Luật Tài nguyên nước 2023: Công cụ quản lý tài nguyên nước tổng thể, tổng hợp, công bằng
(TN&MT) - Ngày 27/11, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước 2023. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là “quá thừa, quá thiếu, quá bẩn” và bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia về tầm nhìn sau khi Luật được Quốc hội thông qua.
PV: Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước 2023. Đâu là những "điểm sáng" của bộ luật quan trọng này, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Hà: Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 chương và 86 điều đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách quan trọng về bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước và Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.
Một trong những “điểm sáng” tôi thấy tâm đắc nhất kể từ trong quá trình sửa Luật đến khi Luật được thông qua đó là “Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia”. Đây cũng là một trong những điểm cốt lõi, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt Luật Tài nguyên nước 2023 trong các chương, điều với mục tiêu đến năm 2030, hướng tới nâng cao mức đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á và tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới. Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm thiểu rủi ro, tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước.
Đây cũng là bước thay đổi lớn và rất kịp thời, nhất là trong bối cảnh nguồn nước đang ngày càng có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm dưới tác động mạnh mẽ bởi quá trình phát triển kinh tế - xã hội, của các quốc gia thượng nguồn bởi phần lớn nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nước sông quốc tế cũng như ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nước dần thực sự được coi là tài sản quốc gia và có giá trị rất cao về mặt kinh tế và xã hội, do vậy, việc thay đổi cơ bản nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và các cấp trong khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ nguồn tài nguyên nước quốc gia và rất cần thiết.
Cùng với đó, Luật cũng cụ thể hóa các quy định chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật. Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước...
Đồng thời, Luật sẽ giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn, chồng chéo giữa Luật Tài nguyên nước với các luật khác để thống nhất việc điều tra, quản lý, khai thác sử dụng từ Trung ương đến địa phương, thống nhất quản lý về tài nguyên nước giao trách nhiệm cho các bộ, ngành quản lý theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được quy định tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước như: thủy lợi, thủy điện, cấp nước, giao thông thủy...
PV: Gắn kết Luật Tài nguyên nước 2023 vừa được Quốc hội thông qua cùng với hàng loạt các Quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt trong 2 năm qua, theo ông, Luật Tài nguyên nước 2023 sẽ mang đến những thay đổi căn bản, tạo ra những bước ngoặt như thế nào trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Hà: Trước hết phải kể đến Quy hoạch về tài nguyên nước gồm có: quy hoạch tài nguyên nước; quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia. Trong đó, quy hoạch tài nguyên nước là định hướng tổng thể cấp quốc gia trong việc quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra và là một trong những cơ sở cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Trên cơ sở quy hoạch tài nguyên nước, Bộ TN&MT triển khai lập các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh nhằm bảo đảm phân bổ hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, giữa thượng lưu và hạ lưu. Đặc biệt, tập trung giải quyết hiệu quả các vấn đề đặc thù của từng lưu vực sông như vấn đề hạn hán, ô nhiễm, suy thoái, lũ lụt… tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực. Căn cứ vào quy hoạch về tài nguyên nước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố chỉ đạo lập nội dung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh.
Để quản lý tốt tài nguyên nước, Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định một trong những công cụ cốt lõi, quan trọng trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước, đó là “nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước”, với nguyên tắc căn bản là phù hợp với Quy hoạch về tài nguyên nước. Theo đó, tất cả mọi hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước phải căn cứ vào quy hoạch tài nguyên nước. Từ Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 10 năm, chúng ta sẽ có kịch bản nguồn nước hàng năm là cơ sở để các bộ, ngành căn cứ để sử dụng hợp lí, tiết kiệm tài nguyên nước, đồng thời tuân theo hạn ngạch khai thác nước nằm trong giấy phép khai thác tài nguyên nước. Đây là bước tiến quan trọng sẽ thay đổi căn bản cách quản lý, cách điều hành nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Hay nói cách khác, Luật Tài nguyên nước 2023 chính là “xương sống”, là hành lang pháp lý quan trọng để quản lý tài nguyên nước tổng thể, tổng hợp, công bằng. Trong đó, quy hoạch tài nguyên nước chính là các “mấu chốt” xuyên suốt trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Bắt đầu từ quy hoạch tài nguyên nước, chúng ta sẽ xây dựng kịch bản nguồn nước để điều hòa, phân phối tài nguyên nước. Việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho các mục đích khai thác, sử dụng nước phải căn cứ vào kịch bản nguồn nước, quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có khai thác, sử dụng nước, hiện trạng, nhu cầu và hạn ngạch khai thác, sử dụng nước có tính đến tác động của biến đổi khí hậu, kết quả hạch toán tài nguyên nước.
PV: Để hành lang pháp lý về bảo vệ nguồn tài nguyên nước thực sự đi vào đời sống xã hội, đi vào lòng dân, nhận được sự hợp tác của người dân trong việc triển khai các chính sách, quy định của pháp luật, theo ông, thời gian tới, làm thế nào để huy động được sức mạnh toàn dân trong công cuộc bảo vệ nguồn nước?
Ông Nguyễn Ngọc Hà: Theo tôi, không có công cụ nào hữu hiệu hơn trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước, đề cao tính chủ động, khuyến khích người dân trong bảo vệ tài nguyên nước và vận động người dân bảo vệ tài nguyên nước như bảo vệ tài nguyên của chính mình.
Hơn nữa, với sự thay đổi của các cơ chế chính sách về xã hội hóa, về tài chính tài nguyên nước trong Luật Tài nguyên nước 2023, chúng tôi hy vọng sẽ huy động được các nguồn lực xã hội “chung tay” bảo vệ tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng, khôi phục được các dòng sông “chết,” bảo đảm công bằng trong khai thác, sử dụng nước của các ngành; nâng cao mức bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái các dòng sông và các giá trị văn hóa gắn liền với nước của nhân dân Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!