi trường. Nếu cơ quan quản lý không “vững tay” mà bỏ qua, đó là thiếu trách nhiệm. Nếu tham gia luôn vào bộ máy ấy, đó là thiếu đạo đức.
Trên thực tế, các nền kinh tế được hậu thuẫn bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như Việt Nam lại có xu hướng phát triển chậm hơn so với các nền kinh tế ở các quốc gia khác. Đây được xem là một hạn chế mà nguyên nhân được cho là do thiếu minh bạch về nguồn thu từ tài nguyên được khai thác cũng như các khoản chi trả phí sản xuất.
Chúng ta chứng kiến hàng loạt dự án lớn khai thác khoáng sản được triển khai rầm rộ suốt thời gian qua như than, sắt, titan… Khai thác ngày càng mở rộng trong khi quản lý lại bó hẹp ở các quy định còn lỏng lẻo. Khoáng sản là tài nguyên quốc gia, nhưng thực tế, nó chỉ chủ yếu mang lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư nắm dự án. Ở phương diện trái ngược, khai thác khoáng sản bừa bãi lại làm tăng tỷ lệ nghèo đói ở nhiều địa phương.
Tác động quan trọng của việc khai thác khoáng sản quy mô lớn lên cộng đồng địa phương là sự thay đổi nhanh kết cấu của xã hội về mặt kinh tế - xã hội. Các hình thức đói nghèo mới được thiết lập với sự kết hợp giữa “cư dân gốc” vốn không được chia sẻ trong cơ hội việc làm và những “người mới đến” đang thất vọng trước cơ hội tìm kiếm một công việc. Chính từ đó mà các tệ nạn xã hội nảy sinh thêm.
Với những quốc gia nghèo, nguồn lực tri thức còn hạn chế, chưa sở hữu những bản quyền công nghệ tiên tiến, nội lực tài chính hạn hẹp, tài nguyên thiên nhiên trở thành một trong những chỗ dựa quan trọng trong cuộc đua tăng trưởng kinh tế. Dựa vào khai thác tài nguyên để tạo động lực phát triển có thể hiểu được ở tầm ngắn hạn.
Liệu những quốc gia như Việt Nam có thể đạt đến mục tiêu “phát triển bền vững” về dài hạn hay không khi phải phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên? Có những lựa chọn nào cho phát triển nếu muốn bảo đảm nguyên tắc “bảo vệ thiên nhiên” trong hành trình phát triển bền vững?
Hay mục tiêu “phát triển bền vững” là quá xa vời đối với những quốc gia giàu tài nguyên nhưng nền kinh tế còn nghèo nàn?