Tại buổi làm việc, Tiến sỹ Philipp Rosler cho biết, tham gia Đoàn công tác có đại diện 18 doanh nghiệp là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của nhiều Công ty, Quỹ đầu tư, Quỹ khởi nghiệp lớn và uy tín của Thụy Sỹ và Đức. Vì vậy, Đoàn công tác mong muốn, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ thông tin để hai bên có thể tìm hiểu, trao đổi thông tin về chính sách, nhu cầu, tiềm năng và cơ hội để các doanh nghiệp của Thụy Sỹ và Đức có thể đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trao đổi với đoàn công tác, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, với việc Thủ tướng Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào 2050, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã khẩn trương triển khai các cam kết tại COP26; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ chuyển đổi năng lượng với năng lượng tái tạo.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò cơ quan tham mưu và điều phối của Chính phủ thực hiện các cam kết COP26 đang khẩn trương xây dựng lộ trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 cho các ngành như nông nghiệp, giao thông vận tải và sử dụng đất đồng thời tăng tỷ lệ hấp thu các-bon của rừng; thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đối với tàu biển hoạt động trên tuyến quốc tế, phi các-bon hóa vận tải biển và triển khai phương tiện giao thông không phát thải, giảm phát thải khí mê-tan trong trồng trọt, chăn nuôi, xử lý chất thải.
Đây là những tiềm năng và cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài có thể cân nhắc, tính toán và quyết định việc đầu tư trong thời gian tới. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, khủng hoảng khí hậu và nhiên liệu hóa thạch mang lại cơ hội để phát triển mới bằng cách chuyển đổi mô hình phát triển, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió và các nhiên liệu xanh khác. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” thì vai trò của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp hết sức quan trọng.
Việt Nam đã khẳng định phát triển kinh tế tuần hoàn là trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030, là một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết cuộc khủng khoảng khí hậu và ô nhiễm môi trường hiện nay. Điều này đã được thể hiện trong Luật BVMT 2020 và hệ thống văn bản hướng dẫn (Nghị định). Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong đó, giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong việc xây dựng, ban hành khung hướng dẫn thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Cùng với các chính sách chuyển đổi năng lượng, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn cũng sẽ là cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp nói chung trong thời gian tới. Bộ trưởng mong muốn và hy vọng ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam, tìm hiểu cơ hội đầu tư và làm ăn thành công ở Việt Nam để đóng góp vào các mục tiêu chung về phát triển bền vững kinh tế xã hội và các mục tiêu liên quan về môi trường và khí hậu của Việt Nam.