Tài nguyên nước

Luật hóa các quy định bảo vệ
nguồn nước mặt

Nguyễn Thủy 16/11/2023 - 06:51
z4867436274949_78607814352d90bd799270b0ae78bd78-1-.jpg

Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước mặt dồi dào. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên đó đang phải đối mặt với tình trạng ngày càng bị ô nhiễm và khó kiểm soát. Vì vậy, để từng bước bảo vệ, cải thiện, phục hồi các nguồn nước mặt của Việt Nam, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung một điều quy định riêng về bảo vệ nguồn nước mặt.

chat-luong-nuoc-mat-moi-lo-ngai-lon-1-.png

Việt Nam có nguồn nước mặt phong phú với hệ thống sông, suối dày đặc cùng với các hồ, ao, kênh rạch phân bố rộng khắp các khu vực trên cả nước. Theo đánh giá, nguồn nước mặt đầu nguồn các con sông chảy qua khu vực trung du, miền núi ít dân cư, hoặc các sông chảy qua khu vực thuần nông vùng đồng bằng có chất lượng nước còn khá tốt do chưa chịu tác động lớn của các chất gây ô nhiễm từ các nguồn thải. Hầu hết các hồ chứa, ao, kênh mương cũng có chất lượng nước tương đối tốt. Môi trường nước mặt tại hầu hết các vùng có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu, nhiều nơi vẫn đạt yêu cầu cho cấp nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, gần đây, tại một vài nơi, nguồn nước mặt đã có dấu hiệu suy giảm chất lượng và xảy ra ô nhiễm cục bộ chất rắn lơ lửng, chất hữu cơ, kim loại nặng và ô nhiễm vi sinh. Đặc biệt, tại khu vực đô thị lớn - nơi có mật độ dân số đông cũng như các hoạt động làng nghề, sản xuất phát triển, đã ghi nhận hiện tượng ô nhiễm cục bộ nước sông với một số thông số đã vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Nước trên các sông, ngòi, kênh, rạch bị ô nhiễm tới mức gần như biến chất, gây nguy hiểm đối với con người và sinh vật thủy sinh.

Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng là do việc khai thác, sử dụng nước thiếu hợp lý dẫn đến khai thác quá mức ở một số khu vực, lưu vực sông thời gian qua làm gia tăng nguy cơ thiếu nước và suy giảm chất lượng nguồn nước mặt.

401182228_7244787938879097_4125043440342532305_n.jpg

Mặt khác, theo báo cáo của Bộ TN&MT, hiện nay, phần lớn người dân khu vực nội, ngoại thành và nhiều địa phương đều sử dụng nguồn nước mặt để phục vụ sinh hoạt. Khi nguồn nước này bị ô nhiễm, suy giảm hay cạn kiệt, cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân cũng bị ảnh hưởng.

Tại những khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm, để có nước sử dụng, nhiều hộ dân phải đầu tư xây dựng bể lọc hay mua các thiết bị lọc nước... Hay tại những khu vực bị thiếu nước, nhiều hộ gia đình phải đi xa nhiều km để chở nước sạch, nhiều hộ dân phải mua từng thùng nước để sinh hoạt. Chi phí cho cuộc sống do vậy cũng gia tăng, khiến cho đời sống người dân thêm phần khó khăn. Chính việc không đủ nước cho sinh hoạt, nhiều nơi người dân vẫn phải dùng nguồn nước bị ô nhiễm, gây ra các bệnh nghiêm trọng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Đứng trước thách thức đó, để góp phần bảo vệ, cải thiện, phục hồi các nguồn nước mặt của Việt Nam, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung các quy định nhằm quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, đặc biệt là bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt, hướng đến chỉ số bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với đó, bổ sung các điều khoản để bảo đảm chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, tập trung phát triển nguồn nước, điều tiết nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, vận hành có hiệu quả các công trình thủy lợi, thủy điện, nâng cao khả năng tích trữ nước, cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, nâng cao khả năng tiếp cận số lượng, chất lượng nước để duy trì sinh kế, đời sống con người, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước, phòng, chống thảm họa thiên tai liên quan đến nước, bảo tồn hệ sinh thái, đảm bảo quốc phòng và an ninh với chi phí hợp lý thông qua việc thực hiện đổi mới thể chế, chính sách có tính chất then chốt.

chat-luong-nuoc-mat-moi-lo-ngai-lon-2-.png

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết Đại hội XII đã có chủ trương rất lớn là kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường, nhưng thực tế làm được rất ít. Nước là một loại tài nguyên nên phải bám sát cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc quản lý sử dụng tài nguyên này. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc nghiên cứu quy định về việc sử dụng nước tiết kiệm là rất quan trọng, nên cần coi nước ngầm, nước mặn, nước ngọt, nước lợ, thậm chí nước thải cũng được coi là tài nguyên, để giải quyết vấn đề đặt ra của kinh tế tuần hoàn.

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng như ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại kỳ họp thứ 5, trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 6 vừa qua, Ban soạn thảo Dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung Điều 22 về bảo vệ nguồn nước mặt. Đồng thời, tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung nội dung quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật như quy định tại các điều liên quan, bởi nước mặt vô cùng quan trọng, hầu hết lượng nước chúng ta đang sử dụng cơ bản là nước mặt và có lẽ đây sẽ vẫn là nguồn nước chính trong tương lai.

Theo Dự thảo Luật, nội dung bảo vệ nguồn nước mặt bao gồm các hoạt động chủ yếu như: Quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu đập, hồ chứa; bảo đảm lưu thông dòng chảy; Phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; cải thiện khả năng chịu tải của nguồn nước mặt; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; Bảo vệ các nguồn nước mặt có chức năng điều hòa, cấp nước, phòng, chống ngập úng; các nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch, tôn giáo, tín ngưỡng và có giá trị đa dạng sinh học cao; Bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy và bảo vệ môi trường nước mặt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

chat-luong-nuoc-mat-moi-lo-ngai-lon-3-.png

Góp ý vào Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị, đối với quy định riêng về bảo vệ nguồn nước mặt cần bổ sung quy định về các biện pháp trữ nước mặt, cũng như các quy định để bảo vệ và tăng nguồn sinh thủy giúp tăng khả năng giữ nước trong tương lai.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông
(ĐBQH tỉnh Bình Thuận)

Bổ sung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý tài nguyên nước mặt

z4879374130413_63714ce4595cb03d5636d8aeefc2a565.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (ĐBQH tỉnh Bình Thuận)

Tôi cho rằng Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này đã bổ sung nhiều quy định mới so với Luật Tài nguyên nước 2012, trong đó có nhiều nội dung quy định xuất phát từ thực tiễn quản lý tài nguyên nước trong thời gian qua, cũng như vấn đề về tài nguyên nước hiện nay và trong thời gian tới.

Về bảo vệ nguồn nước mặt (Điều 21), tôi thống nhất như Điều 21 của Dự thảo Luật đã thể hiện đầy đủ những quy định mang tính nguyên tắc về bảo vệ nguồn nước mặt và thể hiện rõ 2 ý về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, chống ô nhiễm nguồn nước và phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, chủ động tích cực lưu giữ nguồn nước mặt và duy trì dòng chảy bảo đảm lưu thông dòng chảy. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần bổ sung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí để quản lý tài nguyên nước, tăng cường công tác hậu kiểm để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước. Nội dung này tôi đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Tại Điều 24, về dòng chảy tối thiểu, theo quy định tại khoản 2 “Dòng chảy tối thiểu” là căn cứ, cơ sở để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định nhiều nhiệm vụ quan trọng như Quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, quy trình vận hành hồ chứa, việc cấp giấy phép,... Như vậy, việc xác định “Dòng chảy tối thiểu” phải triển khai làm trước. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong Dự thảo Luật không quy định thời gian nào phải làm, phải xong và thời gian công bố cũng như các phương pháp, công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến việc xác định dòng chảy ở mức bao nhiêu được gọi là thấp nhất tại các sông suối liên quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh, hồ chứa, đập dâng,... Dự thảo Luật chỉ mới quy định về việc rà soát, điều chỉnh dòng chảy tối thiếu được thực hiện 5 năm/lần. Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về thời gian hoàn thành, công bố dòng chảy tối thiểu; phương pháp, công cụ, quy chuẩn liên quan đến việc xác định dòng chảy tối thiểu.

