Môi trường

Mai Sơn (Sơn La): Tuyên truyền bảo vệ môi trường, nguồn nước niên vụ cà phê 2024-2025

Nguyễn Nga 16/09/2024 - 18:40

(TN&MT) – Chiều ngày 16/9, tại xã Chiềng Ban, UBND huyện Mai Sơn tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sơ chế, chế biến cà phê niên vụ 2024-2025.

Tham dự Hội nghị, có lãnh đạo UBND, Trưởng công an, công chức địa chính của 7 xã; lãnh đạo điện lực khu vực Mai Sơn – Yên Châu; các hộ gia đình, cá nhân đăng ký sơ chế cà phê niên vụ 2024-2025.

a1(1).jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Phòng TN&MT huyện đã báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát với các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn huyện niên vụ 2023-2024, nhiệm vụ trọng tâm niên vụ 2024-2025.

Theo đó, niên vụ 2023-2024, Đoàn liên ngành và UBND xã Chiềng Mung, Chiềng Ban, Cò Nòi đã kiểm tra, lập hồ sơ trình UBND tỉnh, huyện xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường đối với 22 trường hợp, tổng tiền phạt hơn 1,2 tỷ đồng; trong đó, có 18 trường hợp vi phạm về nông sản, tổng tiền phạt gần 600 triệu đồng.

Niên vụ 2024-2025, dự kiến diện tích trồng cà phê trên địa bàn huyện Mai Sơn đạt trên 8.500ha, trong đó, hơn 7.300ha đã cho thu hoạch, với sản lượng trên 100.000 tấn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 đơn vị chế biến quy mô tập trung đủ điều kiện về môi trường, song mới chỉ đáp ứng sơ chế khoảng 1/3 sản lượng cà phê trên địa bàn huyện.

Qua rà soát, hiện có 132 hộ chế biến quy mô hộ gia đình trên địa bàn 7 xã (Chiềng Ban, Chiềng Mung, Chiềng Dong, Chiềng Chung, Chiềng Mai, Nà Ớt, Mường Chanh) đăng ký thực hiện thu mua, sơ chế cà phê tươi niên vụ 2024-2025, trong đó, 66/132 hộ chưa thực hiện thủ tục về môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Năm 2020, UBND huyện Mai Sơn đã thực hiện
thí điểm mô hình thu gom, xử lý, lưu chứa nước thải từ hoạt động sơ chế cà phê quy mô nông hộ tại hộ ông Quàng Văn Nghĩa tại bản Phiêng Quài, xã Chiềng Ban, với công suất 10 tấn cà phê quả/ngày.

Qua đánh giá, hệ thống thu gom, xử lý, lưu chứa nước thải hoạt động có hiệu quả, nước thải sau lưu chứa đến đầu niên vụ tiếp theo được mang đi làm phân bón ướt bón cho cây trồng.

Từ hiệu quả mô hình này, một số hộ gia đình đã tự nguyện áp dụng, ý thức bảo vệ môi trường trong hoạt động sơ chế cà phê đã có những chuyển biến tích cực.

Tại Hội nghị đại diện các phòng ban chuyên môn của huyện Mai Sơn đã triển khai tuyên truyền việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, đất đai trong hoạt động sơ chế cà phê theo các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Tài nguyên nước 2023, Luật Đất đai 2024. Tổ chức ký cam kết với các hộ gia đình, cá nhân đăng ký sơ chế cà phê niên vụ 2024-2025 về chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn nước.

a2(1).jpg
Tổ chức ký cam kết giữa các hộ sơ chế nông sản niên vụ 2024-2025 với Chủ tịch UBND cấp xã.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, cây cà phê tại Mai Sơn đã có sự phát triển cả về diện tích và sản lượng, trở thành một trong những cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, nguồn nước, những năm qua, UBND huyện đã thành lập các Tổ công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở. Tuy nhiên, niên vụ 2023-2024 vẫn còn tình trạng ô nhiễm nguồn nước, như tình trạng cá chết tại xã Chiềng Mai, Mường Bon, ô nhiễm nguồn nước mặt tại Chiềng Mung, Mường Bằng... Bên cạnh đó, có 50% số hộ chưa chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường niên vụ vừa qua nên không đủ điều kiện hoạt động.

Niên vụ 2024-2025, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn giao UBND các xã tiếp tục cập nhật danh sách các hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sơ chế nông sản; làm rõ chủ sử dụng đất, mục đích sử dụng đất với các hộ có hoạt động sơ chế niên vụ 2024-2025, báo cáo kết quả về Đoàn liên ngành trước 30/9/2024. Trước mắt, tập trung kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm về đất đai, bảo vệ môi trường với các hộ chưa có thủ tục về môi trường, báo cáo kết quả về Đoàn liên ngành trước ngày 15/10/2024.

Cùng với đó, duy trì, kiện toàn Tổ kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, đất đai, tài nguyên nước với các cơ sở sơ chế nông sản trên địa bàn quản lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở, lập hồ sơ xử lý vi phạm hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý với các trường hợp vượt quá thẩm quyền.

Thực hiện các biện pháp cưỡng chế các vi phạm đối với các trường hợp không chấp hành theo quy định. Chỉ đạo ban quản lý các thôn, bản, tiểu khu bám nắm địa bàn, kịp thời phát hiện, báo cáo Chủ tịch UBND xã các hành vi vi phạm về môi trường trong sơ chế cà phê, dong, sắn.

Với các cơ sở thu mua, chế biến cà phê, yêu cầu chủ các cơ sở hoạt động theo đúng quy mô, công suất cam kết; chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sản xuất. Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý nước thải, chất thải rắn trong phạm vi cơ sở.

Tuyệt đối không được đưa nước thải ra môi trường dưới mọi hình thức. Khuyến khích các cơ sở chế biến, hộ gia đình đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn thu mua, sơ chế nông sản trong phạm vi khu vực xã, bản. Đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải của cơ sở.

Công an huyện triển khai quyết liệt các biện pháp trinh sát phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến cà phê. Chỉ đạo Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường nắm bắt tình hình vi phạm về môi trường trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các vi phạm; bố trí lực lượng triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch.

a3(1).jpg
Các hộ sơ chế cà phê niên vụ 2024-2025 đã ký 5 nội dung cam kết về chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn nước.

Phòng TN&MT huyện tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường trách nhiệm trong quản lý, đôn đốc, giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các cơ sở chế biến cà phê không đảm bảo yêu cầu về môi trường.

Thực hiện gợi ý kiểm điểm đối với người đứng đầu các phòng, ban chuyên môn, Chủ tịch UBND cấp xã nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện mà không kịp thời xử lý. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở chế biến quy mô nhỏ thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Chỉ cho phép cơ sở chế biến cà phê với công suất phù hợp khả năng lưu trữ nước thải, chất thải rắn.

Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện phát huy vai trò, trách nhiệm trong giám sát, tuyên truyền, vận động nhân dân phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nguồn nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mai Sơn (Sơn La): Tuyên truyền bảo vệ môi trường, nguồn nước niên vụ cà phê 2024-2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO