"Mạnh tay" xử lý hàng tồn đọng tại cảng biển

13/06/2018 16:14

Một số container cũ nát như phế liệu gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đây là những tồn đọng diễn ra trong nhiều năm qua, vì thế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần phải mạnh tay.

Thời báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.

cang bien
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Xin ông cho biết, lượng hàng container đang tồn đọng tại các cảng biển hiện nay?

Tính đến 31/5/2018, số lượng hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam là 27.944 container, trong đó khu vực cảng biển Hải Phòng có 6.753 container; khu vực cảng biển Tp.HCM có 14.658 container; khu vực cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu có 6.533 container.

Nguyên nhân nào khiến tình trạng container tồn đọng nhiều như vậy, thưa ông?

Trong thời gian gần đây, chính sách thương mại của các cường quốc kinh tế thế giới có nhiều thay đổi với diễn biến phức tạp khó dự đoán. Đơn cử như việc Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu có thể tái chế từ ngày 1/1/2018.

Theo đó, một lượng lớn các mặt hàng này từ các nước phát triển sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc mà sẽ tìm đường vào các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Số container có nguy cơ tồn đọng này chủ yếu là dây cáp điện, máy móc thiết bị cũ, phân bón, nông sản, nguyên liệu may mặc, nhôm nguyên liệu, phế liệu nhựa...

Chưa dừng lại ở đó, tới đây, một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng hoặc hàng đã được xếp lên tàu đang trên đường vận chuyển.

Vì thế, sẽ có nguy cơ sẽ gây ra hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường, chi phí từ ngân sách để tiêu huỷ, ách tắc tại các cảng biển Việt Nam khi hàng hoá không thể giải phóng.

Khi các container bị tồn đọng, doanh nghiệp kinh doanh cảng sẽ gặp những khó khăn gì?

Việc hàng hoá chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam dẫn tới các doanh nghiệp cảng phải luân chuyển nhiều lần vị trí các container trong bãi cảng hoặc có nhu cầu vận chuyển giữa các bển cảng, ICD khác để chứa.

Điều đó sẽ làm gia tăng chi phí cho các cảng, khách hàng, hãng tàu và giảm năng suất, hiệu quả khai thác cảng; ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khác của doanh nghiệp Việt Nam.

Làm thế nào để quản các container có dấu hiệu nghi vấn, có thể gây tồn đọng tại cảng, thưa ông?

Trong thời gian qua, cục hải quan các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các chi cục thường xuyên rà soát, thống kê, soi chiếu, thực hiện phân loại đối với những container hàng có dấu hiệu nghi vấn, thực hiện khóa container, xếp vào một khu vực riêng để theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Nếu chủ hàng làm thủ tục nhận hàng, thực hiện kiểm tra chi tiết; xử lý nghiêm nếu sai phạm. Trường hợp chủ hàng không làm thủ tục, khi quá hạn 90 ngày thực hiện xử lý, giải quyết kịp thời và tránh lãng phí hàng còn giá trị, tiêu hủy những lô hàng ảnh hưởng đến môi trường.

Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện xử lý hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Thông tư 203/2014/TT-BTC.

Ví dụ, trường hợp chưa có nguồn kinh phí để thực hiện chi trả hội đồng tạm ứng kinh phí từ tài khoản tạm giữ, dự toán ngân sách thường xuyên của cục hải quan hoặc của doanh nghiệp quản lý hàng hoá tồn đọng để thực hiện chi trả từ nguồn ngân sách.

Điều này là một trong những nguyên nhân gây khó khăn, làm chậm quá trình thanh lý hàng hoá tồn đọng.

Vậy làm thế nào để hạn chế các mặt hàng phế liệu, nhựa, giấy, lốp xe nhập qua cảng?

Theo tôi, bản thân các doanh nghiệp cảng cũng nên có những rào chắn của riêng mình. Ví dụ như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chỉ tiến hành dỡ hàng từ tàu sau khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể. Từ 1/6-30/9/2018, ngừng tiếp nhận toàn bộ hàng nhựa phế liệu nhập khẩu trực tiếp tại cảng này.

Để xử lý hàng hoá chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển, Cục Hàng hải có kiến nghị gì, thưa ông?

Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ chỉ đạo các Bộ Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường có giải pháp kịp thời để xử lý hàng hoá chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại cảng biển Việt Nam, ví dụ như hạn chế các lô hàng nhựa, giấy phế liệu đã về đến nước ta nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu.

Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc xử lý các mặt hàng nhựa, giấy phế liệu và các mặt hàng khác đã lưu bãi trên 90 ngày tại cảng các cảng biển Việt Nam.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp phối hợp với hãng tàu và khách hàng chủ động chuyển các lô hàng này về cảng khác trước khi tàu cập các cảng biển Việt Nam, tránh kéo dài thời gian giải phóng tàu làm phát sinh chi phí cho các bên liên quan.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét sửa đổi Thông tư 203/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan để chủ động xử lý hàng hoá chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại cảng biển.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Mạnh tay" xử lý hàng tồn đọng tại cảng biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO