Mưa lớn kéo dài trong 2 ngày nay khiến nhiều diện tích hoa màu của bà con nông dân Quảng Nam bị ngập úng, hư hỏng. Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 19.748 ha hoa màu bị đổ ngã, ngập, chưa đánh giá mức độ thiệt hại. Trong đó, 5.495ha rau màu các loại bị ngập, chưa đánh giá mức độ thiệt hại. Đáng chú ý, có 14.253 ha lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022 đang trong giai đoạn trổ đòng và bắt đầu chín bị ngã đổ, thiệt hại nặng.
Trong đó, huyện Thăng Bình 5.000 ha, thị xã Điện Bàn (2.749 ha, huyện Quế Sơn 2.600 ha) và huyện Núi Thành 1.500 ha là các địa phương có diện tích lúa bị ảnh hưởng nặng nhất. Tại nhiều vựa đậu phộng, bắp ngắn ngày, người dân tranh thủ “đội mưa” nhổ để tránh bị nảy mầm do ngâm nước
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong 24 giờ qua, các địa phương trong tỉnh có mưa to đến mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi trên 200mm như trạm thủy văn Giao Thủy (Duy Xuyên) 212 mm, đo mưa Thăng Bình (Thăng Bình) 208mm, trạm khí tượng Tam Kỳ (Tam Kỳ) 210mm, đo mưa Núi Thành (Núi Thành) 225 mm.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, trong 24h qua (tính từ 9h ngày 31/3 đến 9h ngày 1/4), khu vực tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm, một số nơi có lượng mưa cao hơn như Trà Phú (Trà Bồng), TP. Quảng Ngãi có lượng từ 250 -280 mm.
Đợt mưa bất thường cũng khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp đã bị ngập úng, ngã đổ, thiệt hại. Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn những ngày qua đã làm cho khoảng 4.500 hecta lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022 tại các địa phương như: Huyện Bình Sơn, thị xã Đức Phổ, huyện Mộ Đức… bị ngã đổ, ngập nước và hàng trăm hécta rau màu, dưa hấu bị hư hại. Trong đó, riêng huyện Bình Sơn có trên 1.130 hécta lúa ngập úng, hư hỏng, nhiều diện tích bị ngã rạp hoàn toàn và ngập trong nước.
Con số thiệt hại vẫn đang tiếp tục được cập nhật. Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo khẩn trương huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng lúa, không để ruộng bị ngâm nước nhiều ngày nhằm hạn chế lúa bị mọc mầm và nấm gây bệnh. Đối với diện tích lúa bị đổ ngã đã chín hoàn toàn, đến kỳ thu hoạch thì cần tháo nước mặt ruộng, khẩn trương thu hoạch với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Cùng ngày, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký ban hành văn bản hỏa tốc về việc tổ chức các biện pháp ứng phó với gió mạnh trên biển và khắc phục thiệt hại do mưa lớn.
Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảng vụ hàng hải, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển, đảo: Cấm tất cả các tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả tuyến vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 15h ngày 1/4 cho đến khi thời tiết ổn định.
Kêu gọi, hướng dẫn các tàu, thuyền, lồng bè di chuyển về nơi neo đậu và tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các khu neo đậu. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn. Hoàn thành trước 18h ngày 1/4
Thống kê, kiểm đếm các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển; duy trì thông tin liên lạc với các chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu, thuyền; thông báo, hướng dẫn cho người dân nuôi trồng thủy hải sản ven biển các biện pháp bảo vệ sản xuất đảm bảo an toàn.
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ ngày hôm nay (1/4) ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.