Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực từ 1/7: Quyết sách lớn để giữ “mạch nguồn” sự sống
Ngày 1/7/2024 đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước khi Luật Tài nguyên nước 2023 chính thức có hiệu lực. Với nhiều nội dung đột phá, Luật Tài nguyên nước được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước cho hiện tại và tương lai, là quyết sách lớn để giữ “mạch nguồn” của sự sống.
Ngày 1/7/2024 đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước khi Luật Tài nguyên nước 2023 chính thức có hiệu lực. Với nhiều nội dung đột phá, Luật Tài nguyên nước được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước cho hiện tại và tương lai, là quyết sách lớn để giữ “mạch nguồn” của sự sống.
Cơ chế mới trong quản lý và phân bổ nguồn nước
Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 Chương và 86 Điều. Với rất nhiều điểm mới, Luật đang nhận được kỳ vọng lớn từ dư luận và giới chuyên gia về một “cuộc cách mạng” trong chính sách quản lý, sử dụng nguồn nước - một trong những loại tài nguyên đặc biệt quý giá của nhân loại.
Theo các chuyên gia đánh giá, Luật mới thể hiện sự đổi mới tư duy một cách mạnh mẽ. Đầu tiên phải kể đến việc Luật quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Đồng thời quy định rõ “quản cái gì, quản như thế nào và ai quản”. Theo đó, đã quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tài chính... theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được giao tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước.
Đáng chú ý, một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật là tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn... Với nguyên tắc cốt lõi đó, Luật Tài nguyên nước 2023 sẽ cải thiện triệt để công tác quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước, bảo đảm việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước một các hiệu quả và bền vững nhất.
Luật còn có nhiều quy định mới, mang tính đột phá như: quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước; quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, quy định về hạch toán tài nguyên nước nhằm tính đúng giá trị của tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa và chính sách ưu tiên.
Hiện đại hoá, chuyên nghiệp hoá quản lý tài nguyên nước
Đặc biệt, nội dung hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số là một trong những điểm nổi bật của Luật Tài nguyên nước 2023. Nền tảng công nghệ số sẽ được đẩy mạnh ứng dụng trong việc hỗ trợ các cơ quan quản lý trong quá trình quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, đặc biệt khi xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông.
"Chúng ta chỉ mất từ 3 ngày đến 1 tuần để điều hòa được nguồn nước, thay vì mất nhiều thời gian như trước đây. Đây là việc rất khó nhưng nếu chúng ta không hướng tới thì không thể đảm bảo các nhu cầu về nước và an ninh nguồn nước".
Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước
Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành và địa phương đang đẩy nhanh đầu tư và ứng dụng công nghệ mới để xây dựng hệ thống dữ liệu chung về khí tượng thủy văn, lưu lượng dòng chảy và các hồ chứa. Các hồ chứa sẽ được điều tiết tích nước hoặc xả nước theo thời gian thực, thay vì theo mùa vụ, nhằm khắc phục mâu thuẫn và lãng phí giữa các nhu cầu khai thác nước cho thủy điện, thủy lợi và nước sạch trên cùng một dòng sông. Hướng tới việc nâng cao giá trị sử dụng nước lên mức trung bình của thế giới, thay vì chỉ bằng khoảng 1/8 như hiện nay.
Khát vọng làm sống lại các dòng sông chết
Một nội dung không thể không nhắc đến trong Luật Tài nguyên nước 2023 là khát vọng làm sống lại các “dòng sông chết” ở nước ta. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, nhất là đối với người dân Thủ đô, nơi nhiều con sông đang “chết dần, chết mòn” vì ô nhiễm và nhiều nguyên nhân khác.
Đặt ra “khát vọng” phục hồi các “dòng sông chết”, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan đến phục hồi các dòng sông và để đảm bảo tính khoa học, khả thi đã quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các "dòng sông chết" nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông.
Trên thực tế, công tác phục hồi các “dòng sông chết” đã và đang được chúng ta từng bước thực hiện trong thời gian qua bằng việc xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy. Điển hình là sông Nhuệ và sông Đáy. Trong thời gian tới, khi Luật Tài nguyên nước 2023 chính thức có hiệu lực, “khát vọng” càng có cơ sở để hiện thực hóa hơn nữa.
Đưa Luật vào cuộc sống
Để Luật đi vào cuộc sống, trong tháng 5/2024, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 2 Nghị định hướng dẫn quan trọng. Đó là Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Đồng thời, Bộ TN&MT ban hành 3 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật (Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất).
Với những cố gắng, nỗ lực rất lớn của Bộ TN&MT, đến nay, Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước mới đã được hoàn thiện đúng tiến độ, chất lượng, là một trong những Hệ thống pháp luật chuyên ngành được triển khai xây dựng, hoàn thiện một cách đồng bộ, bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và đặc biệt là Luật Tài nguyên nước, 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, 3 Thông tư. Các văn bản này sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong thực tế và cùng hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.
Để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, Bộ TN&MT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, ngay khi các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được ban hành, Bộ TN&MT đã có 3 văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phổ biến văn bản cũng như sẵn sàng triển khai khi các văn bản có hiệu lực thi hành.
Quy định, hướng dẫn đã có song để Luật thực sự được áp dụng, tạo ra thay đổi mạnh mẽ trong công tác quản lý tài nguyên nước, nỗ lực của một Bộ, ngành vẫn chưa đủ mà cần sự chung tay của toàn xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, phải có lộ trình cụ thể, “đi trước một bước”. Chính vì vậy, ngay từ sớm, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước 2023. Trong đó, hoạt động đầu tiên để tổ chức thi hành phải kể đến là việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách mới của Luật và văn bản hướng dẫn thi hành đến các cán bộ quản lý, người dân, doanh nghiệp nhằm đưa các quy định của pháp luật tài nguyên nước mới đi vào cuộc sống. Song song với đó, là tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ quy định, pháp luật về tài nguyên nước.
Cùng với đó, để phù hợp với Luật mới, Bộ TN&MT cũng phân công các đơn vị rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về tài nguyên nước; quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về tài nguyên nước để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước; Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật Tài nguyên nước. Trong đó, Bộ giao Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước trình Bộ xem xét, trình Chính phủ trong tháng 12 năm 2024.
Một trong những đột phá của Luật nằm ở việc cải cách hành chính. Vì vậy, để các cải cách thực sự tạo ra các chuyển biến đột phá, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính về tài nguyên nước, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính về tài nguyên nước.
Với việc ban hành và chuẩn bị kỹ lưỡng thực thi các quy định mới của Luật Tài nguyên nước cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành, chắc chắn thời gian tới sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.
Nguyễn Thuỷ