Đại biểu Trần Văn Lâm
(ĐBQH tỉnh Bắc Giang)

Cần quan tâm đến những giải pháp mang tính gốc rễ

quochoi.vn-content-tintuc-newsmedia2020-haiyen-_050920231029-anh-5.jpg
Đại biểu Trần Văn Lâm (ĐBQH tỉnh Bắc Giang)

Nước là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất của cuộc sống. Theo các nghiên cứu khoa học, mặc dù Trái đất của chúng ta là một quả cầu nước nhưng chỉ có 3% là nước ngọt, còn lại 68,7% là nước đóng băng ở 2 đầu cực và 30,1% là nước ngầm, các nguồn nước khác là 0,9%. Thế giới hiểu rất rõ vai trò của nước mặt và nhiều nước xem đó là nguồn tài nguyên đặc biệt quý giá của quốc gia, từ đó có luật pháp, chính sách chặt chẽ, hiệu quả để phổ cập, quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên này phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài.

Để bảo vệ nguồn nước mặt, theo tôi, cần yêu cầu phải có các kế hoạch, biện pháp quản lý nhà nước đối với nguồn nước mặt. Theo đó, muốn tăng hệ số an toàn các hồ, đập để trữ nước chỉ là giải pháp "đằng ngọn”, cần quan tâm đến những giải pháp mang tính gốc là tăng khả năng trữ nước của thảm thực vật trên các lưu vực sông. Bởi qua thực tế khảo sát nhiều công trình hồ, đập của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho thấy, thực tế một loạt công trình hồ, đập đã xây dựng không phát huy đầy đủ công năng, không tích được đủ nước, vào mùa mưa phải xả tràn, đến mùa khô lại cạn kiệt, hiệu quả sử dụng rất thấp.

Mặt khác, theo tôi thấy, tình trạng này có nguyên nhân do khả năng trữ nước sinh thủy của thảm thực vật suy giảm một cách nghiêm trọng, nhất là khi nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trước đây được chuyển thành rừng sản xuất có khả năng trữ nước rất hạn chế. Do đó, vấn đề cần quan tâm hiện nay là tăng khả năng sinh thủy của các lưu vực sông để cấp nước cho các hồ đập trong tự nhiên. Điều 30, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã quy định cụ thể nhiều biện pháp để bảo vệ và tăng nguồn sinh thủy, nhưng phải coi bảo vệ nguồn sinh thủy như một chính sách quốc gia. Tức là, quy định tại Điều 30 cần nghiên cứu để đưa vào quy định tại Điều 4 về chính sách của Nhà nước để bảo vệ và gia tăng khả năng trữ nước sinh thủy của các loại rừng. Ngoài ra, theo tôi, không chỉ dừng ở các chính sách hiện nay, tới đây sẽ phải mở rộng chẳng hạn như mở rộng đối tượng thu của Quỹ dịch vụ môi trường rừng...

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm
(ĐBQH tỉnh Sóc Trăng)

Làm rõ các khái niệm liên quan đến nước mặt

z4879372574674_08b9b86cadf9ccf67bbeb094b2ffd82a.jpg
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (ĐBQH tỉnh Sóc Trăng)

Thực tế hiện nay do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nguồn nước của chúng ta đang bị cạn kiệt và dần ô nhiễm, điều này đã gây ra nhiều tác động đến đời sống, con người và đến sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đòi hỏi chúng ta cần có sự nhìn nhận và đánh giá đúng mức về nguồn tài nguyên đặc biệt này.

Góp ý về các nội dung cụ thể liên quan đến quy định về nước mặt, tôi cho rằng, tại khoản 3 Điều 2, nước mặt được giải thích là nước tồn tại trên mặt đất liền, mặt hải đảo. Tuy nhiên thực tế có các công trình thủy lợi gồm hệ thống kênh đào dẫn nước và cống lấy nước để dẫn nước biển vào đất liền lấy nước phục vụ các vùng để nuôi trồng thủy sản. Xét về tính chất, đây là nguồn nước biển nhưng nếu theo giải thích từ ngữ tại Dự thảo Luật sẽ được xem là nước mặt hoặc nguồn nước tại vùng cửa sông giáp biển. Vì vậy, việc xác định đúng loại nguồn nước sẽ là yếu tố quyết định việc xác định công trình khai thác nước có thuộc trường hợp phải đăng ký cấp phép hay không theo quy định tại Điều 52 của Dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 8 quy định "xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt" theo quy định trên thì rất khó thực hiện, bởi vì hiện nay các sông, kênh, rạch là nguồn tiếp nhận nước thải, chất thải từ sinh hoạt, sản xuất, trong khi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt quy định với khoảng cách khá lớn.

Tôi đơn cử hiện nay quy định tại Thông tư số 24/TT-BTNMT ngày 09/09/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có quy định cụ thể về phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt trên sông, suối, kênh, rạch để cấp cho sinh hoạt bao gồm phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch mà công trình đó khai thác và vùng thượng lưu, hạ lưu tính từ vị trí khai thác nước của công trình trong trường hợp công trình khai thác nước với quy mô trên 100m3/ngày đêm đến dưới 50.000m3/ngày đêm và trường hợp công trình khai thác nước với quy mô từ 50.000m3/ngày đêm trở lên có khoảng cách dao động tối thiểu từ 800m về phía thượng lưu và tối đa 100m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi, 200m đối với khu vực đồng bằng, trung du. Do đó tại khoản 2 Điều 20, việc lập phương án khai thác, sử dụng bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục tác hại do nước gây ra, tôi đề xuất Ban soạn thảo bổ sung đề nghị giao Chính phủ có quy định chi tiết để các địa phương thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

Tôi đề nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể hơn về cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất để phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản đối với những vùng đã có nguồn nước mặt. Bởi việc khai thác nước dưới đất gây ra nhiều tác động tiêu cực như sụt lún đất, xâm nhập mặn, suy thoái cạn kiệt nguồn nước.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí
(ĐBQH thành phố Hà Nội)

Rà soát các quy định đảm bảo nâng cao khả năng giữ và tích trữ nước mặt

z4879374145469_2ffc5b8c778f3efa2ab72542fb3fe93a.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (ĐBQH thành phố Hà Nội)

Trong Dự thảo Luật tại Điều 2, giải thích từ ngữ, mục 29 viết “phát triển nguồn nước có cả biện pháp nâng cao khả năng dự, tích trữ nước”. Theo tôi, nội dung dự trữ và tích trữ nước chưa được rõ nét trong Dự thảo Luật này. Dự trữ và tích trữ nước đặc biệt là nước mặt rất quan trọng và hiệu quả, hơn rất nhiều so với các biện pháp khác.

Vì vậy dự, tích trữ nước phải là ưu tiên và cần được đưa vào chính sách nhà nước ở giai đoạn này. Bởi vậy, tôi xin đề nghị đưa nội dung dự trữ, tích trữ nước vào Điều 4, là chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước. Bổ sung vào khoản 3 nội dung như sau: Ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, nâng cao khả năng dự và tích trữ nước …”. Phải đưa nâng cao khả năng dự, tích trữ nước vào trong chính sách.

Đặc biệt, để đảm bảo chặt chẽ quy định quản lý nước mặt trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước, cần tách khoản 1, Điều 22 thành 2 điều khoản riêng về bảo vệ nguồn nước, chống ô nhiễm nguồn nước; phòng, chống suy thoái, cạn kiệt chủ động, tích cực lưu giữ nguồn nước mặt. Qua đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định các biện pháp giữ nước, đặc biệt là giữ nước mưa ở nước ta. Đất nước ta mưa nhiều, nhưng với địa hình nghiêng từ Tây sang Đông, dòng sông ngắn, nước mưa cũng sẽ thoát rất nhanh. Do đó, giữ lại nước mặt rất quan trọng và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta, đặc biệt các tỉnh ở miền Trung, và các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây phải trở thành một chiến lược quốc gia, phải có chỉ tiêu để “treo nước lại”, giữ nước lại, quan tâm tăng hệ số an toàn các hồ, đập để trữ nước.

Việt Khang (lược ghi)

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật hóa các quy định bảo vệ nguồn nước mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO