Theo đó, Đoàn liên ngành của UBND huyện sẽ triển khai kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước với các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản trên toàn huyện, tập trung tại các xã: Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Chung, Mường Chanh, Nà Ớt, Chiềng Dong, Cò Nòi.
Nội dung kiểm tra, giám sát gồm: Giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước (Giấy xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, giấy phép môi trường, các công trình xử lý nước thải, chất thải; hoạt động khai thác, xả nước thải vào nguồn nước); đăng ký kinh doanh, đầu tư xây dựng... của các tổ chức, cá nhân hoạt động sơ chế nông sản trên địa bàn.
Giám sát, kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu nêu trong Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền xác nhận. Lấy mẫu, phân tích chất lượng nước thải, khí thải, chất thải của các cơ sở được kiểm tra, giám sát (nếu cần thiết).
Quá trình kiểm tra, giám sát từ tháng 9/2022 đến hết tháng 5/2023. Dự kiến, trong tháng 9/2022, huyện Mai Sơn sẽ tổ chức hội nghị tuyên truyền các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn nước; thống nhất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong hoạt động sơ chế, chế biến cà phê niên vụ 2022 – 2023.
Cùng với đó, giao UBND các xã tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách các hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sơ chế nông sản niên vụ 2021-2022 và dự kiến niên vụ 2022 – 2023 (có đầu tư máy móc phục vụ hoạt động sơ chế cà phê quả tươi). Với các cơ sở dự kiến sẽ tiến hành hoạt động, tổ chức kiểm tra hiện trạng, đánh giá các điều kiện để phục vụ hoạt động sản xuất, các cơ sở chỉ được phép hoạt động khi có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và phải có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn, khí thải,...), công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường để không gây ô nhiễm.
Theo lãnh đạo UBND huyện Mai Sơn, niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê trên địa bàn huyện đạt trên 86.000 tấn; 2 nhà máy trên địa bàn đã thu mua và sơ chế hơn 23.000 tấn cà phê quả tươi, chiếm 1/4 sản lượng.
Toàn huyện có 93 hộ đăng ký hoạt động sơ chế cà phê trong niên vụ 2021-2022; qua kiểm tra có 78 hộ đáp ứng điều kiện sơ chế, 78/78 hộ đã thực hiện đầu tư các hạng mục thu gom, xử lý nước thải sơ chế cà phê quả tươi theo Hướng dẫn của Sở TN&MT.
Sau khi kết thúc niên vụ vào cuối tháng 3/2022, UBND huyện đã chỉ đạo Đoàn kiểm tra của huyện thường xuyên giám sát hệ thống lưu chứa, xử lý nước thải của 78 hộ sơ chế cà phê; đôn đốc thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn các hố chứa nước thải sau niên vụ.
Nhìn chung, niên vụ 2021-2022, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường trong hoạt động sơ chế nông sản có chuyển biến tích cực. Các hộ đã tự đầu tư hệ thống thu gom, lưu chứa, xử lý nước thải phát sinh, tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải có xu hướng giảm nhiều so với trước đây.
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn do diện tích trồng và sản lượng cà phê trên địa bàn huyện đang ngày càng tăng; 2 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung chưa tiêu thụ hết sản lượng cà phê tươi trên địa bàn, dẫn đến phát sinh hoạt động sơ chế, chế biến cà phê quy mô hộ gia đình. Trong khi, việc đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải sơ chế cà phê quả tươi, đạt quy chuẩn đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, mặt bằng rộng, các hộ sơ chế nông sản không có nghề và công việc ổn định, thu nhập chủ yếu phụ thuộc mùa vụ.
Dự kiến niên vụ 2022-2023, sản lượng cà phê trên địa bàn huyện Mai Sơn khoảng trên 92.000 tấn; trong đó, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Mường Chanh sẽ sơ chế khoảng 30% sản lượng, sản lượng còn lại do các nhà máy khác và cơ sở sơ chế quy mô nông hộ thu mua, sơ chế.
Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước niên vụ 2022-2023, UBND huyện đã giao các xã rà soát, yêu cầu các hộ dự kiến sơ chế niên vụ 2022-2023 đăng ký quy mô, công suất hoạt động trong niên vụ với UBND cấp xã, cam kết thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động sơ chế ngay từ đầu niên vụ. Quá trình hoạt động phải thực hiện đúng quy mô, công suất, vận hành hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy định, trường hợp vượt quy mô công suất hoặc gây ô nhiễm môi trường thì dừng hoạt động sản xuất, xử lý nghiêm theo quy định.
Đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn các hộ đã đăng ký sơ chế cà phê quả tươi niên vụ 2022-2023 hoàn thiện các thủ tục về môi trường và hệ thống thu gom, lưu chứa, xử lý nước thải đảm bảo không xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Chỉ đạo Đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động sơ chế nông sản niên vụ 2022-2023 và UBND các xã thực hiện giám sát, yêu cầu 78/78 hộ đã đầu tư các hố thu gom, lưu chứa, xử lý nước thải nạo vét, gia cố lại các hồ chứa đã có để phục vụ cho niên vụ mới.
Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung đã ký cam kết giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp tục phối hợp với Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh để kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường với các cơ sở chế biến cà phê, tinh bột sắn quy mô tập trung trên địa bàn huyện Mai Sơn.