Lục Nam – Bắc Giang: Cấp  phép “một đàng”, khoáng sản chở đi “một nẻo”?

07/05/2019 13:57

(TN&MT) - Hàng ngày, hàng trăm chiếc xe hổ vồ nối đuôi nhau chở đất đổ xuống thuyền mang đi nơi khác tiêu thụ. Ai bao che, tiếp tay  cho doanh nghiệp chở đất ra...

 

(TN&MT) - Hàng ngày, hàng trăm chiếc xe hổ vồ nối đuôi nhau chở đất đổ xuống thuyền mang đi nơi khác tiêu thụ. Ai bao che, tiếp tay  cho doanh nghiệp chở đất ra khỏi địa bàn đi tiêu thụ? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đâu khi để cho doanh nghiệp “tự tung, tự tác" trong thời gian dài tại mỏ đất ở thôn Hồ Trúc, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang?.

BG Ảnh 1 Xe chở đất trong mỏ đất của công ty Hoàng Dương (2)
Xe chở đất trong mỏ đất của Công ty Hoàng Dương

Mỏ đất này do công ty TNHH Hoàng Dương được cấp phép. Điều lạ, hoạt động khai thác khoáng sản này không đúng theo “giấy phép”. “Giấy phép” được cấp để phục vụ thi công san lấp mặt bằng dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang và các dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện Lục Nam. Nhưng thực tế, các dự án trong giấy phép thì chẳng có xe đất nào chở đến, mà ngược lại xe đất chở đi nơi khác bán kiếm lời.

Trao đổi với phóng viên, một số người dân sinh sống tại thôn Vũ Đồn, xã Vũ Xá, huyện Lục Nam rất bức xúc về việc ngày nào cũng có hàng trăm xe tải Howo hạng nặng loại “3 chân, 4 chân” chở đất đổ xuống thuyền rồi chở đi nơi khác tiêu thụ. Con đường liên xã thì bé nhỏ mà bị cày nát các loại xe tải cỡ lớn, quá tải, thùng cao ngất ngư chở đất từ sáng sớm đến tối mịt.


Bức xúc, anh Nguyễn Anh Thắng, một người dân tố cáo thẳng:  “Nhiều hôm, các đoàn xe này hành dân đến tận 10 giờ đêm. Đường sá thì nát tươm, bụi mù, nhân dân đi lại rất vất vả. Nhiều hôm, người dân có thấy một số lực lượng chức năng kéo xuống kiểm tra liên tục đấy. Nhưng không hiểu sao nạn ô nhiễm môi trường, nạn xe quá tải, quá khổ phá đường vẫn hoành hành, trong khi đó người dân thì chẳng biết kêu ai…”.

Còn ông N.V.H, nhà ở xã Vũ Xã, ngay gần bến đò ven sông cho biết: “Ngày nào cũng hàng chục chiếc tầu về lấy đất chở đi nơi khác tiêu thụ, đất chất đầy là tầu rời bến, đi ngay. Rồi lại một chiếc tầu khác cập vào bến sông “ăn hàng”. Có những ngày “đẹp trời” các tầu đất kéo về dồn dập, xe tải – máy xúc làm không kịp chở,  tầu đất đỗ hàng dài trên sông chờ vào lấy khoáng sản”. Ông H cho biết thêm: “Từ sau Tết nguyên đán đến nay, ngày nào cũng vậy, có nhiều hôm xe chở đất chạy rầm rầm đến 10h đêm chúng tôi không tài nào ngủ nổi…”.  

Có mặt tại hiện trường để ghi hình,  phóng viên nhận thấy: Những tố cáo, “vạch mặt” nạn chở đất ở đây của người dân là có cơ sở. Đất được chở từ một mỏ đất ở thôn Hố Trúc, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam. Qua tìm hiểu thì được biết khu mỏ đất này là của Công ty TNHH Hoàng Dương. Đoàn xe thuê mướn của doanh nghiệp này suốt ngày chạy ầm ầm, nối đuôi nhau đổ đất xuống thuyền, và từ đây, các đoàn thuyền rời bến chở đi nơi khác bán.

Quan sát cả ngày ở tại hiện trường, phóng viên nhận thấy điều lạ là giấy phép thì cho khai thác phục vụ trong phạm vi địa bàn huyện Lục Nam, nhưng lạ thay, không thấy bất kỳ một xe đất nào của đơn vị này chở vào các dự án trên địa bàn huyện Lục Nam. Toàn bộ xe chở đất của khu mỏ này đều chở xuống bến thuyền và chở đi nơi khác tiêu thụ.


Theo tìm hiểu, phóng viên được biết: Mỏ đất do Công ty Hoàng Dương làm chủ dự án chỉ được phép khai thác 90.000m3/năm. Nhưng có một thực tế trái ngược là hiện nay, khu mỏ này đã có dấu hiệu khai thác “vượt phép” lên rất nhiều. Trao đổi với kỹ sư địa chất Nguyễn Đăng Tâm, công tác tại Viện nghiên cứu địa chất, ông Tâm cho biết: việc khai thác đất và tính toán khối lượng khai thác không khó, bởi khi cấp phép, trách nhiệm của nơi cấp phép (UBND tỉnh, hoặc Sở TN&MT) là phải có mốc giới, tọa độ, kích cỡ, vị trí… để còn lấy đó làm cơ sở tỉnh thuế tài nguyên - môi trường và các loại thuế khác. Một bộ hồ sơ khai thác mỏ, cấp phép mỏ phải có đủ. Để từ đó đánh giá trữ lượng và tính toán. Nếu như với tần suất khai thác thực tế như hiện nay thì Công ty Hoàng Dương đã có dấu hiệu khai thác vượt sản lượng, việc này cần phải cho lực lượng chức năng vào kiểm tra ngay, tránh tình trạng quản lý lỏng lẻo, sơ hở để rồi doanh nghiệp lại “đục nước, béo cò”, và trốn thuế, kỹ sư Tâm cho biết.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết: Ngày 31/01/2019, UBND tỉnh Bắc Giang có quyết định số 288/QĐ- UBND, về việc cho phép Công ty TNHH Hoàng Dương  khai thác khoáng sản (đất làm vật liệu san lấp) bằng phương pháp lộ thiên tại khu cực Hố Thông và hòn Bu Lu,  thôn Hố Trúc, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam để san lấp cho dự án Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang và các dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa huyện Lục Nam. Diện tích khu vực khai thác: 3,6 ha ( ba phẩy sáu hécta ). Trữ lượng khoáng sản  khai thác : 573.255m3. Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác: 551.420m3. Công xuất khai thác 90.000m3/năm... Thời hạn khai thác 6,5 năm.

Nhưng khi phóng viên đối chiếu với thực tế thì khu mặt bằng của dự án nhiệt điện An Khánh đến nay cơ bản đã xong từ năm 2018. San lấp xong đã lâu, cỏ đã mọc, nhưng đến nay, dự án này vẫn còn ì ạch. Còn các dự án hạ tầng kỹ thuật khác của huyện Lục Nam ra sao? Có nhiều không hay chỉ là những dự án manh mún, nhỏ lẻ và để rồi từ đây, Công ty TNHH Hoàng Dương có cớ để khai mỏ mang đất chở đi nơi khác bán giá cao hơn… Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc, chấn chỉnh việc khai thác đất, chở đi nơi khác trước khi quá muộn

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin, diễn biến về những bất thường của dự án mỏ này khi có phản hồi từ các cơ quan chức năng…

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lục Nam – Bắc Giang: Cấp  phép “một đàng”, khoáng sản chở đi “một nẻo”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO