Biến đổi khí hậu

Máy lạnh làm nóng Trái đất

Khánh Ly 16/05/2023 - 10:37

(TN&MT) - Theo cơ quan khí tượng, mùa hè năm 2023 nhiều khả năng sẽ xuất hiện các kỷ lục về nhiệt độ, nắng nóng trên phạm vi cả nước.

Đến hẹn lại lên, các loại thiết bị máy lạnh, điều hòa không khí (ĐHKK) hoạt động hết công suất trong khi ngành điện liên tục kêu gọi tiết kiệm điện. Cơ quan quản lý cũng ngay ngáy nỗi lo phát thải khí nhà kính từ các thiết bị này tăng cao, càng làm trầm trọng thêm hiệu ứng nóng lên toàn cầu.

El Nino và cơn “đau đầu” kinh niên của ngành điện

Thời tiết năm 2023 ghi nhận nắng nóng xuất hiện sớm với nền nhiệt độ cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) ở cả miền Bắc và miền Nam. Nắng nóng và nhiệt độ tăng khiến các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, các cơ quan, công trình tăng nhu cầu sử dụng ĐHKK, máy lạnh trong thời gian khá dài, đồng nghĩa với lượng tiêu thụ điện năng lớn. Ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, mặc dù đợt nóng gay gắt đầu tháng 5 chỉ diễn ra trong ít ngày ở miền Bắc nhưng công suất và sản lượng tiêu thụ điện ở miền Bắc và toàn quốc cũng đã tăng lên rất cao.

anh-bai-bdkh.jpg
Sử dụng điều hòa không khí, máy lạnh gây phát thải các chất làm thủng tầng ô-dôn và các khí làm tăng hiệu ứng nhà kính

Riêng ngày 6/5, nắng nóng đạt mức kỷ lục. Mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng công suất tiêu thụ toàn quốc cũng đã lên tới hơn 43.300MW, tăng trưởng khoảng 6% so với công suất ngày cao nhất của tháng 5/2022. Sản lượng tiêu thụ điện trong ngày này trên toàn quốc cũng đã lên tới hơn 895 triệu kWh.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cũng như quy luật thông thường, tháng 5 chưa phải nắng nóng đỉnh điểm, mà tập trung vào tháng 6 - 7, thậm chí có thể kéo dài cho đến tháng 8. Đáng nói, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nền nhiệt độ năm 2023 được dự báo sẽ cao hơn so với TBNN khoảng 0,5oC.

Riêng khu vực miền Bắc, nền nhiệt độ có xu hướng cao hơn so với năm 2022; số ngày nắng nóng và tần suất nắng nóng cũng diễn ra dài hơn. Điều này sẽ làm cho nhu cầu sử dụng điện sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.

Theo ước tính của Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), hệ thống làm mát bao gồm ĐHKK, quạt gió và máy làm mát tại Việt Nam chiếm tới 40% nhu cầu điện dân dụng và 25 - 40% nhu cầu điện năng trong dịch vụ và thương mại/công cộng. Công nghệ làm mát được ứng dụng phổ biến trong bảo quản thực phẩm, dân dụng, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp, phòng dữ liệu, nghiên cứu...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cảnh báo, nếu tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng, không có lũ hoặc lũ về các hồ thủy điện ở mức thấp thì hệ thống điện miền Bắc sẽ có thể thiếu hụt lớn nhất, ước tính lên tới khoảng 1.600 - 4.900MW vào các tháng cao điểm nắng nóng. Dù chưa bước vào cao điểm nắng nóng, EVN liên tục đưa ra khuyến cáo tới người dân cần sử dụng điện tiết kiệm, sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

Làm mát phải... xanh

Việc tăng nhu cầu sử dụng ĐHKK, máy lạnh ngoài tiêu tốn đáng kể điện năng còn gây phát thải các chất làm thủng tầng ô-dôn bảo vệ Trái đất, và các khí làm tăng hiệu ứng nhà kính gây hiện tượng nóng lên toàn cầu - biểu hiện chính là El Nino. Trong nhiều năm qua, đây là vòng luẩn quẩn chưa thể phá vỡ do ĐHKK đã trở thành nhu cầu thiết yếu đối với con người khi chất lượng cuộc sống được nâng lên. Vấn đề cấp bách là cần kiểm soát và giảm dần lượng khí thải trong lĩnh vực làm mát, giảm bớt các tác động tiêu cực đến môi trường.

Để làm được điều này, các quốc gia và tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO hiện đã công bố 50 tiêu chuẩn cho lĩnh vực máy lạnh, ĐHKK và đang xây dựng thêm 27 tiêu chuẩn mới nhằm cập nhật các yêu cầu quốc tế. Về các tiêu chuẩn của Việt Nam, ông Triệu Việt Phương -Phó viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện đã có 34 TCVN về máy lạnh và ĐHKK hoàn toàn tương đương với các tiêu chuẩn ISO; 7 TCVN về hiệu suất năng lượng máy lạnh và ĐHKK, đáp ứng các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ngân hàng Thế giới ước tính, vào năm 2020, Việt Nam có thể đã tổn thất tới 518 triệu USD do tăng chi phí làm mát, góp phần vào thiệt hại chung từ tác động của biến đổi khí hậu.

Nhìn chung, các TCVN đã giúp doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu máy lạnh, ĐHKK nâng cao chất lượng thiết bị, vượt các rào cản kỹ thuật trong thương mại để đáp ứng yêu cầu trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, số lượng tiêu chuẩn của Việt Nam vẫn chưa theo kịp với ISO. Trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia sẽ cần có sự chung tay hơn nữa của các bên liên quan như các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực ĐHKK và máy lạnh.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), nếu không được kiểm soát, lượng khí thải từ quá trình làm mát tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp ba lần vào năm 2100.

Thời gian qua, Bộ TN&MT với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia đã tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo vệ Môi trường 2020, nhằm tạo ra khung pháp lý để quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính tại Việt Nam. Các yêu cầu về làm mát bền vững cũng đã được đưa vào trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam (2022) và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Hiện nay, Cục đang phối hợp với Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á nghiên cứu hiện trạng lĩnh vực làm mát, đề xuất phương án xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao và các-bon thấp, tăng cường tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực làm mát.

Các kết quả của hoạt động nghiên cứu này sẽ cung cấp dữ liệu cần thiết để Bộ TN&MT sử dụng trong quá trình xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Máy lạnh làm nóng Trái đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO