“Cát tặc đại náo” sông Hương
Thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ ở nhiều địa phương miền Trung, tại Thừa Thiên Huế, sau một thời gian tạm lắng thì từ Tết Kỷ Hợi đến nay, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tiếp tục tái diễn dọc dòng sông Hương thơ mộng, dù cơ quan chức năng đã nghiêm cấm.
Theo quan sát của PV Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường trong những ngày này, sông Hương chảy qua thị xã Hương Trà như khu vực đối diện bãi bồi Lương Quán (phường Hương Hồ); khu vực từ điện Hòn Chén đến khu vực mỏ đá Ga Lôi; khu vực ngã ba Tuần đến lăng Minh Mạng (xã Hương Thọ)...; hay ở xã Thủy Bằng, Dương Hòa (thị xã Hương Thủy), xã Phú Mậu (huyện Phú Vang), phường Thủy Biều (TP. Huế)... có rất nhiều sà lan, thuyền trốn tránh các cơ quan chức năng để hút cát, sỏi trái phép khiến người dân sống ven bờ rất bức xúc.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dù đã chỉ đạo, các lực lượng chức năng và địa phương tăng cường tuần tra dẹp nạn “cát tặc”. Tuy nhiên khi chính quyền mạnh tay hơn vào ban ngày, các đối tượng khai thác cát trộm lại chuyển sang hoạt động vào ban đêm.
Có mặt vào một đêm khuya đầu tháng 4 ở thượng nguồn sông Hương, sự yên ắng, thơ mộng của dòng sông không còn mà thay vào đó là rất nhiều tàu thuyền lớn, nhỏ “dàn trận”, âm thành ầm ĩ vang dội cả một vùng. Qua quan sát từ xa, “cát tặc” đưa “vòi rồng” xuống đáy sông, cho máy chạy rồi hút những khối cát đưa lên khoang thuyền. Những ống hút cát thọc sâu xuống lòng sông Hương đã làm biến dạng dòng chảy, gây sạt lở nhiều nơi. Sau khi “no” cát, những chiếc tàu này nhanh chóng theo dòng nước chạy về xuôi, nhường chỗ cho tàu khác. “Công trường” hoạt động xuyên đêm khiến sông Hương đục ngầu, ô nhiễm.
“Trước đây chỉ thỉnh thoảng mới thấy thuyền hút cát trộm và nếu người dân hô to trên bờ là chúng cho thuyền di chỗ khác. Nhưng thời gian gần đây, việc khai thác cát nhiều hơn, mỗi đêm trên sông Hương đoạn gần nhà tôi có khoảng 3-4 thuyền hút trộm. Không hiểu vì sao đợt này chúng lại khai thác rầm rộ và hung hãn như vậy. Vườn tược sạt lở hết...”, bà Trần Thị Lê (thôn Trung Thượng, phường Thủy Biều) chia sẻ.
Dòng Thu Bồn không bình yên
Còn tại Quảng Nam, thời gian qua, theo dọc dòng sông Thu Bồn đoạn chảy qua huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn, cát tặc vẫn lén lút hoạt động liên tục về đâm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Người dân thôn Bến Đền Đông, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn đã rất bức xúc về tình trạng khai thác cát trái phép ở bãi sông Thu Bồn (đoạn chảy qua thôn này) khiến đất sản xuất của người dân bị sạt lở nghiêm trọng.
Việc khai thác cát trái phép ở đây diễn ra đã lâu ngày lại rất tinh vi. Nếu như trước đây cát tặc khai thác cả ban ngày thì hiện nay lại chú trọng hoạt động vào ban đêm để tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện. Theo đó, các xe tải ban ngày tản ra các nơi, ban đêm tầm chừng 20 giờ cho tới gần sáng hôm sau, các xe này lại ra bãi bồi ven sông Thu Bồn (đoạn chảy qua thôn Bến Đền Đông) để khai thác cát trái phép.
Được biết, dù chính quyền xã cũng như người dân cương quyết không cho khai thác cát nhưng các đối tượng lợi dụng khai thác vào ban đêm, đặc biệt là giữa khuya tầm từ 23 giờ đến 2-3 giờ sáng. Trước đây, ven sông Thu Bồn có các đồi cát có thể xem là kè chắn lũ nhưng hiện tại đã bị các đối tượng khai thác cát trái phép lấy đi.
Trung tá Vũ Đình Quang - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an Thị xã Điện Bàn cho biết, trong gần 1 tháng qua, lực lượng Đội Cảnh sát Kinh tế đã phối hợp với Phòng Tài nguyên & Môi trường thị xã Điện Bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát trên sông Thu Bồn, Vĩnh Điện nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép. Qua đó, lực lượng đã phát hiện, bắt giữ hàng chục phương tiện khai thác cát trái phép trên sông.
Cương quyết dẹp nạn “cát tặc”
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép trên sông Hương. Tuy nhiên, qua vụ việc lần này một lần nữa cho thấy các đối tượng rất manh động, cố tình khai thác cát trái phép bằng nhiều hình thức làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo của tỉnh. “Chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan xử lý nghiêm các đối tượng gây trọng thương cho dân, đồng thời tiếp tục chỉ đạo xử lý mạnh với tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn...” - ông Thọ khẳng định.
Ông Hồ Đắc Trường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, xử lý triệt để nạn khai thác cát sỏi là nhiệm vụ hết sức nặng nề và đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, lâu dài. “Ngoài việc xử lý vi phạm, chúng tôi đang đề xuất UBND tỉnh mở rộng mô hình khai thác cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho các hộ có phương tiện làm nghề khai thác cát sạn lòng sông có thu nhập chính đáng, tránh khai thác trái phép. Bên cạnh đó, tạo việc làm mới, chuyển đổi ngành nghề là cần thiết nhằm đảm bảo người dân có thu nhập ổn định, không tham gia khai thác cát sạn trái phép. Chúng tôi đang kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, TP. Huế thống kê, xây dựng phương án chuyển đổi nghề cho các hộ có nhu cầu...” - ông Trường thông tin.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết đã ký văn bản yêu cầu Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp công an tỉnh, Sở GTVT, Cục Thuế và chính quyền các địa phương (Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn) kiểm tra, làm rõ các hành vi bảo kê, bao che, tiếp tay (nếu có) của cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang trong việc sử dụng, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Các trường hợp khai thác cát trái phép phải xử lý nghiêm. Các ghe, thuyền không đăng ký, đăng kiểm; các thuyền gắn máy hút cát, sỏi, sạn và vận chuyển ngoài giờ quy định cần xử lý kiên quyết.