Mai Sơn – Sơn La: Siết chặt công tác bảo vệ môi trường

30/06/2018 22:25

(TN&MT) – Hiện nay, trên địa bàn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có 4 nhà máy, 1 khu công nghiệp và 4 trại chăn nuôi lợn tập trung cùng nhiều cơ sở chăn nuôi, sơ chế nông sản… Do đó, công tác bảo vệ môi trường luôn là vấn đề trọng tâm được huyện quan tâm thực hiện.

Năm 2017, huyện Mai Sơn đã phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với Nhà máy chế biến nông sản BHL
Năm 2017, huyện Mai Sơn đã phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với Nhà máy chế biến nông sản BHL

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Mai Sơn có 4 nhà máy, gồm: Nhà máy đường Sơn La, Nhà máy sản xuất tinh bột sắn (FOCOCEV); Nhà máy sản xuất phân bón và hóa chất Sơn La; Nhà máy xi măng Mai Sơn. Một khu công nghiệp Mai Sơn có 6 đơn vị đang xây dựng và sản xuất; 4 trại chăn nuôi lợn tập trung và nhiều hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa cùng các hộ sơ chế nông sản (dong, sắn, cà phê…).

Ông Nguyễn Thanh An, Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn cho biết: Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường, hàng năm, huyện Mai Sơn đã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện; đôn đốc UBND các xã, thị trấn tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Kết quả, trong 2 năm 2016-2017, đoàn liên ngành đã tham mưu UBND huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường với 11 trường hợp vi phạm, số tiền phạt 59 triệu đồng; 06 trường hợp khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép, số tiền phạt 139 triệu đồng. Năm 2017, đã phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 6 tổ chức, cá nhân, gồm: Nhà máy phân bón và hóa chất Sơn La, Nhà máy chế biến nông sản BHL, Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Sơn, Thủy điện Nậm Pàn 5, cơ sở chăn nuôi lợn hộ gia đình bà Hà Thị Thanh Huyền, trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc công nghệ cao của DNTN thương mại dịch vụ Lộc Phát.

Bên cạnh đó, từ năm 2014 tới nay, huyện Mai Sơn đã tổ chức 28 lớp truyền thông công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu tới 1.960 lượt người tham dự. Tổ chức các hội nghị triển khai các văn bản mới lĩnh vực tài nguyên môi trường cho công chức phụ trách tài nguyên môi trường 22 xã, thị trấn.

Thực hiện xã hội hóa công tác thu gom rác thải sinh hoạt tại 07, xã thị trấn; hỗ trợ 115 xe gom rác đẩy tay cho các xã thực hiện xã hội hóa công tác thu gom rác thải trên địa bàn. Nhờ đó, tỷ lệ chất chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 100% và được xử lý bằng phương pháp chôn lấp đạt trên 90%. Đã tổ chức quan trắc chất lượng môi trường trong năm 2016, 2017 và những năm tiếp theo nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và kịp thời đề xuất các phương án, biện pháp nhằm giảm thiểu, xử lý nguồn phát sinh ô nhiễm.

Hết năm 2017, 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1972/QĐ-UBND ngày 9/9/2013 của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được Sở TN&MT tỉnh ban hành Quyết định chứng nhận cơ sở hoàn thành thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.

Hết năm 2017, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn huyện Mai Sơn đã được chứng nhận hoàn thành thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để (Ảnh: Nhà máy Mía đường Mai Sơn)
Hết năm 2017, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn huyện Mai Sơn đã được chứng nhận hoàn thành thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để (Ảnh: Nhà máy đường Sơn La)

Có thể nói, thời gian qua, các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đã được tuyên truyền đến nhân dân, góp phần nâng cao ý thức người dân. Công tác phối hợp kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức được tăng cường nên mức độ gia tăng ô nhiễm dần được hạn chế. Công tác thu gom, xử lý rác thải từng bước chuyển biến. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn hầu hết đã chấp hành đầy đủ pháp luật về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường theo quy định của Nhà nước.

Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu tại các khu dân cư tập trung là do hoạt động sơ chế nông sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nông hộ. Bên cạnh đó việc khoan giếng chưa được quản lý là một trong những nguyên nhân gây suy giảm mực nước và ô nhiễm nguồn nước dưới đất. Cùng với đó, công tác kiểm tra tình hình bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được tiến hành thường xuyên và chặt chẽ do hạn chế về nhân sự, kinh phí; số lượng cơ sở được kiểm tra còn thấp so với số lượng đối tượng cần kiểm.

Việc đánh giá mức độ ô nhiễm còn hạn chế, chủ yếu đánh giá bằng trực quan. Việc xử lý các kho dự trữ nông sản sử dụng thuốc bảo quản và cơ sở chế biến nông sản, hộ chăn nuôi gia súc quy mô nông hộ trong khu dân cư còn khó khăn như chủ cơ sở không hợp tác, chưa có đầy đủ các thiết bị để xác định mức độ ô nhiễm; trong xử lý vi phạm chưa có biện pháp cứng rắn ngăn chặn nguyên nhân gây ô nhiễm nên một số đối tượng (chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân) chây ỳ không thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Trong thời gian tới, huyện Mai Sơn kiến nghị Bộ TN&MT sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, trong đó đề nghị bổ sung biện pháp ngừng cung cấp điện nước đối với các cơ sở hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, nêu rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan. Nghiên cứu và ban hành chủ trương, quy định, hướng dẫn việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý môi trường cấp huyện. Tăng cường biên chế, trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ công tác bảo vệ môi trường tương ứng với các nhiệm vụ quản lý bảo vệ môi trường. Đặc biệt cần có tổ chức, biên chế chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học địa phương… để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường cấp thiết hiện nay.

Kiến nghị UBND tỉnh Sơn La tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, tập huấn, giao ban về chuyên môn nghiệp vụ đối với cấp huyện, xã. Bổ sung thêm biên chế cho Phòng TN&MT cấp huyện thực hiện nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học địa phương, tài nguyên nước và khoáng sản.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mai Sơn – Sơn La: Siết chặt công tác bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO