Miền Trung hồi sinh

Văn Dinh - Xuân Lam| 13/02/2021 17:04

(TN&MT) - Miền Trung - mảnh đất vốn bình yên, nghèo khó nhưng cũng là vùng đất “trời hành”. Điệp khúc “mưa về - bão tới - lũ dâng” vốn dĩ đã quá quen thuộc với người dân nơi đây và họ xem đó như là thử thách lòng kiên nhẫn... Lũ dữ quét qua, những xóm làng xanh ngát bỗng điêu tàn... Nhưng, lũ có to đến mấy cũng không xóa được giấc mơ và sức vươn mạnh mẽ của lớp lớp thế hệ người miền Trung.

Hồi sinh sau lũ dữ

Mưa dồn dập, trắng trời quê hương. Mưa điên cuồng và phá phách. Những dòng nước lũ đỏ bầm, hung dữ khiến con người miền Trung thắt ruột lo âu. Chốc lát, tất cả chìm trong biển nước. Nước mắt kéo dài...

Trời hửng nắng đầu Xuân, tiếng nô đùa của trẻ nhỏ làm xua tan đi bầu không khí u ám của những ký ức không mấy vui vẻ trên. Trường Mầm non Đông Phú (xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nằm ở vùng thấp trũng nên trường luôn chịu cảnh ngập nước mỗi khi có mưa to.

 

Cơn lũ lịch sử vào tháng 10/2020 đi qua làm hư hỏng nhiều căn phòng và cuốn trôi nhiều học cụ của trường. Bùn đất đóng lớp dày trên nền phòng học và sân trường; tường hoen mốc... Cô trò ở đây đều bàng hoàng bởi chưa khi nào lại xuất hiện lũ lớn như vậy, trường vốn khó khăn nay lại “ngặt nghèo” hơn.

Cô Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Phú cho hay, lúc lũ ập tới, nước dâng lên đến hơn 2 m, ngập sâu nhiều căn phòng trong suốt cả tuần lễ. Gần như các giáo viên cũng không ngủ để vừa chạy lũ ở nhà mình vừa ngóng tình hình nước lên ở trường. Ngay sau khi lũ rút, nhiều tổ chức và cá nhân tìm đến hỗ trợ nhà trường khắc phục hậu quả. Giờ đây, các phòng học được sơn sửa khang trang; bàn ghế, đồ chơi cho học sinh cũng được trang bị đầy đủ, phục vụ việc dạy và học của nhà trường. “Vốn dĩ trường đã thiếu thốn nhiều thứ, nhưng những khó khăn đã tạm thời trôi qua nhờ sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Giờ đây chúng tôi phải nỗ lực, cố gắng để tiếp tục sự nghiệp trồng người...”, cô Nhung chia sẻ.

Mưa gào gió thét, đôi bàn tay trắng sau thiên tai, Phú Mậu - “vựa” rau màu và “vựa” hoa lớn nhất của huyện Phú Vang thiệt hại nặng nề do những trận bão, lũ liên tiếp vừa qua.

Toàn bộ 30 ha rau màu và 10 ha hoa “tan nát”. Với tinh thần nỗ lực để khôi phục và phát triển sản xuất, bây giờ, rau màu đã phủ xanh diện tích 25 ha. Các loại hoa tươi, hoa giấy phục vụ Tết cũng được mọi nhà khẩn trương vun trồng... Người dân đang tập trung sức lực để kịp đưa sản phẩm ra thị trường. Là nguồn thu nhập trong dịp Tết, năm nay bà con đặc biệt chăm chút hơn, để bù lại những thiệt hại do thiên tai trong thời gian qua.

Học sinh Trà Vân đến trường sau sạt lở kinh hoàng

Một miền đất cố đô khác, Hương An được mệnh danh là “thủ phủ” hành lá của tỉnh Thừa Thiên - Huế với khoảng hơn 90 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 2.000 tấn hành lá. Tuy nhiên, các đợt mưa lũ đã khiến khoảng 75 ha mất trắng.

Sau thiên tai, giờ đây trên những cánh đồng ở Hương An, bà con đang tất bật làm đất, gieo hạt. Đây đó, màu xanh của rau đang dần thay thế hình ảnh thiệt hại do lũ cách đây chưa lâu. Hợp tác xã nông nghiệp Hương An đã lập tức bỏ kinh phí tiến hành tu sửa tạm thời các đoạn kênh mương, tái sản xuất bằng các giống rau ngắn ngày như cải, xà lách, ngò, đậu cô ve, mướp đắng để ra Tết thu hoạch.

“Nước vừa rút là chúng tôi gieo hạt các loại rau màu. Thời tiết này rất thuận lợi để cây phát triển, hy vọng ít lâu nữa sẽ có lứa rau đầu tiên...”, một người dân xã Phú Mậu chia sẻ.

Dìu nhau qua gian khó

Sau vụ sạt lở kinh hoàng vào những ngày tháng 10 năm trước, 38 hộ dân nóc Tăk Lang (thôn 1, xã Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) được di dời đến nơi ở mới, được bà con trong thôn nhường đất để các hộ dựng nhà tạm. Trong khó khăn bộn bề, người dân nương tựa nhau qua cơn khốn khó.

Chủ tịch xã Trà Don, ông Trần Vĩnh Thơ kể: Nhà cửa hầu như bị vùi lấp sau sạt lở, dân làng nóc Tắk Lang trắng tay chỉ biết nhìn nhau mà khóc. Nhận được tin, dân làng thôn 1 và các thôn xung quanh không ai bảo ai hô hào nhau chung tay cùng sẻ chia khó khăn, cưu mang giúp đỡ bà con gặp nạn. Chỉ trong vài ngày, những bà con mất nhà cửa, tài sản đã được dân làng đùm bọc, không ai bị đói rét, thiếu cái ăn, cái mặc. Những căn nhà tạm nhanh chóng được dựng lên tại các địa điểm an toàn trên nền đất của các gia đình khác hiến tặng.

Người dân Phú Mậu chăm sóc hoa cho kịp Tết

Từ Trà Don, vòng qua nóc Ông Sinh (thôn 1, xã Trà Vân) - nơi bị xóa sổ bởi trận sạt lở kinh hoàng mấy tháng trước, khiến 8 người chết, người dân còn lại được di dời về mặt bằng cách nền đất cũ khoảng 200 m. Chính quyền huyện Nam Trà My đang huy động máy móc, phương tiện khẩn trương san ủi, tạo mặt bằng để dân làng làm nhà mới, kiên cố để ổn định cuộc sống. Việc tạo mặt bằng, dựng nhà đang chạy đua để người dân kịp đón Tết.

Nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) là tâm điểm thiệt hại khi bão số 9 đổ bộ vào ngày 28/10. Hai tháng sau trận lở núi kinh hoàng, 9 thi thể người dân đã được tìm thấy, nhưng còn 13 người, trong đó, có Bí thư xã Trà Leng - ông Lê Hoàng Việt vẫn bặt sâu trong lòng đất. Tuyến đường lên trung tâm xã Trà Leng bị đứt gãy tại vị trí nóc Ông Đề đã được thông, nhưng dấu vết trận sạt lở kinh hoàng còn đó. Trên nền đất cũ của 15 hộ gia đình, những chân nhang chạy dài dọc các phiến đá lớn, buồn thăm thẳm.

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: Sau thiên tai khiến cho hàng chục hộ dân xã Trà Leng bị vùi lấp, cuốn trôi nhà cửa cùng tài sản, UBND huyện đã tiến hành khảo sát chọn địa điểm để lập khu tái định cư cho bà con. Đến nay, huyện đã chọn được vị trí bãi đất an toàn với diện tích 6 ha. Điều khá bất ngờ là phần diện tích 6 ha tái định cư cho người dân Trà Leng lại thuộc địa phận xã Trà Dơn.

Sau cơn mưa trời lại sáng. Người Trà Leng lại sốc dậy, khơi trên nền đất tang thương hôm nào những mầm sống thân thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung hồi sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO