(TN&MT) - Sáng 7/3, UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, quy hoạch, trật tự xây dựng, hành lang giao thông; quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng năm 2023; triển khai nhiệm vụ 2024.
Ngày 22/2/2023, UBND huyện Mai Sơn đã tổ chức ký cam kết về tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường; quy hoạch, trật tự xây dựng, hành lang giao thông.
Nhiều kết quả tích cực
Qua 1 năm triển khai, 22 xã, thị trấn cơ bản đã nghiêm túc thực hiện các nội dung cam kết, kịp thời giải quyết các vụ việc đột xuất phát sinh. Đã tổ chức ký cam kết về quản lý đất đai, khoáng sản, nước và bảo vệ môi trường; trật tự xây dựng, hành lang giao thông với 291/291 bản, tiểu khu, đạt 100%; 38.285/39.569 hộ gia đình, đạt 96,75%. Còn hơn 1.200 hộ chưa ký cam kết, chủ yếu là trường hợp đi làm ăn xa không có mặt tại địa phương.
Trong công tác quản lý đất đai, đã công bố, công khai Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 tại trụ sở UBND, nhà văn hoá xã. Tăng cường kiểm tra, nắm bắt địa bàn, phối hợp thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo thẩm quyền; kiểm soát việc sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân. Thường xuyên kiểm tra, đối chiếu các công trình xây dựng đảm bảo các quy hoạch được duyệt. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch.
Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn, các xã tiếp tục duy trì Tổ thu gom Chung tay thu gom, xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình với mục tiêu 3 sạch; tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các thôn, bản trong thu gom, phân loại, chôn lấp rác thải hợp vệ sinh. Hiện nay, toàn huyện duy trì 114 điểm tập kết rác với 349 xe gom rác đẩy tay; tỷ lệ thu gom, xử lý khu vực đô thị đạt 93,5%; khu vực nông thôn đạt 77,8%.
Công tác kiểm tra, giám sát, nắm địa bàn được UBND các xã, thị trấn xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tập trung kiểm tra các điểm tiềm ẩn nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép; các cơ sở sơ chế nông sản, chăn nuôi; hành nghề khoan nước dưới đất... Qua đó, đã phát hiện, lập hồ sơ xử phạt 48 trường hợp, chủ yếu tại các xã Chiềng Lương, Cò Nòi, Chiềng Ban, Nà Bó, Hát Lót, Chiềng Sung…; tổng tiền phạt trên 550 triệu đồng.
Đồng thời, triển khai kiểm tra việc chấp hành các quy định về trật tự xây dựng, hành lang giao thông tại thị trấn Hát Lót và các xã Cò Nòi, Hát Lót, Chiềng Mung. Đã phát hiện 8 trường hợp xây dựng không phép, trong đó, 3 trường hợp đã tự tháo dỡ công trình vi phạm, 3 trường hợp lập hồ sơ xin giấy phép xây dựng; ban hành 2 quyết định xử phạt lĩnh vực xây dựng, thu nộp ngân sách 115 triệu đồng.
Ngoài ra, 26/32 trường hợp tự di dời các công trình mái che, mái vẩy, biển quảng cáo, quán tạm bán hàng... vi phạm ra khỏi phạm vi hành lang giao thông đường bộ; tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh tháo dỡ mái che, mái vẩy, bạt di động 106 lượt tại thị trấn Hát Lót và các xã Cò Nòi, Hát Lót.
Tiếp tục quản lý đồng bộ trên các lĩnh vực
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Lê Duy Thanh, Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn cho biết: Công tác quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng tại một số xã còn hạn chế, còn tình trạng người dân vi phạm quy hoạch, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, hủy hoại đất, san ủi cải tạo mặt bằng khi chưa được phép. Một số xã chưa chủ động trong công tác kiểm tra, phát hiện, chưa kiên quyết xử lý vi phạm. Còn tình trạng một số cá nhân lén lút đào, xúc đất nghi nhằm khai thác khoáng sản trái phép, nhất là tại xã Chiềng Lương, Chiềng Chung.
Tại một số xã, còn tình trạng hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi quy mô trang trại vừa, nhỏ, nông hộ gây ảnh hưởng đến môi trường; nhiều hộ gia đình sơ chế nông sản (cà phê quả tươi, mật mía thủ công) quy mô hộ gia đình còn xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Chưa phát huy được sức mạnh của cộng đồng dân cư trong đấu tranh với những vi phạm về đất đai, xây dựng, hành lang giao thông, tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Đáng lưu ý, đối tượng tác động trực tiếp đến môi trường chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân không có nghề nghiệp ổn định, ý thức chấp hành pháp luật còn thấp. Song, lại có nhiều thủ đoạn nhằm chống đối lực lượng chức năng, vi phạm vào ngày nghỉ, ban đêm, sử dụng các thiết bị dễ thu hồi, cất giữ sau khi vi phạm, trốn tránh khi được kiểm tra...
Điểm đổi mới trong hội nghị năm nay, huyện Mai Sơn đã chia ra các nhóm xã và triển khai thảo luận về một số tình huống trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên, môi trường, trật tự xây dựng, quản lý, bảo vệ rừng.
Đưa ra một số tình huống cụ thể để thảo luận giải quyết về xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi: Khai thác nước dưới đất, khoan giếng khi chưa được cấp phép; bơm nước thải từ hệ thống lưu chứa nước thải sơ chế cà phê vào hệ thống thoát nước chung của thôn, bản; sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển quyền sử dụng đất tuy nhiên không đăng ký biến động đất đai theo quy định...
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn đã ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của phòng, ban, các xã, thị trấn trong năm 2023. Thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn giao các đơn vị tiếp tục tập trung triển khai các quy định của Luật Đất đai, Khoáng sản, Bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, lâm nghiệp, trật tự xây dựng.
Tiếp tục đổi mới phương pháp quản lý, chuyển từ bị động giải quyết, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Kiểm soát tốt công tác thu gom, xử lý rác thải; giám sát chặt chẽ tình trạng xả thải, nước thải từ hoạt động chăn nuôi, chế biến nông sản chưa qua xử lý ra môi trường. Đẩy mạnh quản lý khoáng sản chưa khai thác.
Tập trung kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến việc sử dụng đất. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lĩnh vực tài nguyên, bảo vệ môi trường; quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, hành lang giao thông; quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng....