Mê đắm những đường cong

13/02/2018 14:19

(TN&MT) - Những dãy ruộng bậc thang trải dài đẹp tựa như bức tranh lụa thêu. Không một cánh đồng, không một thửa ruộng nào lại uốn lượn, hùng vỹ, trùng trùng...

(TN&MT) - Những dãy ruộng bậc thang trải dài đẹp tựa như bức tranh lụa thêu. Không một cánh đồng, không một thửa ruộng nào lại uốn lượn, hùng vỹ, trùng trùng bất tận như ruộng bậc thang Tây Bắc.
TNMT Mê đắm những đường cong
Ruộng bậc thang ở Lai Châu
Bản hùng ca vỡ đất

Có thể nói, lịch sử hình thành ruộng bậc thang gắn liền với lịch sử và văn hóa cư trú của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Nếu như thiên nhiên ưu ái ban tặng cho người dân tộc Thái Tây Bắc với những cánh đồng rộng lớn “Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Than, Tứ Tấc”, khó khăn lại gấp bội khi những người Mông, người Dao, Hà Nhì... lại chọn cho mình những sườn đồi, trên đỉnh núi, làm nơi sinh sống.

Để đảm bảo đời sống, những người dân đã phải chọn hình thức canh tác ngô, lúa trên nương, sống phụ thuộc vào nương rẫy. Thế nhưng, do ở các vùng cao, miền núi hiếm đất bằng để canh tác, việc phá rừng làm nương rẫy gần như không còn đem lại hiệu quả kinh tế. Thay vào đó là những những khoảnh nương loang lổ, thoái hóa, bạc màu... Người dân đã khắc phục tình trạng đó bằng cách chọn các sườn đồi, núi có đất màu bạt tam cấp để tạo thành những vạt đất bằng, kết hợp canh tác lúa nước ở thung lũng hẹp với việc khai khẩn trên núi cao. Từ đó, những cung ruộng bậc thang dần hình thành.

Ban đầu, những thửa ruộng bậc thang chỉ hình thành dưới chân núi để chủ động nguồn nước suối tưới tiêu. Sau này, người dân bắt đầu khai khẩn ruộng bậc thang lên cao dần trên đỉnh núi, hình thành nên những thửa ruộng bậc thang kỳ vỹ, ôm quanh những quả đồi.

Đến xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, nghe già làng Chang Pó Hừ, bản Tả Ko Khừ kể lại công cuộc khai hoang ruộng bậc thang, học cách làm lúa nước của đồng bào miền xuôi. Theo già làng, Sín Thầu có nghĩa là bản mới; người Hà Nhì đã về đây sinh sống từ bao đời nay, từ khi dòng suối Mo Phí về mùa mưa còn cuồn cuộn. Những năm tháng ấy, lương thực của người dân chủ yếu là ngô, sắn làm trên nương. Để người dân có cuộc sống ấm no, lãnh đạo xã phối hợp với Đồn Biên phòng A Pa Chải vận động nhân dân khai hoang ruộng bậc thang, làm kênh mương thủy lợi, dẫn nước tưới cho cây lúa. Từ đó, những triền đồi thấp, uốn lượn quanh các khe suối đã được nhân dân khai hoang làm ruộng.

Ông Thào A Tùng, Trưởng bản Chóp Ly, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên chia sẻ: Theo kinh nghiệm của cha ông để lại, quả núi để làm ruộng bậc thang có độ dốc vừa phải, có nước nguồn từ suối, có khả năng tạo mặt bằng và ít sỏi đá. Công đoạn khó nhất và tốn nhiều công sức nhất chính là san mặt bằng và làm bờ ruộng. Người dân thường dùng cuốc cào núi thành bờ, dùng chân giẫm và đập mạnh sống cuốc để nén chặt bờ ruộng, bờ mới có thể giữ nước.

Để dẫn nước về các ruộng bậc thang, người ta đào rãnh, tạo dòng chảy dẫn nước từ trên cao xuống thấp, từ bên này sang bên kia, từ ruộng trên xuống ruộng dưới. Phía trên ruộng bậc thang, người ta đào giao thông hào để phòng trừ mưa lớn nước tràn từ đỉnh nương xuống ruộng làm gẫy lúa, trôi màu trên ruộng, đồng thời đây cũng là hàng rào ngăn cản trâu bò, dê vào ruộng phá hoại lúa.

Việc khai khẩn ruộng bậc thang kéo dài từ năm nào qua năm khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác để tạo nên những cung ruộng ôm trọn dáng núi, từ trên đỉnh xuống đến chân đồi. Từng khu ruộng bậc thang xếp tầng tầng, lớp lớp, núi tiếp núi, đồi tiếp đồi như những bức tranh khắc họa kỳ vỹ.

Ruộng bậc thang vùng Tây Bắc không chỉ là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn là một bản hùng ca hùng vỹ về sự sáng tạo trong quá trình khai hoang, phục hóa, cải tạo thiên nhiên phục vụ cuộc sống của nhũng con người cần mẫn.

Những dải màu văn hóa

Khi tạo ra những thửa ruộng bậc thang này, người dân chỉ nghĩ rằng mình làm như thế để đem lại hiệu quả trong việc canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, do đồi núi có độ dốc cao, địa hình lại quanh co, nên những thửa ruộng bậc thang đã uốn khúc một cách rất mềm mại. Mỗi mùa, ruộng bậc thang lại tạo ra những bức tranh với những mảng màu sắc riêng: Màu trắng bạc của mùa nước đổ; màu xanh của mạ non hay cả trái núi biến thành một “rừng vàng” óng mượt mỗi mùa thu hoạch đến...

Từ những sườn đồi, sườn núi, những nơi nước sông, nước suối chẳng thể chảy tới, thì nay, trải qua đôi bàn tay cần mẫn, tài hoa và trí óc đầy sáng tạo trong việc đưa nguồn nước từ rừng sâu, núi cao về đổ đầy vào các triền ruộng theo chiều từ trên xuống, người dân đã biến những khu vực tưởng chừng như chỉ để gieo trồng một số cây hoa màu trở thành nơi canh tác lúa nước độc đáo mà chỉ ở vùng núi cao mới có.

Bát Xát là dải đất địa đầu biên giới, vùng đất với nhiều cảnh quan hùng vĩ nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lào Cai. Nhân dân các dân tộc thiểu số nơi đây đã tô vẽ tạo nên những cung ruộng bậc thang kỳ vỹ, độc đáo giống như những bức tranh sống động và đầy huyền ảo giữa đại ngàn. Trong đó, nổi bật là khu ruộng bậc thang Ý Tý - Ngải Thầu nằm gọn trong khu thung lũng Thề Pả.

Nằm ở độ cao từ 1.200m - 1.700m so với mực nước biển, các thửa ruộng bậc thang nằm trải dài trong thung lũng Thề Pả, được núi cao, suối sâu, rừng rậm và các bản làng bao bọc. Những thửa ruộng bậc thang nơi đây không chỉ mang vẻ đẹp được tạo ra từ bàn tay, khối óc của các tộc người, mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử thiên di, lịch sử định canh định cư của các dân tộc. Vẻ đẹp hoang sơ của các khu ruộng bậc thang nơi đây luôn ẩn chứa trong mình cả một hệ thống các tri thức bản địa về quá trình khai mở ruộng nương, tri thức về bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước và gieo trồng, chăm sóc cây lúa của đồng bào Mông, Dao và Hà Nhì nơi đây.

Một trong những địa danh có ruộng bậc thang đẹp nhất Tây Bắc là Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đến thăm Mù Cang Chải, ta có thể ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên hùng vỹ với những bậc thang ruộng nằm trên các sườn núi, lớp nọ gối tiếp lớp kia với diện tích khoảng 3.500ha. Năm 2007, 500 ha diện tích ruộng bậc thang thuộc 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình được xếp hạng di tích quốc gia như là một trong những danh thắng độc đáo bậc nhất tại Việt Nam.

Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải thu hút khách du lịch không chỉ bởi vẻ đẹp không lẫn vào đâu được mà còn là nơi để người ta chiêm nghiệm một di sản văn hóa do những người dân tộc bản địa tạo nên qua nhiều thế hệ. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải minh chứng cho sự kỳ công, khéo léo của bà con dân tộc trong quá trình cải tạo thiên nhiên, hình thành nên vẻ đẹp ngoạn mục; cùng với bản sắc văn hóa đậm đà.

Nhìn từ trên cao, những cung ruộng bậc thang Tây Bắc giống như những bức tranh lụa thêu uốn lượn mềm mại. Đó là lý do vì sao người dân tộc Tây Bắc luôn tự hào về vùng đất mà chính họ đã tạo nên nét văn hóa độc đáo cho chính mình.

Chiều Tây Bắc sương giăng mơ màng. Nhìn về những bản làng, khói cuộn bảng lảng trên đầu mái, những bếp lửa sàn đã rực lửa, bóng tối đã bắt đầu bao trùm lên vạn vật, vẫn kịp nhìn thấy những nếp cắt bậc thang trên vạt đồi phía xa.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mê đắm những đường cong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO